Trước thềm năm mới Giáp Thìn 2024, phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình về những kết quả trong phát triển kinh tế xã hội và những định hướng, mục tiêu lớn nhằm phát triển Ninh Bình trong những năm tiếp theo.
Thưa ông, năm 2023, trong bối cảnh chung còn nhiều khó khăn, tỉnh Ninh Bình đã tập trung thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII như thế nào? Đâu là những điểm nhấn quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương?
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc: Năm 2023 là năm bản lề, năm giữa nhiệm kỳ và có ý nghĩa rất quan trọng trọng việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII; trong bối cảnh, tình hình chính trị, kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.
Trước tình hình đó, tỉnh Ninh Bình đã luôn bám sát sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự quan tâm, hướng dẫn của các bộ, ban ngành Trung ương, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường gắn kết chặt chẽ giữa công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Cụ thể, Ninh Bình tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, gắn với thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chủ đề công tác năm "Giữ vững kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo, hiệu quả thực chất", với quan điểm xuyên suốt đó là: "Truy đến cùng, giải quyết triệt để", làm phải "rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm, rõ thời gian và kết quả".
Cùng với đó, Ninh Bình đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ, kịp thời tháo gỡ, giải quyết triệt để những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong khuôn khổ quy định của pháp luật để cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh phát triển sản xuất kinh doanh.
Với sự chủ động, sâu sát, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự đồng thuận, quyết tâm nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh Ninh Bình năm 2023 đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Theo đó, Ninh Bình đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 12/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội (trong đó có 10 chỉ tiêu vượt và một số chỉ tiêu đã đạt, vượt hoặc tiệm cận với mục tiêu của cả nhiệm kỳ).
Kinh tế tiếp tục duy trì phát triển, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,27%, xếp thứ 23/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; ngành nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững, bảo đảm tốt vai trò trụ đỡ; ngành công nghiệp vượt qua nhiều khó khăn để đạt được sự tăng trưởng dương đáng khích lệ.
Ngành dịch vụ, nhất là du lịch, tiếp tục phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng đứng thứ 2 cả nước (13,23%), là năm thứ 2 có tốc độ tăng trưởng cao trên hai con số. Toàn tỉnh đã đón trên 6,5 triệu lượt khách du lịch, tăng 76,4% so với cùng kỳ, doanh thu gấp 2 lần năm 2022, góp phần thúc đẩy phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.
Thu, chi ngân sách được quản lý chặt chẽ, điều hành linh hoạt và bảo đảm các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội. Hạ tầng giao thông được triển khai đồng bộ, hiệu quả, đã phối hợp tổ chức Lễ khánh thành cao tốc đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45; hoàn thành, kết nối đoạn đầu tuyến đường Đông-Tây liên thông với nút giao lên đường cao tốc; tích cực triển khai các bước chuẩn bị đầu tư dự án đường cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình, đáp ứng tiến độ yêu cầu của Chính phủ.
Đồng thời chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh (tính đến hết thời hạn giải ngân là ngày 31/1/2024) đạt khoảng 106% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
An sinh xã hội được đảm bảo; tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 1,86%, hộ cận nghèo giảm còn 2,27%. Đã tổ chức tốt nhiều sự kiện văn hóa, chính trị, các hội thảo quan trọng mang tầm quốc gia, quốc tế; các giá trị bản sắc độc đáo được quảng bá, lan tỏa toàn cầu, từng bước chuyển hóa thành nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy phát triển xã hội.
Hội nhập và hợp tác quốc tế có nhiều điểm sáng nổi bật. Cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm thực hiện có hiệu quả. Kỷ luật, kỷ cương được tăng cường, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước tiếp tục được nâng cao. Quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; đã thực hiện tốt cuộc diễn tập khu vực phòng thủ. Ninh Bình là điểm đến an toàn, tạo được niềm tin của du khách và các nhà đầu tư.
Trong bối cảnh chung còn nhiều khó khăn đây là những kết quả rất đáng ghi nhận. Theo ông, để đạt được những kết quả này, Ninh Bình đã tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nào trong khâu lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện?
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc: Để có được kết quả như trên, trong năm 2023, UBND tỉnh Ninh Bình đã tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cụ thể:
Thứ nhất, cùng với bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương; cấp ủy, chính quyền tỉnh Ninh Bình đã luôn chủ động, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, luôn kiên định với mục tiêu, không chùn bước, thoái chí trước những khó khăn, thách thức; khi triển khai phải quyết liệt và nắm chắc tình hình thực tiễn, coi trọng công tác dự báo tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý.
Thống nhất cao trong nhận thức và hành động; tăng cường đối thoại, lắng nghe và giải quyết kịp thời những vướng mắc, bức xúc, không để phát sinh phức tạp; đồng thời, chủ động các giải pháp đối với từng tình huống cụ thể…
Kịp thời tổ chức sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh uỷ và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, từ đó rà soát, đánh giá đúng tình hình và điều chỉnh nâng cao các mục tiêu có khả năng đạt và vượt kế hoạch, đề ra nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII.
Thứ hai, triển khai đồng bộ, kịp thời, có hiệu quả nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong đó, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư theo hướng thực chất và hiệu quả; đã xây dựng quy trình, trình tự thủ tục đầu tư, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện, nhất là về công tác quy hoạch, thủ tục đầu tư, đất đai để làm việc với các tập đoàn lớn có tiềm năng về khoa học công nghệ, năng lực triển khai đến nghiên cứu tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh.
Quan tâm, nắm bắt và tháo gỡ kịp thời các khó khăn cho doanh nghiệp; Lãnh đạo UBND tỉnh duy trì tiếp doanh nghiệp định kỳ hằng tháng (vào thứ Năm của tuần cuối tháng); tổ chức các hội nghị lớn gặp gỡ với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp FDI để động viên, chia sẽ, tiếp nhận và giải quyết kịp thời những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp.
Thực hiện đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương đảm bảo sát thực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; thường xuyên rà soát, đăng ký nhu cầu, khả năng hấp thụ vốn của từng công trình, dự án để có các giải pháp điều chuyển phù hợp, bảo đảm đúng theo các quy định hiện hành.
Yêu cầu chủ đầu tư dự án chịu trách nhiệm toàn diện về tiến độ thi công các dự án (bao gồm cả công tác giải phóng mặt bằng) và giải ngân đối với từng dự án, phải xây dựng kế hoạch chi tiết về tiến độ thực hiện, giải ngân đối với từng dự án và hằng tuần báo cáo cụ thể tình hình thực hiện, đánh giá rõ kết quả, so sánh với tiến độ dự kiến, nếu chậm phải có giải pháp khắc phục ngay ở tuần tiếp theo.
Kịp thời rà soát tham mưu trình cấp thẩm quyền quyết định phương án điều chỉnh, cắt giảm kế hoạch vốn đầu tư công cho phù hợp với tình hình thu ngân sách nhà nước của tỉnh. Do đó, trong năm 2023, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh luôn duy trì ở mức lớn hơn tỉ lệ giải ngân chung của cả nước.
Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là chiến lược xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo; trong đó xác định sứ mệnh, tầm nhìn và bước chuyển chiến lược phát triển từ "chiều rộng" sang "chiều sâu", tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch theo hướng chuyên nghiệp.
Do vậy, Ninh Bình đã trở thành điểm đến du lịch "an toàn-thân thiện-chất lượng-hấp dẫn"; du lịch Ninh Bình có sự chuyển mình mạnh mẽ, phát triển toàn diện và trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới, thuộc 10 tỉnh có lượng khách đến cao nhất cả nước gắn với những giá trị văn hóa-lịch sử-sinh thái tự nhiên riêng có, như: Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An (di sản "kép" duy nhất trong khu vực Đông Nam Á); Vườn quốc gia Cúc Phương (Vườn quốc gia đầu tiên ở Việt Nam), 5 năm liên tiếp vừa qua đều được Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới bầu chọn và vinh danh là Vườn Quốc gia hàng đầu châu Á; Khu bảo tồn thiên nhiên ngập nước Vân Long (một khu Ramsar của Thế giới)… Tại giải thưởng thường niên về du lịch của Booking.com, Ninh Bình cũng là địa phương duy nhất của châu Á góp mặt và đứng thứ 7 trong danh sách 10 vùng đất thân thiện nhất thế giới năm 2023.
Thứ ba, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội luôn được tỉnh quan tâm, với phương châm "không ai bị bỏ lại phía sau". Các chính sách của tỉnh ban hành đã luôn nhận được sự đồng hành, ủng hộ của người dân; nổi bật là trong năm 2023 đã ban hành và thực hiện ngay chính sách hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2025 (tính đến hết năm, toàn bộ 100% các hộ đủ điều kiện đã được khởi công xây dựng).
Bên cạnh đó, Ninh Bình cũng luôn thực hiện tốt chủ trương phát triển hài hòa, đồng đều; do vậy, không có sự chênh lệch nhiều giữa đời sống của người dân tại đô thị và nông thôn, giữa vùng núi, đồng bằng và ven biển.
Từ thực tiễn tại địa phương, Ninh Bình đã rút ra những bài học kinh nghiệm gì trong phát triển kinh tế-xã hội? Ông có thể chia sẻ về những định hướng lớn, mục tiêu cụ thể và những giải pháp trong tâm trong phát triển của tỉnh Ninh Bình trước thềm năm mới 2024 và những năm tiếp theo?
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc: Từ thực tiễn tại địa phương, tỉnh Ninh Bình rút ra một số bài học kinh nghiệm:
Một là, luôn bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, cùng sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương; bảo đảm phối hợp chặt chẽ, có sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, thống nhất, phát huy dân chủ, kiên định mục tiêu phát triển.
Hai là, xây dựng kế hoạch với tầm nhìn dài hạn đặt mục tiêu cao, khát vọng lớn và kiên định, không chùn bước trước khó khăn, thách thức. Bám sát thực tiễn linh hoạt, hiệu quả trong xử lý công việc, nhất là công việc đột xuất phát sinh. Trong điều hành phát triển kinh tế-xã hội phải xác định nguồn lực để ưu tiên, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, không dàn trải, làm việc nào dứt việc đó.
Ba là, phải giữ vững kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ.
Trong thời gian tới, quán triệt, tập trung triển khai thực hiện những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhất là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 30-NQ ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chương trình hành động ban hành kèm theo Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 8/2/2023 của Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025; trên cơ sở những thành tựu đã đạt được sau 30 năm tái lập tỉnh và tình hình thực tiễn, sau khi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tổ chức sơ kết sơ kết giữa nhiệm kỳ, tỉnh Ninh Bình đang tập trung thực hiện những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ lớn, có tính chiến lược, định hình phát triển cho nhiều giai đoạn sau này, thể hiện khát vọng to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình, đó là:
Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, động lực để đưa tỉnh Ninh Bình phát triển nhanh và bền vững. Đến năm 2030 là tỉnh khá, cực tăng trưởng các tỉnh phía nam đồng bằng sông Hồng, cơ bản đạt tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; một trong những trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực Đông Nam Á; một trung tâm công nghiệp cơ khí ô tô hiện đại hàng đầu đất nước; cơ bản hình thành đồng bộ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Phấn đấu là một trong 10 tỉnh, thành phố có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước. Địa bàn vững chắc về quốc phòng, an ninh. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, kinh tế phát triển, xã hội văn minh, nhân dân hạnh phúc.
Đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; một trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực châu Á-Thái Bình Dương; một trung tâm hàng đầu đất nước về công nghiệp cơ khí giao thông hiện đại; một trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các tỉnh nam đồng bằng sông Hồng. Địa bàn vững chắc về quốc phòng, an ninh. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, trong sạch toàn diện, kinh tế phát triển, xã hội văn minh, nhân dân hạnh phúc.
Để cụ thể hoá quan điểm trên, tỉnh Ninh Bình đã và đang tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục bám sát các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh uỷ và HĐND tỉnh, tập trung cụ thể hóa để triển khai thực hiện đối với từng mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, nhất là những quan điểm, mục tiêu mới; trong đó, tập trung cao triển khai Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thứ hai, tiếp tục kiên định phát triển kinh tế theo đúng định hướng, đó là: Tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững, với mô hình phát triển "xanh", lấy du lịch và công nghiệp văn hóa làm mũi nhọn, lấy công nghiệp cơ khí ô tô hiện đại và các ngành công nghiệp công nghệ cao làm động lực, lấy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo làm đột phá, lấy nông nghiệp làm trụ đỡ.
Định hình cơ cấu kinh tế hiện đại, hiệu quả gắn với những sản phẩm chủ lực, đặc sắc, thương hiệu, có năng lực cạnh tranh cao dựa trên nền tảng ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế di sản, kinh tế sáng tạo, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.
Ưu tiên thu hút các lĩnh vực, khu vực quan trọng, có tính chiến lược (như: phát triển, mở rộng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; dịch vụ du lịch cao cấp; phát triển đô thị...), tạo ra các sản phẩm công nghiệp mới có giá trị tăng thêm cao, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách.
Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung cao trong xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh gắn với khai thác và sử dụng quỹ đất; nhất là hạ tầng giao thông kết nối vùng, liên vùng, tạo điểm nhấn kiến trúc cảnh quan đô thị, mở rộng không gian, tạo dư địa và động lực mới cho phát triển kinh tế-xã hội; như: Tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng; tuyến đường Đông-Tây, tuyến đường bộ ven biển; tuyến đường Bái Đính-Ba Sao đoạn qua tỉnh Ninh Bình, các thiết chế văn hóa lớn của tỉnh; bảo tồn, tôn tạo, khai quật khảo cổ và phát huy giá trị lịch sử-văn hóa khu di tích đặc biệt cố đô Hoa Lư...
Thứ ba, tập trung thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đảm bảo hiệu quả; trong đó thực hiện việc hợp nhất TP. Ninh Bình và huyện Hoa Lư thành đô thị mới với đặc trưng là "đô thị di sản thiên niên kỷ), đồng thời xây dựng đề án để trình cấp có thẩm quyền công nhận đô thị này là đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Rà soát, nghiên cứu, củng cố cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng "đô thị di sản thiên nhiên kỷ" dựa trên các giá trị độc đáo về tự nhiên-sinh thái, văn hóa-lịch sử, sở hữu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.
Thứ tư, tập trung xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số và đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn, có khả năng cạnh tranh với các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Xây dựng chính quyền địa phương các cấp liêm chính, phục vụ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ, tiếp tục xây dựng văn hóa phục vụ trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Phát huy dân chủ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường đổi mới sáng tạo, bảo vệ cán bộ; bảo vệ chính trị nội bộ.
Thứ năm, quan tâm hơn nữa với việc xây dựng và phát triển văn hoá-xã hội, xây dựng con người; quán triệt sâu sắc hơn nữa quan điểm "văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội". Tập trung xây dựng Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp văn hoá. Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh, xã hội.
Thứ sáu, tiếp tục thúc đẩy hội nhập và hợp tác quốc tế; sớm hội nhập vào mạng lưới đô thị di sản, thành phố sáng tạo, các trung tâm công nghiệp văn hoá, du lịch và hệ thống kinh tế di sản trên thế giới. Tăng cường củng cố quốc phòng-an ninh, bảo đảm tốt an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Trân trọng cảm ơn ông!
Toàn Thắng (thực hiện)