Trước phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các đại biểu Quốc hội chất vấn tập trung vào các nội dung: Công tác tuyển chọn, đào tạo và chế độ chính sách đối với vận động viên thể thao, nghệ sĩ trong các lĩnh vực nghệ thuật; giải quyết việc làm cho vận động viên, nghệ sĩ sau thời kỳ thi đấu, biểu diễn đỉnh cao. Việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch trong năm 2024 và những năm tiếp theo; giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đêm và chính sách đặc thù, thu hút đầu tư cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Phát biểu tại Phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: Thực hiện yêu cầu của Quốc hội về chuẩn bị các nội dung để trả lời chất vấn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Báo cáo số 163 gửi đến Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH).
Việc chất vấn không chỉ thể hiện, đề cao vai trò giám sát của Quốc hội mà còn biểu hiện sự quan tâm sâu sắc của Quốc hội đối với vấn đề văn hóa, thể thao và du lịch của nước nhà. Đây cũng là dịp để Bộ được báo cáo với Quốc hội về những kết quả sau 2/3 thời gian thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc, các nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, thời gian qua, chúng ta đã tập trung thực hiện các nghị quyết của Đảng, đặc biệt là sau thành công của Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, tiếp đến là sự kiện tổ chức kỷ niệm 80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam, và các hội thảo khoa học cấp quốc gia về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa đến các nhiệm vụ và sự quan tâm của Quốc hội khi giao cho Bộ xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo khẩn trương trình Chính phủ ban hành Chiến lược về phát triển thể thao trong thời kỳ mới theo Kết luận số 70 của Bộ Chính trị. Điều đó khẳng định đã có sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động quyết liệt trong tổ chức thực hiện các vấn đề về văn hóa, thể thao và du lịch.
Trong Báo cáo của Chính phủ do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trình bày tại kỳ họp Quốc hội lần này cũng đã đánh giá khái quát về những kết quả văn hóa, thể thao và du lịch thời gian vừa qua.
Ngoài những nhận định mà Chính phủ đã báo cáo với Quốc hội thì ở góc độ tiếp cận theo điều tra dư luận xã hội học của Ban Tuyên giáo Trung ương do Viện Nghiên cứu dư luận xã hội thu thập và xử lý thông tin đã có một cái tín hiệu vui mừng khi hỏi về việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước hay chưa, tỉ lệ này tăng 32% (từ 43% năm 2019 lên 75 % năm 2024), từ đó cho thấy sự chuyển biến tích cực về lĩnh vực này.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, mặc dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng để tiếp cận, chuyển đổi tư duy từ làm văn hóa, thể thao và du lịch sang quản lý nhà nước về lĩnh vực này thì ngành văn hóa, thể thao và du lịch cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức và có những mặt hạn chế trong công tác này.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định, toàn ngành cũng ý thức một cách đầy đủ là phải nỗ lực, cố gắng cao hơn nữa, quyết tâm hơn nữa và quyết liệt hơn nữa để tập trung thực hiện các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Quốc hội giao phó, cũng như xử lý tốt mối quan hệ giữa mong muốn xã hội với chức năng, nhiệm vụ của ngành; giữa mục tiêu phía trước và việc tổ chức thực hiện với nguồn lực cân đối hiện nay trong điều kiện còn hạn hẹp; phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao của lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch trong bối cảnh phải tinh giảm biên chế và tổ chức bộ máy cần phải được tin gọn. Chính vì vậy cũng có những khó khăn cần phải được chia sẻ, tháo gỡ.
Trong khuôn khổ Phiên chất vấn, với tinh thần cầu thị nghiêm túc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng mong muốn được lắng nghe các ý kiến và trả lời những vấn đề mà ĐBQH quan tâm.