In bài viết

Phát hiện tội phạm qua võng mạc

(Chinhphu.vn) - Điện thoại cầm tay thông minh có một số công năng về lĩnh vực an ninh, như kiểm tra vân tay, nhận diện khuôn mặt, kể cả việc phóng xung điện để phụ nữ tự bảo vệ mình. Mới đây hãng Apple trên cơ sở sinh trắc học đã phát hiện và nghiên cứu sử dụng Iphone để nhận dạng cá nhân chi tiết thông qua kiểm tra võng mạc.

11/09/2013 16:26

Sinh trắc học là ngành thực hiện xác định chỉ số y sinh một người nào đó dựa trên đặc tính vật lý, việc

"bản đồ" võng mạc không ai giống ai

nhận dạng khuôn mặt, phân tích dáng đi…dựa trên sự trùng hợp một cách tương đối mỗi người giữa số đông, còn xem vân tay và kiểm tra võng mạc “đối tượng” nghi vấn thì dựa trên tính khác biệt cá thể, khó có thể lầm lẫn.

Võng mạc là một bộ phận ở phía sau, một lớp mô mỏng có chức năng thu hình ảnh bên ngoài của mắt người, như một bộ phận trong một máy ảnh. Nó có các mạch máu để nuôi mô, theo các hình dạng phức tạp.

Cấu hình mạch máu đó không ai giống ai, hình dạng hệ thống mạch máu vòng vo, dài ngắn, cong, thẳng, rộng, hẹp được tạo hóa sinh ra theo sơ đồ duy nhất cho mỗi người .

Nếu cầm một điện thoại Iphone chiếu tia hồng ngoại năng lượng thấp vào mắt thu hình các mạch máu, trên màn hình hiển thị hình ảnh “bản đồ” võng mạc rất chính xác, khó để làm giả, khó làm biến dạng để đánh lừa. Phần mềm sẽ so sánh, cho ra kết quả trung thực.

Các nhà y sinh đã nghiên cứu một số bệnh, như tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, loạn thị… nhưng sơ đồ mạch máu trên võng mạc không thay đổi.

Apple sẽ sử dụng nó để tìm ra đối tượng đã được “đánh dấu”. Như thế bọn tội phạm khó có thể thay hình đổi dạng, hoặc gian ngoan lẩn trốn.

Nhưng Iphone Apple đòi hỏi phải cấu trúc thêm phần cứng bổ sung, nó chiếm diện tích khá nhỏ, đủ để nhồi nhét vào một chiếc điện thoại.

Chưa dừng lại, trong chức năng an ninh, người ta đang tiếp tục nghiên cứu việc kiểm tra mống mắt, nhịp tim của mỗi người…còn nhiều điều thú vị về sinh trắc mà ngành an ninh đang hướng tới thông qua phương tiện Iphone lúc đầu tưởng như chỉ để  “a lô”.

Trần Minh (theo Popsci)