In bài viết

Phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh vào giáo dục chính trị trong quân đội

(Chinhphu.vn) - Ngày 25/5, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trường Sĩ quan Chính trị đồng tổ chức Hội thảo khoa học “Phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh vào giáo dục chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam”.

25/05/2023 13:17
Phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh vào giáo dục quân đội - Ảnh 1.

Hội thảo khoa học “Phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh vào giáo dục chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam - Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Tại hội thảo, Trung tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, di tích lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa quan trọng trong hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa của Việt Nam. 

Di tích bao gồm hệ thống các công trình có chức năng nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày những tư liệu, tài liệu, hiện vật và tuyên truyền, giáo dục về thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trải dài trên mọi miền Tổ quốc và một số quốc gia trên thế giới, đánh dấu nơi Người đã sống, hoạt động, lãnh đạo nhân dân tiến hành cách mạng Việt Nam. 

Những di tích lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh phần lớn tập trung ở nơi Người sinh ra và lớn lên (Nam Đàn, Nghệ An), nơi Người ra đi tìm đường cứu nước (Bến cảng Nhà Rồng, Thành phố Hồ Chí Minh), nơi Người về nước lãnh đạo cách mạng (Pác Bó, Cao Bằng), nơi Người cùng Trung ương Đảng lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến (ATK Định Hóa, Thái Nguyên và Tân Trào, Tuyên Quang, khu Đá Chông)... 

Đây là những di tích đặc biệt đã và đang trở thành “địa chỉ đỏ” cho các tổ chức đoàn thể, quần chúng đến nghiên cứu, học tập, hưởng ứng các cuộc vận động và là nhịp cầu hữu nghị, thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế.

Trung tướng Nguyễn Văn Đức cho biết, trong các hình thức giáo dục chính trị ở các cơ quan, đơn vị quân đội, hình thức sinh hoạt chính trị - tư tưởng tại các điểm di tích lịch sử, nhà truyền thống là một trong những hình thức giáo dục quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ. Di tích lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh là nơi để cán bộ, chiến sĩ trong quân đội tham quan, tuyên dương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Đồng thời nêu cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, chiến sĩ.

Việc tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ tham quan thực tế tại di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh là một hình thức giáo dục chính trị hiệu quả, gắn lý thuyết với thực tiễn, tạo hiệu ứng tốt cho cán bộ, chiến sĩ tìm hiểu về thân thế và sự nghiệp của Người.

Để phát huy giá trị di tích lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giáo dục chính trị ở các cơ quan, đơn vị quân đội, theo Trung tướng Nguyễn Văn Đức, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần tiếp tục quán triệt sâu sắc về vị trí, tầm quan trọng của di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giáo dục chính trị. Bên cạnh đó, cần tổ chức chặt chẽ các hoạt động tham quan, nêu gương, tuyên dương, nhân rộng điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt tại các điểm di tích lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phối hợp với ban quản lý các điểm di tích lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giáo dục chính trị ở cơ quan, đơn vị hiện nay; phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa ở các cơ quan, đơn vị, nhất là bảo tàng, nhà truyền thống, phòng thờ, Phòng Hồ Chí Minh trong giáo dục chính trị.

Tại hội thảo, Thiếu tướng Đinh Quốc Hùng, Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chia sẻ về giá trị của Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi hội tụ bồi dưỡng, hun đắp tình cảm, niềm tin của đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế.

Theo Thiếu tướng Đinh Quốc Hùng, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một công trình vô cùng quan trọng của đất nước, mà còn là biểu tượng của lòng kính yêu và tri ân Bác, biểu tượng của niềm tin không gì lay chuyển của nhân dân ta đối với tư tưởng và đường lối Hồ Chí Minh cùng Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh do Người lãnh đạo, xây dựng.

Phát biểu tại hội nghị, Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đề nghị các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương thường xuyên quan tâm giúp đỡ, phối hợp với các cơ quan, đơn vị Quân đội để tiếp tục đẩy mạnh giáo dục truyền thống cách mạng cho các lực lượng, nhất là thế hệ trẻ thông qua các di tích, cụm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cả nước; tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho nhân dân về truyền thống vẻ vang của Quân đội, vai trò của Quân đội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mối quan hệ quân - dân cá nước, góp phần lan tỏa nét đẹp phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ" trong lòng nhân dân.

Trung tướng Nguyễn Doãn Anh lưu ý, các cơ quan, đơn vị Quân đội cần tham khảo những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống cách mạng, vận dụng linh hoạt, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, tiến hành các hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị gắn với quán triệt, triển khai các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của Trung ương, Quân ủy Trung ương, Tổng cục Chính trị phù hợp với đặc thù nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình.

Các đơn vị phối hợp chặt chẽ với ban quản lý khu di tích, cụm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trên địa bàn đóng quân để đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về thân thế, sự nghiệp, công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh; lan tỏa sâu rộng hơn nữa tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.

Thiện Tâm