Ngày 30/3/2021, tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội Khóa 14 đã thông qua Luật Phòng, chống ma túy, có hiệu lực thi thành từ ngày 1/1/2022. Luật gồm 8 chương, 55 điều. Trong đó có một chương về Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy và một chương về Cai nghiện ma túy.
Các quy định trong Luật phòng, chống ma túy mới nhằm quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy; khuyến khích người nghiện ma túy tự nguyện cai nghiện ma túy, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; khuyến khích cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức tham gia, hỗ trợ hoạt động cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy.
Trước tình hình người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy có xu hướng gia tăng, nhằm tăng cường phổ biến, tuyên truyền pháp luật về phòng, chống ma túy theo các quy định của Luật phòng, chống ma túy mới, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã phát động triển khai Tháng hành động phòng, chống ma túy từ ngày 01/6/2022 đến ngày 30/6/2022 trên toàn quốc với chủ đề "Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy - Vì một cộng đồng khỏe mạnh và an toàn".
Trong thời qua, tình hình tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, nhất là tình trạng tổ chức, lôi kéo, cưỡng bức người khác sử dụng trái phép các chất ma túy tổng hợp tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT, dịch vụ nhạy cảm như: Vũ trường, quán bar, karaoke... có chiều hướng gia tăng, tại nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Ngay cả trong thời điểm cả nước thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, nhiều cơ sở vẫn lén lút hoạt động, là nơi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
Theo thống kê của Bộ Công an, trong 3 năm gần đây cho thấy: Năm 2017 phát hiện 128.760 người, năm 2018 phát hiện 135.117 người, năm 2019 phát hiện 143.267 người sử dụng trái phép chất ma túy. Người sử dụng ngày càng trẻ hóa và sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng gia tăng. Nhiều đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp "ngáo đá" gây ra các vụ thảm án đặc biệt nghiêm trọng, gây bất an, bức xúc trong nhân dân.
Trong khi đó, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định cũ chỉ bị xử phạt hành chính cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng nên không đủ sức răn đe, ngoài ra, không có biện pháp quản lý nào khác.
Theo quy định mới của Luật Phòng, chống ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị đưa vào quản lý ngay từ lần đầu tiên phát hiện có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.
Lực lượng Công an cấp xã có trách nhiệm giúp Chủ tịch UBND cùng cấp quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy trong thời hạn 1 năm kể từ ngày ra quyết định. Các nội dung quản lý gồm: Tư vấn, động viên, giáo dục, giúp đỡ người sử dụng trái phép chất ma túy để họ không tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy; xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể; ngăn chặn người sử dụng trái phép chất ma túy có hành vi gây mất trật tự, an toàn xã hội.
Hiện nay, Bộ Công an đang triển khai phổ biến, tập huấn trên toàn quốc để lực lượng công an chính quy ở các xã, thị trấn nắm vững quy định của Luật Phòng, chống ma túy và thực hiện tốt công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy.
Về kinh phí, để tổ chức quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, chính quyền địa phương cần phải bảo đảm: Kinh phí cho việc tổ chức xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể bằng biện pháp sử dụng que thử nước tiểu, xét nghiệm máu hoặc các mẫu vật khác trong cơ thể; chi phí cho việc xác định tình trạng nghiện khi phát hiện người sử dụng trái phép chất ma túy trong thời gian quản lý; chi phí chuyển giao người sử dụng trái phép chất ma túy và hồ sơ liên quan về UBND cấp xã có thẩm quyền quản lý; chi phí hỗ trợ cho người không thuộc trường hợp hưởng lương từ ngân sách nhưng được phân công trực tiếp giúp đỡ người đang trong thời hạn quản lý.
Theo số liệu thống kê định kỳ, đến ngày 15/12/2021, toàn quốc có 238.171 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (tăng 3.159 người, tương đương 1,3% so với năm 2020 với 235.012 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý). Về thành phần, tỷ lệ người nghiện là nam giới chiếm khoảng 92,27%; nữ giới chiếm 7,73%; độ tuổi trên 30 tuổi chiếm 57,69%. Có 25.654 đối tượng có tiền sự và 58.849 đối tượng có tiền án.
Tình hình người nghiện sử dụng đồng thời nhiều loại ma túy ngày càng phổ biến. Tỷ lệ sử dụng ma túy tổng hợp chiếm khoảng 70 - 80% trong số người nghiện, nhất là tại các tỉnh miền Trung và miền Nam.
Hiện nay trên cả nước có 97 cơ sở cai nghiện ma túy công lập, đang tổ chức cai nghiện cho 36.295 người, trong đó có 31.039 người thuộc diện cai nghiện ma túy bắt buộc của Tòa án, 3.905 người cai nghiện ma túy tự nguyện và 1.351 người thuộc diện không có nơi cư trú ổn định.
16 cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện trên toàn quốc đang tổ chức cai nghiện cho 589 người. Cả nước hiện đang điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế cho trên 52.560 bệnh nhân. 45/97 cơ sở cai nghiện bắt buộc có bác sĩ, trong đó bác sĩ chuyên khoa tâm thần chưa đến 10%.
Ba tỉnh Kon Tum, Đắk Nông, Hậu Giang chưa có cơ sở cai nghiện ma túy, khi lập hồ sơ đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, các địa phương này phải gửi người nghiện đến cơ sở cai nghiện của địa phương khác.
Theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy về công tác cai nghiện ma túy, người được xác định tình trạng nghiện sẽ được ưu tiên đăng ký cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng hoặc tại các cơ sở cai nghiện.
Với người nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế được đăng ký điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Chỉ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cở sở cai nghiện bắt buộc đối với các trường hợp: Người nghiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện; trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy; người nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện; trong thời gian quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện.
Để triển khai hiệu quả công tác cai nghiện ma túy theo quy định mới, bên cạnh việc tổ chức triển khai, hướng dẫn chuyên môn của Bộ LĐTB&XH, Bộ Y tế và Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tập trung triển khai các nhiệm vụ sau: Chỉ đạo Phòng LĐTB&XH cấp huyện kịp thời tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; tổ chức tập huấn cấp chứng nhận về xác định tình trạng nghiện ma túy cho đội ngũ cán bộ y tế công tác tại cơ sở y tế; ưu tiên bố trí bảo đảm nguồn nhân lực xác định tình trạng nghiện ma túy cho tuyến cơ sở, cấp xã.
Đồng thời chỉ đạo các cơ sở y tế cấp xã, cấp huyện đăng ký cung cấp dịch vụ điều trị, cắt cơn nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; ưu tiên bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách của địa phương cho công tác cai nghiện ma túy, xác định tình trạng nghiện ma túy, lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện, tổ chức cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện; tăng cường chỉ đạo công tác quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và quản lý sau cai, không để phát sinh phức tạp về ANTT do người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy gây ra trên địa bàn.
TS. Nguyễn Cửu Đức