Voọc mũi hếch (Rhinopithecus strykeri) - 1 trong 10 loài được tập trung miêu tả trong Báo cáo Mekong hoang dã - Ảnh minh họa
|
Báo cáo của WWF đặc biệt nhấn mạnh tới tính đa dạng sinh học của Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS).
Theo đó, năm 2010, các nhà khoa học đã phát hiện và công nhận 208 loài mới – trung bình cứ hai ngày lại có thêm một loài mới được phát hiện tại khu vực này.
Báo cáo Mekong hoang dã tập trung miêu tả 10 loài mới được khoa học xác định, trong tổng số 145 loài thực vật, 28 loài bò sát, 25 loài cá, 7 loài lưỡng cư, 2 loài thú, và một loài chim được phát hiện trong năm 2010 ở khu vực sông Mekong thuộc vùng Đông Nam Á bao gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và vùng Đông Nam tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Báo cáo cho thấy trung bình cứ hai ngày một loài mới lại được khoa học ghi nhận trong khu vực.
WWF cũng gửi thông điệp kêu gọi các nhà lãnh đạo 6 nước thuộc GMS đưa vấn đề lợi ích của đa dạng sinh học, giá phải trả khi mất đi hệ sinh thái đa dạng này vào nội dung chính của Hội nghị thượng đỉnh Myanmar diễn ra vào tuần tới.
WWF cảnh báo rằng giá trị đa dạng sinh học và tài sản tự nhiên của vùng sẽ dần biến mất nếu thiếu những nỗ lực thúc đẩy xanh hóa nền kinh tế trong khu vực. Phát triển kinh tế không bền vững cùng với biến đổi khí hậu đang khiến các vùng đất nguyên sơ của vùng Mekong ngày càng bị thu hẹp, kèm theo đó là sự biến mất của các loài động vật quý hiếm.
Giám đốc Bảo tồn WWF Tiểu vùng sông Mekong mở rộng Stuart Chapman cho rằng, Chính phủ các quốc gia lưu vực Mekong cần nhận thức được bảo tồn đa dạng sinh học là một hình thức đầu tư bền vững cho tương lai.
Thu Cúc