Sáng 26/8, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khai mạc Hội thảo-Hội nghị-Tập huấn với chủ đề "Đánh giá công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể sau khi được ghi danh".
Hội thảo-Hội nghị-Tập huấn nhằm đánh giá tổng thể công tác quản lý nhà nước trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục quốc gia sau khi được ghi danh tới nay. Đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý và nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý đối với các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh cũng như các di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục quốc gia. Từ đó xác định phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch triển khai trong thời gian tới để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể theo cam kết tại hồ sơ đề cử với UNESCO…
Sự kiện được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến, với sự tham dự của 350 đại biểu là các chuyên gia của UNESCO và Việt Nam, các nghệ nhân, nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện các cơ quan quản lý di sản ở địa phương…
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa luôn được Đảng ta quan tâm, chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi để giữ gìn được những bản sắc văn hóa của dân tộc, lan tỏa các giá trị tới bạn bè quốc tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội,…
Việc thể chế hóa kịp thời các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về văn hóa nói chung và di sản văn hóa nói riêng thành pháp luật, cơ chế, chính sách phù hợp là cần thiết nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục của quốc gia, bảo tồn các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước vì sự phát triển bền vững.
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết, với nỗ lực không ngừng, tình yêu và trách nhiệm của nghệ nhân, cộng đồng thực hành di sản và chính quyền các cấp đối với di sản; thông qua việc tăng cường thực hiện và hoàn thiện pháp luật về di sản văn hóa, cam kết mạnh mẽ việc thực hiện Công ước 2003 và các Công ước khác của UNESCO, Việt Nam đã và đang đóng góp kinh nghiệm cũng như thể hiện nỗ lực, trách nhiệm trong việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; góp phần vào nâng cao vị thế, hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế.
Việc gia tăng về số lượng di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh vào các Danh sách của UNESCO và Danh mục quốc gia về di sản văn hóa phi vật thể cũng như sự phát triển của kinh tế-xã hội trong những năm gần đây đã và đang đặt ra những yêu cầu mới trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản và thực hiện Công ước.
Các biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể có tính chuyên môn đặc thù, cần có lộ trình tiếp cận vấn đề, chiến lược lâu dài, hướng tới quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể sau ghi danh một cách bền vững. Đồng thời, phải được tiếp cận theo một số nội dung có tính xu hướng, tính quốc tế như: Tiếp cận di sản và phát triển bền vững, bình đẳng giới, bảo vệ môi trường, giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, giữa quốc gia và quốc tế, đề cao vai trò của cộng đồng chủ thể, nghệ nhân, người thực hành di sản,…
Nhận thức của xã hội, cộng đồng và các cấp chính quyền về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể còn hạn chế và không đồng đều. Một số địa phương chỉ quan tâm tới việc xây dựng hồ sơ để đưa vào Danh mục của quốc gia hoặc quốc tế; thiếu các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị gắn với phát triển bền vững và hội nhập,…; lúng túng trong việc xây dựng, triển khai các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị, trong xây dựng, tổng hợp, xử lý thông tin các Báo cáo định kỳ về tình trạng, tình hình bảo vệ và phát huy giá trị di sản sau khi được ghi danh.
Các giá trị, đặc trưng, đặc điểm, tính chất, nguyên tắc thực hành, thiện trạng thực hành và bảo vệ di sản, các nguy cơ tác động, dẫn tới thực hành sai lệch, mai một và thất truyền di sản chưa được nhận diện, nắm bắt rõ, kịp thời. Kinh phí cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể còn hạn chế, chưa được đầu tư đúng mức.
Công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực tham gia vào hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể còn hạn chế, chưa có cơ chế, chính sách hợp lý nên chưa thu hút được sự hỗ trợ, hợp tác, tài trợ của các cá nhân, tổ chức kinh tế trong và ngoài nước.
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đề nghị, cần đánh giá tổng thể công tác quản lý nhà nước trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục của quốc gia sau khi được ghi danh tới nay, trong đó cần nâng cao nhận thức, cách hiểu đúng và đầy đủ về di sản văn hóa phi vật thể, về cộng đồng chủ thể của di sản, từ đó có cách ứng xử phù hợp với di sản; nâng cao hiệu quả quản lý và nhận thức của cán bộ quản lý đối với các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh cũng như các di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục của quốc gia; nhận diện rõ hơn vị trí, vai trò của các bên liên quan…
Tại sự kiện này, các đại biểu, các nghệ nhân và đại diện các địa phương đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể giữa các địa phương nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý, đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa các địa phương cùng có chung di sản được ghi danh đối với những vấn đề liên quan đến chuyên môn.
Hiện Việt Nam là Thành viên Uỷ ban liên Chính phủ Công ước 2003 nhiệm kỳ 2022-2026. Nhiều nội dung quan trọng về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở cấp quốc gia và quốc tế được quy định tại Công ước 2003 đã và đang góp phần hiệu quả vào phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội bền vững của đất nước.
Tính tới thời điểm hiện nay, UNESCO đã ghi danh 15 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam vào các Danh sách (bao gồm 13 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và 02 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp) phân bố ở hầu hết tỉnh, thành phố với nhiều chủ thể là đồng bào các dân tộc khác nhau.
Hiện chúng ta đã có 1.881 cá nhân được phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú", trong đó có 131 nghệ nhân nhân dân và 1.750 nghệ nhân ưu tú. Có khoảng 7 vạn di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, 497 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia phân bố rộng khắp trên cả nước.
Hoạt động tôn vinh nghệ nhân, kiểm kê và lập hồ sơ khoa học ghi danh di sản văn hóa phi vật thể đã và đang giúp cho các nhà quản lý, nghiên cứu về di sản văn hóa nhận diện rõ hơn về di sản để từ đó xây dựng các kế hoạch, chiến lược bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể góp phần vào giữ gìn bản sắc văn hóa của quốc gia và đa dạng văn hóa của nhân loại; góp phần định hình hoạt động quản lý, nghiên cứu về di sản văn hóa phi vật thể; nâng cao năng lực của cán bộ làm công tác di sản văn hóa ở các cấp; góp phần quan trọng vào đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng và trở thành những điểm đến thu hút khách trong và ngoài nước, tạo nên bản sắc, thương hiệu/dấu ấn riêng của địa phương có di sản.
Diệp Anh