![]() |
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn |
Hội nghị là dịp giới thiệu, quảng bá thế mạnh, tiềm năng thu hút du khách của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, đồng thời kêu gọi, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp du lịch.
Ngày 19/9/2010, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã khai trương nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và bước vào khai thác, mở cửa đón khách du lịch.
Tuy nhiên, tiến độ thực hiện dự án còn chậm, các sản phẩm du lịch chưa hoàn thiện nên còn gặp khó khăn trong quá trình khai thác, lượng khách du lịch đến tham quan chưa tương xứng với tiềm năng của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch chỉ đạo Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đẩy mạnh công tác xã hội hóa để thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước vào quá trình đầu tư, phát triển; mặt khác phải có kế hoạch khai thác đạt hiệu quả cao nhất các công trình đã hoàn thành và lợi thế về cảnh quan thiên nhiên của dự án.
Hầu hết các đại biểu và doanh nghiệp du lịch đều cho rằng Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam có lợi thế địa lý rất thuận lợi, có tiềm năng để khai thác du lịch nếu biết phát triển đúng hướng, gắn phát triển du lịch với việc bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Hiện nay, Làng Văn hóa - Du lịch Việt Nam đang khai thác tuyến tham quan với thời lượng 2-3 tiếng tới tối đa 6 điểm: Khu trưng bày hiện vật và đá Trường Sa - Làng Bana - Làng Giarai - Trò chơi - Làng Ê đê - Tháp Chăm. Tuyến tham quan thời lượng 4-5 tiếng: Chợ vùng cao - Làng Thái - Làng Mường - Làng Bana - Làng Giarai - Trò chơi - Làng Ê đê - Tháp Chăm - Chùa Khơme - Khu trưng bày hiện vật và đá Trường Sa. Tuyến điểm với thời lượng tham quan cả ngày và 2 ngày trở lên thực hiện theo phương án nối tour với các tuyến: Kim Bôi - Mai Châu - V.resort - Thung Nai (Hòa Bình); Suối khoáng nóng Thanh Thủy - đền Hùng (Phú Thọ); Vườn quốc gia Ba Vì - Sơn Tây và các điểm xung quanh (Ao Vua, Đầm Long, Suối Hai,...); Làng cổ Đường Lâm - Đình Tây Đằng - Chu Quyến - Chùa Mía - Chùa Thầy - Chùa Trăm Gian… Trong tương lai, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam chắc chắn sẽ trở thành điểm đến thú vị với du khách trong và ngoài nước đến với thủ đô Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. |
Mai Chi