In bài viết

Phát huy những thành tựu trong nhiệm kỳ 2005 - 2010, phấn đấu để tỉnh Kon Tum cơ bản thoát nghèo vào năm 2015

Nhiệm kỳ qua, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức do biến động của nền kinh tế thế giới và khu vực, sự chống phá ráo riết của các thế lực thù địch, thiên tai, dịch bệnh liên tiếp xảy ra, nhất là hậu quả nặng nề do cơn bão số 9 (năm 2009) gây ra trên địa bàn... nhưng dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương; cấp ủy, chính quyền, quân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum đã phấn đấu vươn lên, vượt qua khó khăn, thách thức, khai thác và phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh để tổ chức triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 13 và đã giành được những thành tựu quan trọng.

04/10/2010 14:58

Thành phố Kon Tum

Nền kinh tế ổn định, duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao; thu hút đầu tư và xây dựng kết cấu hạ tầng có nhiều tiến bộ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt 14,51%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 753 USD, vượt 37%; thu ngân sách Nhà nước tại địa bàn liên tục tăng qua các năm và đạt 865 tỷ đồng, vượt 44% mục tiêu đề ra. Kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 60 triệu USD, tăng gấp hai lần mục tiêu của Nghị quyết Đại hội 13 Đảng bộ tỉnh; huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 14.586 tỷ đồng, tăng 2,4 lần; chi ngân sách cho đầu tư phát triển đạt 5.923 tỷ đồng, tăng 2,1 lần so với giai đoạn 2001-2005.
Một số tuyến giao thông trọng điểm đã được khởi công xây dựng như đường giao thông Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh, đường Hồ Chí Minh đoạn qua TP Kon Tum; quốc lộ 24 và quốc lộ 14C được đầu tư, nâng cấp...; hệ thống đường liên xã cơ bản bảo đảm đi lại thuận lợi, thông suốt đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Điện lưới đã đến 100% thôn, làng và có hơn 97% số hộ được dùng điện; hơn 80% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Ba vùng kinh tế động lực của tỉnh (vùng kinh tế động lực TP Kon Tum gắn với Khu công nghiệp Hòa Bình, Sao Mai và các khu đô thị mới; vùng kinh tế động lực huyện Ngọc Hồi gắn với Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y; vùng kinh tế động lực huyện Kon Plông gắn với Khu du lịch sinh thái Măng Đen) đã thu hút được 111 dự án với tổng vốn đăng ký là 15.736 tỷ đồng, đến nay đã thực hiện được 1.457 tỷ đồng. Năng lực cạnh tranh của tỉnh từ nhóm tương đối thấp (năm 2006 ở vị trí 61/64) lên nhóm khá (năm 2009 ở vị trí 51/63). Các công trình thủy điện Sê San 3, Sê San 3a, Sê San 4, Plei Krông và một số nhà máy thủy điện nhỏ đã đi vào hoạt động. Thủy điện Thượng Kon Tum, Nhà máy chế biến bột và giấy Tân Mai - Kon Tum và nhiều công trình thủy điện vừa và nhỏ đang được khẩn trương thi công. TP Kon Tum được thành lập theo đúng kế hoạch, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y gắn với thị trấn Plei Kần và Khu du lịch sinh thái Măng Đen có kết cấu hạ tầng đồng bộ hơn, đã có những tiền đề quan trọng để phát triển thành các khu đô thị mới, hiện đại. Một số điểm du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái, nghỉ dưỡng đã được quy hoạch và từng bước đầu tư... đã làm cho diện mạo của tỉnh có nhiều khởi sắc từ đô thị cho đến nông thôn.
Cùng với những thành tựu trên lĩnh vực kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội đã có nhiều chuyển biến tích cực; các yếu tố nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được quan tâm đầu tư. Công tác giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo được chú trọng thực hiện, tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí năm 2005) giảm từ 38,63% xuống còn khoảng 16,5%. Chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng lên. Hệ thống trường lớp ngày càng mở rộng, từng bước được kiên cố hóa, chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu học tập của nhân dân, góp phần giảm tỷ lệ học sinh bỏ học từ 6,12% xuống 0,83%. Đã hoàn thành phổ cập giáo dục THCS, đang tiến hành phổ cập THPT ở những nơi có điều kiện. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 21% lên 33,5%.
Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được thực hiện tốt hơn. Tỷ lệ trạm y tế xã có bác sĩ tăng từ 40% lên 55,7%. Bệnh viện đa khoa tỉnh, các trung tâm y tế được đầu tư, nâng cấp và đưa vào sử dụng một số thiết bị kỹ thuật y học tiên tiến, hiện đại; Bệnh viện đa khoa khu vực Ngọc Hồi đã được hoàn thành và đi vào hoạt động. Các dịch bệnh nguy hiểm đã được phát hiện, khống chế, đẩy lùi kịp thời.
Một số công trình văn hóa, phúc lợi công cộng được đầu tư xây dựng. Lễ hội văn hóa tiêu biểu của sáu dân tộc bản địa đã được phục dựng. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" phát triển cả về số lượng và chất lượng; toàn tỉnh hiện có 402 làng văn hóa, 67.447 hộ được công nhận là gia đình văn hóa, tăng 123 làng (44%) và 17.875 hộ (36%) so với đầu nhiệm kỳ. Nhà văn hóa, nhà Rông truyền thống và các điểm vui chơi giải trí tập trung được đầu tư ở nhiều xã, phường, thị trấn, khu dân cư... góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.
Chính trị xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh luôn được giữ vững, hoạt động đối ngoại được tăng cường. Khu vực phòng thủ của tỉnh tiếp tục được củng cố và tăng cường về mọi mặt. Ý thức và tinh thần cảnh giác cách mạng của nhân dân, của các lực lượng vũ trang tiếp tục được nâng lên. Thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được hình thành và phát huy tác dụng tốt. Sức mạnh tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng vũ trang ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới. Hoạt động cải cách tư pháp được thực hiện đúng quy định, lộ trình. Công tác điều tra, truy tố, xét xử, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo có nhiều tiến bộ. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được triển khai tích cực và đạt được một số kết quả bước đầu.
Quan hệ hợp tác đối ngoại, nhất là với các tỉnh giáp biên giới của các nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Vương quốc Cam-pu-chia được củng cố, phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Các hoạt động tiếp xúc, đối thoại với các đoàn ngoại giao, tổ chức quốc tế được thực hiện đúng theo quan điểm, chính sách đối ngoại của Đảng, pháp luật của Nhà nước và điều kiện cụ thể của địa phương, đã góp phần thắt chặt hơn mối quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện; đặc biệt là quan hệ truyền thống tốt đẹp với Lào và Cam-pu-chia; làm cho bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, đặc biệt là chính sách dân tộc, tôn giáo.
Nhận thức đầy đủ về nhiệm vụ then chốt, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung lãnh đạo công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và đạt nhiều kết quả tích cực. Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" được triển khai thực hiện nghiêm túc, với nhiều cách làm sáng tạo, đang trở thành phong trào hành động cách mạng, thi đua yêu nước ở hầu hết của các địa phương, đơn vị. Hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị ở nhiều cơ quan, đơn vị được nâng lên rõ rệt.
Phần lớn tổ chức cơ sở đảng giữ vững được vai trò hạt nhân chính trị; chế độ, nguyên tắc sinh hoạt được thực hiện nghiêm túc; nội dung, hình thức sinh hoạt có đổi mới. Công tác kết nạp đảng viên mới vượt 24,31% mục tiêu đề ra; số thôn, làng chưa có đảng viên giảm từ 9,89% đầu nhiệm kỳ xuống còn 2,52%; số thôn, làng chưa có tổ chức đảng giảm từ 20,76% xuống còn 8,66%; đảng viên được phân công phụ trách hộ, nhóm hộ đã có nhiều việc làm thiết thực, gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hướng dẫn hộ gia đình phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn hóa... đã có những tác động tích cực đến nhận thức, tư tưởng và hành động của nhân dân.
Chất lượng quy hoạch cán bộ các cấp ngày càng được nâng lên và đã cơ bản khắc phục được tình trạng khép kín trong công tác cán bộ. Công tác luân chuyển cán bộ giữa các cấp, các ngành cũng như công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ xã, phường, thị trấn được đẩy mạnh thực hiện, góp phần tích cực vào việc chuẩn hóa và nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ ở cơ sở. Tình trạng hẫng hụt cán bộ kế cận là nữ, dân tộc thiểu số ở nhiều ngành, địa phương cơ bản được khắc phục.
Các cấp ủy đảng tiếp tục có nhiều đổi mới trong phương thức lãnh đạo. Tổ chức, bộ máy các cơ quan chuyên trách của Tỉnh ủy được sắp xếp, kiện toàn theo quy định đã góp phần khắc phục một bước tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy và Ủy ban kiểm tra các cấp tiếp tục được tăng cường, các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm được xử lý kịp thời, nghiêm minh. Hoạt động của HĐND các cấp được nâng lên rõ rệt, nhất là trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương. Năng lực quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của UBND và các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục được nâng cao, thái độ quan liêu, nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức được chấn chỉnh một bước. Mặt trận và các đoàn thể chính trị từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được củng cố, kiện toàn. Đến nay, 100% thôn làng, tổ dân phố có tổ chức Mặt trận, các đoàn thể; 82,3% khu dân cư đạt tiêu chuẩn khu dân cư tiên tiến, vượt mục tiêu đề ra 2,3%...
Những thành tựu trên đã và đang tạo ra tiền đề quan trọng cho bước phát triển đi lên của tỉnh trong nhiệm kỳ tới. Phát huy những thành tựu đạt được, trong nhiệm kỳ tới, đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục đoàn kết, thống nhất, tập trung lãnh đạo triển khai thực hiện có hiệu quả bảy nhiệm vụ trọng tâm, đó là:
1 - Khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế để phát triển một số ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững;
2 - Thực hiện cải cách hành chính mạnh mẽ và triệt để hơn, nhất là thủ tục hành chính và công chức, công vụ, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, hấp dẫn đối với các thành phần kinh tế;
3 - Tích cực tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương và huy động tối đa nguồn lực xã hội để đầu tư, hoàn thiện cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là giao thông và hạ tầng đô thị;
4 - Nâng cao thu nhập thực tế của người dân, thực hiện giảm nghèo bền vững gắn với tăng cường bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội;
5 - Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bảo đảm đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội;
6 - Giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng-an ninh trong mọi tình huống;
7 - Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ. Quyết tâm lãnh đạo thực hiện thắng lợi mục tiêu nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc; đẩy mạnh CNH, HĐH; xây dựng tỉnh Kon Tum cơ bản thoát nghèo vào năm 2015, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp CNH, HĐH đất nước do Đảng ta lãnh đạo./.