Thưa ông, vì sao đó không phải phát hiện của người bản xứ?
Ta nên quan niệm theo cách sinh học. Động thực vật không có khái niệm biên giới, lãnh thổ, quốc gia, mà là tài nguyên chung của nhân loại.
20 năm qua, khi nước ta mở cửa, hợp tác khoa học với nước ngoài gia tăng thì phát hiện của khoa học gia Úc trên lãnh thổ Việt Nam là bình thường, cũng như nhà khoa học Việt Nam có phát hiện gần tương tự tại Lào.
Rừng của ta bị tàn phá nặng nề mà vẫn phát hiện được một loài mới?
Với sinh vật này, khả năng di chuyển, phát tán không xa. Chúng không yêu cầu các khu rừng quá rộng lớn để tồn tại như hổ, voi chẳng hạn. Chỉ cần chỗ nào còn rừng tự nhiên là chúng còn có cơ hội sống sót. Điều đó chứng tỏ Việt Nam vẫn là một trong những nước rất giàu về đa dạng sinh học.
Chúng tôi thường nói đùa, không có vấn đề gì để nghiên cứu ở rừng miền Bắc nữa vì hết rừng rồi, hoặc chỉ còn rừng nhưng là rừng cán cuốc, nghĩa là chỉ còn những cây to như cái cán cuốc. Ấy thế mà miền Bắc nước ta mấy năm nay vẫn phát hiện khá nhiều loài mới. 20 năm qua, tại Mỹ, không phát hiện được loài mới nào.
Như vậy có thể giải thích rằng do Mỹ có lực lượng nghiên cứu hùng hậu, trình độ khoa học cao nên đã phát hiện gần hết các loài. Còn ở Việt Nam liên tục phát hiện loài mới một phần là do… năng lực của các nhà khoa học của ta?
Phần nào đó cũng phải thừa nhận ta còn yếu về tìm hiểu đa dạng sinh học của chính chúng ta. Tài nguyên của mình mà để người ngoài phát hiện ra rồi mình mới biết cũng có chút chạnh lòng. Nhưng nếu quan niệm như tôi nói ở trên thì có thể hiểu được.
Năm 2008, tôi cùng các đồng nghiệp trong nước và Đức tìm ra một loài ếch cây sống ở những vũng nước nhỏ trong hốc cây, nên đặt tên là Ếch Cây Quyết. Quyết là tên một học trò cũ của tôi, có nhiều đóng góp cho việc bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam. Tôi có thể trao đổi nhiều hơn nhưng có nhiều vấn đề khó nói lắm. Thực tình, chúng ta cũng có những yếu kém về quản lý, điều hành, kinh phí, và nhất là về nhiệt huyết khoa học.
Khi phát hiện được một loài mới cho khoa học, nhà khoa học Việt Nam được gì?
Gần như chẳng được cái gì cả, dù quá trình nghiên cứu, phát hiện, công bố, đòi hỏi thời gian, kinh phí, thậm chí cả đổ máu. Có loài chúng tôi nghiên cứu 10 năm mới ra kết quả và công bố được. Từ năm 2008, mỗi bài báo đăng trên tạp chí chuyên ngành quốc tế được hỗ trợ một triệu đồng, không đủ để làm thủ tục xin phép tạp chí cho đăng.
Việt Nam cũng có nhiều chương trình điều tra, thống kê đa dạng sinh học của các khu bảo tồn và vườn quốc gia?
Không hẳn vậy. Các chương trình ấy đúng là có nhiều, nhất là khi chuẩn bị thành lập khu bảo tồn hay một vườn quốc gia nào đó. Tuy nhiên, kết quả chỉ là thống kê các loài đã có hoặc cho rằng có thể có tại các vùng phân bố mà thôi. Để tìm ra loài mới, cần có chuyên gia thực sự chuyên sâu.
Như chị Jodi Rowley phát hiện ra con ếch bay ma cà rồng chẳng hạn, chị là một nhà lưỡng cư - bò sát học song lại chuyên về ếch Đông Nam Á. Phần lớn chuyên gia Việt Nam ôm đồm, cái gì cũng biết nhưng chả biết sâu cái gì. Vì thế việc phát hiện ra loài mới cũng hạn chế.
Cám ơn ông.
Tiến sỹ Jodi Rowley (Bảo tàng Úc) vừa phát hiện một loài ếch kỳ lạ ở miền nam Việt Nam, báo điện tử ABC News cho biết hôm 6-1. Bàn chân ếch bay ma cà rồng có màng để lướt qua các ngọn cây. Ếch có biệt danh ma cà rồng là bởi, ở thời kỳ nòng nọc (giai đoạn đầu của ếch khi chui ra từ trứng), chúng có những chiếc răng nanh màu đen.
Nữ khoa học gia cho biết, đây là lần đầu tiên những chiếc răng nanh được tìm thấy ở nòng nọc và chưa lý giải được nguyên nhân của hiện tượng. “Chúng sống trong các vũng nước rất nhỏ đọng lại trong lỗ các thân cây và vì thế chúng có thể ăn thứ gì đó đặc biệt ở môi trường sống đó”, bà phán đoán.
Quốc Dũng