Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trước những biến động nhanh, phức tạp và khó lường trên nhiều lĩnh vực như chính trị, an ninh, thiên tai, dịch bệnh… đang diễn ra và ảnh hưởng đến kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam, việc Thủ tướng Chính phủ quyết định tổ chức Hội nghị với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với chủ đề "Vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội, hợp tác phát triển" có ý nghĩa quan trọng nhằm tiếp tục khẳng định chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng vai trò của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong nền kinh tế và khuyến khích phát triển, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.
Đặc biệt trong giai đoạn vừa qua, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã luôn tin tưởng, đồng hành vào sự điều hành của Chính phủ, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm cho người lao động, chống đứt gãy chuỗi cung ứng.
Điều này đã góp phần quan trọng trong quá trình thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Việt Nam ghi nhận, biểu dương những đóng góp tích cực và có ý nghĩa của cộng đồng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đối với phát triển kinh tế xã hội Việt Nam.
Sự ủng hộ, tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp
"Mặc dù có những khó khăn, thách thức nhưng nhiều cơ hội mới và động lực mới trong hợp tác phát triển đã được mở ra. Các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế đã và đang tìm kiếm, mở rộng đầu tư tại Việt Nam nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Nước ta được các tổ chức quốc tế đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn, với những lợi thế", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Gần đây nhất, theo khảo sát nhanh do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thực hiện trong tháng 9/2022, rất nhiều những thông tin tích cực về hoạt động sản xuất, kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Theo đó, trên 90% doanh nghiệp đạt hiệu quả kinh doanh và tình hình tài chính ở mức trung bình và cao. Phần lớn các doanh nghiệp đều bày tỏ sự lạc quan, tin tưởng đối với Việt Nam và cam kết tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh lâu dài; trong đó khoảng 66% doanh nghiệp dự kiến mở rộng đầu tư trong năm 2023.
Ngoài ra, 76% doanh nghiệp đánh giá hiệu quả của các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh của Chính phủ (như về miễn, giảm thuế, phí, bình ổn giá, giấy phép lao động, chính sách xuất nhập khẩu, chính sách hỗ trợ người lao động, hỗ trợ tiêm vaccine COVID-19…) ở mức trung bình và cao.
Trong đó, các chính sách được đánh giá hiệu quả nhất là: Miễn, giảm thuế VAT; chính sách về bình ổn giá xăng dầu; cải thiện thủ tục cấp giấy phép lao động và thông quan; chính sách xuất nhập khẩu và hỗ trợ người lao động…
"Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho sự ủng hộ, tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp vào những quyết sách, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ.
Giải pháp thu hút FDI có chọn lọc
Với chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu, Việt Nam ưu tiên thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển. Cùng với đó là chú trọng các dự án có sự lan tỏa, cam kết hợp tác, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị, góp phần thúc đẩy kinh tế số và sự phát triển bền vững kinh tế xã hội nước ta.
Để thực hiện các mục tiêu nêu trên trong tình hình mới hiện nay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị một số nhiệm vụ, giải pháp trong ngắn hạn và trong dài hạn.
Đối với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, trong ngắn hạn, cần chủ động tiếp cận, nắm bắt vướng mắc, khó khăn của các nhà đầu tư hiện hữu để xác định những tồn tại hiện nay, đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật.
Đối với những tồn tại do khâu thực thi, các bộ, ngành, địa phương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ cần khẩn trương xử lý các vướng mắc của doanh nghiệp. Những vấn đề vượt thẩm quyền thì phải kịp thời báo cáo lên cấp có thẩm quyền để xử lý triệt để, không để khó khăn tồn đọng kéo dài.
Song song với hỗ trợ doanh nghiệp một cách cụ thể và toàn diện, các cơ quan chức năng cần xác định một số lĩnh vực có khả năng thúc đẩy nhanh dịch chuyển cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp hỗ trợ, bổ sung cho những phân đoạn Việt Nam chưa thể đáp ứng trong chuỗi cung ứng để ưu tiên thu hút; tập trung giải quyết tình trạng khan hiếm lao động cục bộ ở một số ngành, một số khu vực; chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết để đón làn sóng đầu tư.
Trong dài hạn, cần tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính. Theo đó, trong quá trình đề xuất, xây dựng, ban hành các chính sách cần lưu ý hướng tới xu thế, kinh nghiệm tốt của quốc tế phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam để áp dụng có chọn lọc. Các chính sách mới ban hành phải đảm bảo mục tiêu vừa tháo gỡ khó khăn, vừa không tạo thêm những rào cản mới.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đặc biệt nhấn mạnh việc tăng cường năng lực nội tại của doanh nghiệp trong nước, tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ theo hướng tập trung một số ngành, nghề cụ thể, qua đó thúc đẩy kết nối với doanh nghiệp nước ngoài để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; gia tăng giá trị sản xuất nội địa.
Đối với các hiệp hội doanh nghiệp, cần chủ động nghiên cứu, đánh giá thách thức, thời cơ, xu hướng kinh doanh, xu hướng thị trường mới của ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các yêu cầu về kinh doanh bền vững; tiếp tục là cầu nối giữa Chính phủ và các doanh nghiệp thành viên.
Đối với các doanh nghiệp, cần phải nắm bắt cơ hội để tổ chức sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, tuân thủ pháp luật, luôn đổi mới công nghệ và mở rộng đầu tư. Quan tâm đến người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường, liên kết hợp tác với các cơ sở đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu của làn sóng đầu tư mới.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng gợi ý các nhà đầu tư thành công tại Việt Nam quan tâm mời gọi các nhà đầu tư mới. Trong quá trình tìm hiểu đầu tư cần trao đổi, liên hệ kịp thời với các cơ quan quản lý về đầu tư tại Trung ương và địa phương để có được sự hỗ trợ, hướng dẫn và sớm có được quyết định đầu tư.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần đón đầu các xu hướng kinh doanh mới, tiên phong thực hiện đổi mới mô hình, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ, hình thành các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp; phát triển kinh tế tuần hoàn góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, trong đó ưu tiên đầu tư các dự án sử dụng ít lao động, năng lượng, đất đai, tài nguyên, đem lại giá trị gia tăng cao./.
Minh Ngọc