Bà Đoàn Thu Ngân, Trưởng phòng Kiểm soát ma túy, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan |
Trong bối cảnh dịch COVID-19, tình hình tội phạm ma túy vẫn diễn biến phức tạp. Bà có thể cho biết một số thủ đoạn, phương thức mới của tội phạm ma túy?
Bà Đoàn Thu Ngân: Do dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở trong nước và trên toàn thế giới nên công tác phòng, chống dịch bệnh được triển khai chặt chẽ trên các tuyến biên giới, cửa khẩu, hạn chế người xuất cảnh, nhập cảnh. Tuy nhiên, theo thống kê, đánh giá từ lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy của Việt Nam cũng như các nước trong khu vực và trên thế giới, hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép ma túy qua biên giới có xu hướng tiếp tục phát triển và ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, khó lường.
Tại Việt Nam, trong thời gian gần đây, cơ quan Hải quan đã chủ trì, phối hợp với lực lượng chức năng trong và ngoài nước trao đổi thông tin, phối hợp ngăn chặn, bắt giữ và xử lý nhiều vụ vận chuyển trái phép ma túy số lượng lớn từ nước ngoài vào nội địa thông qua những thủ đoạn ngụy trang, cất giấu tinh vi; ma túy được tập kết tại một địa bàn rồi chuyển đi nhiều tỉnh, thành để từ đó tiếp tục vận chuyển đi nước thứ ba. Hoặc một phương thức, thủ đoạn khá phổ biến khác là giấu lẫn ma túy trong hàng hóa xuất, nhập khẩu qua đường hàng không, bưu điện, chuyển phát nhanh.
Điển hình như cuối tháng 3/2021, một lô hàng xuất khẩu phi mậu dịch có tới 22 kiện hàng thực phẩm, được gửi cho người nhận là một công ty tại Đài Loan (Trung Quốc). Kiểm tra tờ khai hải quan, các công chức Hải quan TPHCM phát hiện hàng hóa gửi ra nước ngoài chủ yếu là quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm... Tiến hành kiểm tra trọng điểm, cơ quan Hải quan phát hiện hơn 4kg ketamine (ma túy tổng hợp), được cất giấu tinh vi trong các hộp, gói thức ăn cho mèo, được hàn kín và gắn seal nylon trông như hàng mới 100%.
Hay như chuyên án được phối hợp thực hiện giữa Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) và Công an Thành phố Hồ Chí Minh triệt phá đường dây ma túy xuyên quốc gia quy mô lớn, có chiêu thức cất giấu tinh vi trong dạ dày lợn, mô tơ điện… vào tháng 5/2021. Qua đó, bắt giữ 5 đối tượng gồm 3 đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc), 1 đối tượng quốc tịch Trung Quốc, 1 đối tượng có quốc tịch Việt Nam, tang vật thu giữ 270 kg ketamine.
Bên cạnh đó, trên tuyến biên giới đường bộ, đặc biệt tại khu vực Tây Bắc, tình hình vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới vẫn tiếp tục phức tạp do vị trí địa lý gần khu vực Tam giác vàng, nơi được xem là trung tâm sản xuất ma túy với công nghệ lớn nhất của khu vực và thế giới. Với đặc điểm có đường biên giới trải dài tiếp giáp với Trung Quốc, Lào cùng vô số các con đường tiểu ngạch ở các cửa khẩu, Việt Nam là địa bàn thuận lợi để tội phạm ma túy lợi dụng trung chuyển ma túy sang nước thứ ba.
Trước tình hình như trên, lực lượng Hải quan đã có những giải pháp gì để phòng chống, kiểm soát ma túy và tiền chất, thưa bà?
Bà Đoàn Thu Ngân: Để tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống ma túy, cơ quan Hải quan nói chung và lực lượng chuyên trách nói riêng luôn xác định và nỗ lực hoàn thành tốt đồng thời 2 mảng công tác là tham mưu và đấu tranh trực tiếp.
Trước bối cảnh dịch bệnh COVID-19 phức tạp dẫn đến phát sinh những thách thức mới đối với công tác kiểm soát phòng, chống ma túy của ngành, chúng tôi càng nhận thức rõ yêu cầu phải nỗ lực, chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác tham mưu và trực tiếp đấu tranh phòng, chống ma túy và kiểm soát tiền chất. Có thể kể đến các giải pháp đã được quan tâm tổ chức thực hiện tích cực trong thời gian qua như sau:
Thứ nhất, đơn vị đầu mối toàn ngành chủ trì tham mưu công tác phòng, chống ma túy. Nỗ lực làm tốt vai trò là đầu mối tham mưu cho lãnh đạo các cấp chỉ đạo toàn ngành quán triệt các quan điểm chỉ đạo về phòng, chống ma túy và kiểm soát tiền chất của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và ngành Hải quan như Chỉ thị 36, Quyết định 291/QĐ-TTg ngày 21/02/2020, Quyết định 1165/QĐ-BTC ngày 06/8/2020; thực hiện các nhiệm vụ của Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS, phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm và Tổ liên ngành phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; đặc biệt là triển khai thực hiện 13 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong Kế hoạch số 6197/KH-TCHQ ngày 22/9/2020 của Tổng cục Hải quan về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, tiền chất của ngành Hải quan...
Thứ hai, tích cực nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về phòng, chống ma túy. Rà soát, tham gia xây dựng, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, quy trình nghiệp vụ theo hướng đồng bộ, thống nhất, phù hợp với Luật Phòng, chống ma túy 2021 và các văn bản pháp luật hiện hành.
Thứ ba, tăng cường nguồn lực cho công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Củng cố nâng cao năng lực của lực lượng chuyên trách theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác phòng, chống ma túy.
Thứ tư, chỉ đạo lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy của Hải quan triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát ma tuý; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và sử dụng hiệu quả trang thiết bị chuyên dụng và chó nghiệp vụ phục vụ công tác phòng, chống ma túy; nâng cao cảnh giác trong công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát các phương thức, thủ đoạn mới trong hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh đối với các mặt hàng tiềm ẩn nguy cơ bị các đối tượng lợi dụng để cất giấu ma túy.
Thứ năm, làm tốt công tác nắm tình hình, thu thập, phân tích thông tin trong và ngoài nước; duy trì công tác điều tra cơ bản, xác minh các đối tượng, phương tiện có liên quan đến hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma tuý, tiền chất; tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan trong kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; phối hợp với các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy (như Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển Việt Nam) mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy trong địa bàn hoạt động hải quan, đặc biệt tại các địa bàn trọng điểm.
Thứ sáu, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các đoàn thể, ban, ngành có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền về phòng, chống ma túy bằng các hình thức đa dạng, phù hợp, thiết thực, hiệu quả.
Thứ bảy, triển khai hiệu quả hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy mà Việt Nam đã tham gia ký các hiệp định và thỏa thuận song phương, đa phương. Tiếp nhận, chia sẻ kịp thời các thông tin nghiệp vụ về ma túy với các tổ chức quốc tế, các nước trong khu vực và trên thế giới đảm bảo phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, hiệu quả trong công tác phát hiện, điều tra, bắt giữ đường dây ma túy quốc tế.
Nhờ vậy, trong năm 2020, lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ 168 vụ, 186 đối tượng, thu giữ khoảng 198 kg heroin; 704 kg cần sa; 13,43 kg thuốc phiện; 988,63 kg và 411.870 viên MTTH; 6,9 kg tiền chất; 26,82 kg ketamine; 170,76 g cocain.
Riêng trong 9 tháng năm 2021, toàn ngành đã chủ trì, phối hợp bắt giữ được 191 vụ, 170 đối tượng, thu giữ khoảng 93 kg heroin; 92,68 kg cần sa; 6,8 kg thuốc phiện; 459,48 kg và 18.104 viên MTTH; 304,3 kg ketamine; 1.020 viên thuốc hướng thần các loại.
Lực lượng hòng chống ma túy bắt giữ đối tượng (mũ trắng) trong đường dây ma túy xuyên quốc gia quy mô lớn, cất giấu ma túy trong dạ dày lợn, mô tơ điện vào tháng 5/2021 |
Dịp cuối năm cũng như trong thời gian tới, tình hình tội phạm ma túy dự báo sẽ vẫn phức tạp, khó lường. Vậy ngành Hải quan, cụ thể là lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy sẽ có những biện pháp nào để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm ma túy, thưa bà?
Bà Đoàn Thu Ngân: Luật Phòng, chống ma tuý đã được Quốc hội thông qua vào ngày 30/3/2021 và sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2022. Vì vậy, thời gian qua, Cục Điều tra chống buôn lậu đã chủ động, tích cực tham mưu Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính tham gia ý kiến xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021.
Trong đó, tập trung vào các nội dung liên quan đến thẩm quyền, nguyên tắc, cơ chế phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong phòng, chống tội phạm ma túy và kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy. Đồng thời, đơn vị cũng đang tích cực đẩy nhanh tiến trình xây dựng Quy trình sửa đổi quy trình nghiệp vụ kiểm soát ma túy của ngành, đảm bảo phù hợp với pháp luật và thực tiễn công tác phòng, chống ma túy hiện nay.
Để phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy, không để Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy, trong thời gian tới, cơ quan Hải quan tiếp tục nỗ lực phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn ngành, toàn lực lượng trên tinh thần nêu cao thế chủ động, phát huy sức mạnh nội lực kết hợp khai thác tối đa nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài, trong khuôn khổ các quan hệ hợp tác, phối hợp với các lực lượng chức năng trong nước và quốc tế nhằm thúc đẩy hiệu quả công tác phòng, chống ma túy.
Theo đó, ngành xác định tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đã thực hiện trong thời gian qua; trong đó, đặc biệt tập trung vào các yếu tố then chốt nhằm đáp ứng triển khai thành công mô hình Hải quan số, Quản lý biên giới thông minh theo mục tiêu Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 đó là: Tăng cường các giải pháp tổng thể nhằm nâng cao năng lực của lực lượng hải quan chuyên trách phòng, chống ma túy theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.
Đồng thời tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và khai thác, sử dụng trang thiết bị chuyên dùng, chó nghiệp vụ phục vụ công tác phòng chống ma túy; thúc đẩy quan hệ phối hợp, hợp tác giữa cơ quan Hải quan với lực lượng chức năng trong nước và với cơ quan Hải quan nước ngoài, tổ chức quốc tế trong triển khai đấu tranh phòng, chống ma túy.
Xin trân trọng cảm ơn bà!