![]() |
UBND huyện Hoàng Sa tiếp nhận nhiều tư liệu hiện vật có giá trị pháp lý chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Ảnh: VGP/Lưu Hương |
Được biết từ năm 2016 đến nay, UBND huyện Hoàng Sa đã tiếp nhận 212 hiện vật, tư liệu có giá trị lịch sử, pháp lý cao từ các tổ chức, cá nhân sưu tầm hiến tặng. Không chỉ ở trong nước, các cuộc phát động tư liệu, hiện vật về quần đảo Hoàng Sa còn lan tỏa đến người dân Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài và bạn bè quốc tế.
Bên cạnh đó, nhà Trưng bày Hoàng Sa đã đón 50.734 lượt khách với 831 đoàn đến tham quan, nghiên cứu. Trong đó có 27.044 học sinh, sinh viên chiếm hơn 50% tổng lượt khách trong hai năm qua.
Tại buổi lễ, UBND huyện Hoàng Sa tiếp nhận các tư liệu, hiện vật mới, cụ thể như: 19 Châu bản triều Nguyễn nói về việc xác lập và thực thi chủ quyền của triều đình nhà Nguyễn trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ; Quần đảo Hoàng Sa sau những khảo sát của người Đức (1881-1883) và những công trình của người Anh và người Pháp gần đây nhất; công trình nghiên cứu “Những trận chiến Bảo vệ Tổ quốc của Thủy quân Việt Nam”; tác phẩm “Trường Sa Đông”; Bản đồ Tourane (Đà Nẵng).
Đặc biệt, cũng trong buổi lễ, UBND huyện Hoàng Sa phát động xây dựng Thư viện Hoàng Sa. Các đơn vị bao gồm thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng và 4 Nhà xuất bản đã trao tặng 648 cuốn sách liên quan đến chủ quyền biển đảo để xây dựng Thư viện Hoàng Sa.
Ông Võ Ngọc Đồng, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa cho biết, nhà Trưng bày Hoàng Sa không chỉ là nơi thực hiện công tác tuyên truyền mà còn là nơi tập hợp, hệ thống tài liệu từ các công trình nghiên cứu, các đề tài, dự án, xuất bản phẩm liên quan đến Hoàng Sa. Việc tập hợp này nhằm hoàn thiện hệ thống pháp lí phục vụ cho công chúng trên mặt học thuật, vừa xây dựng hệ thống dữ liệu phục vụ chung cho học sinh, sinh viên đặc biệt là đội ngũ nghiên cứu trẻ hiện nay, đồng thời góp sức chuẩn bị nguồn nhân lực nghiên cứu biển Đông trong tương lai.