In bài viết

Phát huy thế và lực mới của Việt Nam trong hợp tác với Hàn Quốc

(Chinhphu.vn) - Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh sự cần thiết phải phát huy thế và lực mới của Việt Nam, tối ưu hóa các tiềm năng, thế mạnh của các địa phương Việt Nam, cũng như của các doanh nghiệp Hàn Quốc trong quá trình hợp tác giữa các địa phương và doanh nghiệp hai nước.

14/05/2025 17:27
Phát huy thế và lực mới của Việt Nam trong hợp tác với Hàn Quốc- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn dự Hội nghị "Gặp gỡ Hàn Quốc 2025" - Ảnh: VGP/Hải Minh

Chiều 14/5, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự Hội nghị "Gặp gỡ Hàn Quốc 2025", do Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với tỉnh Hưng Yên, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam đồng tổ chức.

Cùng dự hội nghị có Bí thư Tỉnh uỷ Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và 21 địa phương miền Bắc, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Choi Young Sam, cùng đại diện 150 doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc.

Hội nghị "Gặp gỡ Hàn Quốc 2025" được tổ chức tại Hưng Yên, một địa phương nhiều dư địa, tiềm năng, cơ hội để phát triển bứt phá.

Hưng Yên nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, trung tâm Đồng bằng sông Hồng, là cửa ngõ phía Đông của Hà Nội, gần cảng Hải Phòng, sân bay Nội Bài; có lợi thế về kết nối thuận lợi với hệ thống giao thông đồng bộ; có thế mạnh về phát triển công nghiệp với nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực và có các khu công nghiệp lớn.

Hưng Yên cũng nổi tiếng là một tỉnh giàu truyền thống văn hóa với niềm tự hào "Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến", tinh thần doanh nghiệp của Hưng Yên có từ nhiều thế kỷ trước.

Các địa phương phía Bắc tham dự "Gặp gỡ Hàn Quốc 2025" nằm trong khu vực có vị trí địa lý thuận lợi, sở hữu nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, nguồn nhân lực lao động dồi dào có chất lượng cao, nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển các ngành công nghiệp chủ chốt, như thương mại - dịch vụ, logistics, văn hóa - du lịch...

Quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc phát triển vượt bậc, toàn diện

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, sự kiện "Gặp gỡ Hàn Quốc 2025" được tổ chức trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 10 năm ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA), 10 năm tổ chức chuỗi sự kiện "Gặp gỡ Hàn Quốc" tại Việt Nam.

Tình hữu nghị và sự kết giao giữa Việt Nam và Hàn Quốc khởi nguồn từ nhiều thế kỷ trước, qua thăng trầm của lịch sử đã không ngừng được vun đắp, phát triển, Phó Thủ tướng đánh giá.

Trải qua hơn 3 thập kỷ kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992, mối quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã đạt được những bước tiến vượt bậc, từ Đối tác Toàn diện (năm 2001), đến Đối tác Chiến lược (năm 2009) và đến Đối tác Chiến lược toàn diện (năm 2022).

Phó Thủ tướng cho rằng đây là minh chứng rõ nét cho sự gắn bó, tin cậy và hợp tác hiệu quả giữa hai quốc gia, vượt qua những biến động rất phức tạp của tình hình thế giới.

Bên cạnh đó, với tinh thần "bạn bè tốt, đối tác tốt và thông gia tốt của nhau" cùng với nỗ lực cụ thể hóa các cam kết, quyết tâm cao nhất của lãnh đạo cấp cao và Chính phủ hai nước, sự nỗ lực hết mình của cộng đồng doanh nghiệp và sự ủng hộ nhiệt thành của nhân dân hai nước, quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc thực sự phát triển vượt bậc và toàn diện trên mọi mặt, trên các lĩnh vực hợp tác.

Việt Nam vươn lên thành đối tác kinh tế lớn nhất của Hàn Quốc trong ASEAN

Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam và Hàn Quốc đã trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của nhau trên nhiều lĩnh vực. Hàn Quốc hiện đứng thứ nhất về đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với 10.128 dự án, tổng vốn đăng ký trên 92 tỷ USD; đứng thứ hai về hợp tác phát triển (ODA), lao động và du lịch; và đứng thứ ba về hợp tác thương mại.

Việt Nam là đối tác kinh tế lớn nhất của Hàn Quốc trong ASEAN, chiếm 30% đầu tư và 50% tổng kim ngạch thương mại giữa Hàn Quốc và ASEAN. Hai nước đang hướng tới mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2025 và 150 tỷ USD vào năm 2030 theo hướng cân bằng, bền vững.

Phó Thủ tướng cho rằng đây là thời điểm, cánh cửa hội nhập và hợp tác quốc tế đang rộng mở hơn bao giờ hết và đây cũng là diễn đàn để các địa phương Việt Nam và đối tác Hàn Quốc cùng thảo luận và tăng cường hợp tác vì sự phát triển của cả hai nước trong nhiều thập kỷ tới.

Phát huy thế và lực mới của Việt Nam trong hợp tác với Hàn Quốc- Ảnh 2.

Phó Thủ tướng chứng kiến lễ ký kết bản ghi giữa các doanh nghiệp hai nước - Ảnh: VGP/Hải Minh

Vị thế mới của Việt Nam có lợi cho quan hệ với Hàn Quốc

Đề cập đến thành tựu phát triển của Việt Nam, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, sau gần 40 năm Đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, trong đó quy mô GDP đạt 476 tỷ USD, hiện trong Top 34 nền kinh tế lớn nhất thế giới, quy mô thương mại nằm trong Top 20 quốc gia với tổng kim ngạch thương mại năm 2024 gần 800 tỷ USD.

Việt Nam đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các chuỗi giá trị toàn cầu, được đánh giá là bến đỗ lý tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài, là điểm đến tiềm năng trong quá trình dịch chuyển và tái cấu trúc chuỗi cung ứng và mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Việt Nam đặt ra mục tiêu tăng trưởng đạt 8% để tạo đà, tạo lực, tạo thế, tạo nhịp cho tăng trưởng 2 con số từ năm 2026 trở đi, để đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Để hiện thực hóa các mục tiêu đó, Việt Nam đang tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều nhóm giải pháp để đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực.

Vừa qua, Bộ Chính trị thông qua một loạt văn kiện, nghị quyết, trong đó có Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; Nghị quyết 59 về đẩy mạnh hội nhập quốc tế, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện; Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân, trong đó coi kinh tế tư nhân là động lực chính cho phát triển nhanh và bền vững… nhằm đưa Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng.

Về đối ngoại, Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, quan hệ kinh tế-thương mại-đầu tư với trên 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, có quan hệ tốt đẹp với tất cả các nước; là thành viên rất tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Phó Thủ tướng cho rằng, đây là điều kiện thuận lợi để hai nước phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư.

Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam đánh giá cao hoạt động kinh doanh và đóng góp của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, đặc biệt là sự dịch chuyển mạnh mẽ từ các lĩnh vực gia công đơn thuần sang các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, các dự án năng lượng, tài chính-ngân hàng, dịch vụ chất lượng cao...

Sự tham gia, hỗ trợ của các đối tác Hàn Quốc là một trong những nhân tố quan trọng đóng góp vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam trong thời gian qua cũng như trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng khẳng định Chính phủ Việt Nam cam kết tạo môi trường đầu tư thông thoáng và minh bạch, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, quản trị thông minh, tiến hành cách mạng về tổ chức bộ máy, giảm các khâu trung gian, xóa bỏ cơ chế xin cho, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tạo điều kiện thuận lợi, tích cực hỗ trợ giải quyết các vướng mắc cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư ổn định và lâu dài tại Việt Nam.

Các cơ quan Chính phủ, đặc biệt là Bộ Ngoại giao đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành để các địa phương và doanh nghiệp hợp tác cùng phát triển trên chặng đường sắp tới.

Phát huy thế và lực mới của Việt Nam trong hợp tác với Hàn Quốc- Ảnh 3.

Các đại biểu tham dự Hội nghị "Gặp gỡ Hàn Quốc 2025" - Ảnh: VGP/Hải Minh

Chuyển trọng tâm hợp tác Việt Nam-Hàn Quốc sang lĩnh vực mới

Để thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc, Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận, chia sẻ tầm nhìn và ý tưởng, tiếp tục thúc đẩy hợp tác và kết nối, tiếp sức cho các cơ hội mới, tạo ra những kết quả mới trong quan hệ hợp tác hai nước Việt Nam-Hàn Quốc, với tinh thần cùng thắng, vì sự thịnh vượng chung.

Phó Thủ tướng nêu rõ, sự kiện "Gặp gỡ Hàn Quốc 2025" cũng là cơ hội quan trọng để tỉnh Hưng Yên cũng như các địa phương giới thiệu các tiềm năng, lợi thế, và định hướng phát triển các lĩnh vực ưu tiên, thu hút đầu tư, các chính sách ưu tiên hỗ trợ đầu tư, tăng cường quảng bá tới các nhà đầu tư, doanh nghiệp Hàn Quốc để đây thực sự là những "tổ ấm" để phát triển sản xuất kinh doanh.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị hội nghị tập trung trao đổi về những cơ hội, thách thức và những biện pháp nhằm khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, tạo xung lực mới trong quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam-Hàn Quốc, phát huy thế và lực mới của Việt Nam, tối ưu hóa các tiềm năng, thế mạnh của các địa phương Việt Nam cũng như của các doanh nghiệp Hàn Quốc trong quá trình hợp tác.

Cùng với đó, các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc nhân cơ hội này cần chủ động, tích cực kết nối, nắm bắt các cơ hội về đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi giá trị bền vững, trong đó trọng tâm là chuyển sang các ngành công nghiệp mới, như chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chất bán dẫn, năng lượng thân thiện với môi trường, công nghệ sinh học, đô thị thông minh… Xét cho cùng, các địa phương, các doanh nghiệp là chủ thể thực hiện và là người trực tiếp hưởng thụ từ những thành quả hợp tác, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng bày tỏ tin tưởng "Gặp gỡ Hàn Quốc 2025" sẽ thành công tốt đẹp, mở ra những hành trình hợp tác mới, những cơ hội mới và thành công mới trong tương lai, góp phần xây dựng mối quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam-Hàn Quốc ngày càng bền chặt, thịnh vượng.

Hải Minh