In bài viết

Phạt tiền, không cấp đăng kiểm ô tô thiếu thiết bị PCCC

(Chinhphu.vn) – Từ 6/1/2016, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không trang bị phương tiện PCCC sẽ bị phạt tiền; khi đăng kiểm lại mà không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ phương tiện PCCC theo quy định thì cơ quan đăng kiểm sẽ không cấp giấy chứng nhận đăng kiểm.

06/01/2016 14:36
Đại tá Đoàn Hữu Thắng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, Bộ Công an

Hôm nay (06/1), Thông tư 57/2015/TT-BCA của Bộ Công an hướng dẫn về trang bị phương tiện Phòng cháy chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chính thức có hiệu lực. Đại tá Đoàn Hữu Thắng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, Bộ Công an đã có cuộc trao đổi về những nội dung liên quan tới văn bản này và một số giải pháp PCCC ô tô.

Đại tá Đoàn Hữu Thắng cho biết, Thông tư 57/2015 quy định loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ phải trang bị phương tiện PCCC gồm 2 nhóm: Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ 04 chỗ ngồi trở lên; phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vận chuyển chất, hàng nguy hiểm cháy, nổ.

Nếu các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không trang bị phương tiện PCCC sẽ bị phạt tiền. 

Cụ thể, Điều 41, Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định: Không trang bị phương tiện chữa cháy thông dụng cho phương tiện giao thông cơ giới theo quy định thì bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.

Không trang bị phương tiện chữa cháy thông dụng cho phương tiện giao thông cơ giới dùng để vận chuyển hàng nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định thì bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Việc trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy cho phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vận chuyển chất, hàng nguy hiểm cháy, nổ được quy định tại Thông tư số 57/2015/TT-BCA.

Không trang bị đủ phương tiện PCCC không được cấp đăng kiểm

Về trách nhiệm kiểm tra an toàn PCCC đối với phương tiện giao thông cơ giới, Đại tá Đoàn Hữu Thắng cho biết, Nghị định 79/2014/NĐ-CP quy định chủ phương tiện giao thông cơ giới có trách nhiệm kiểm tra thường xuyên, định kỳ, đột xuất về an toàn PCCC trong phạm vi quản lý của mình.

Bên cạnh đó, Cảnh sát PCCC có thẩm quyền kiểm tra an toàn PCCC định kỳ hoặc đột xuất khi có dấu hiệu nguy hiểm, mất an toàn PCCC hoặc vi phạm quy định về PCCC và khi có yêu cầu bảo vệ đặc biệt.

Ngoài ra, việc kiểm tra định kỳ trang bị phương tiện PCCC cho phương tiện giao thông cơ giới đường bộ do cơ quan đăng kiểm đường bộ thực hiện, nếu các phương tiện giao thông cơ giới khi đăng kiểm lại mà không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ phương tiện PCCC theo quy định thì cơ quan đăng kiểm sẽ không cấp giấy chứng nhận đăng kiểm. 

Đề phòng cháy nổ cho ô tô

Để trang bị phương tiện PCCC đúng tiêu chuẩn, Đại tá Đoàn Hữu Thắng khuyên chủ phương tiện: Trên thị trường có rất nhiều cơ sở kinh doanh phương tiện, vật tư, thiết bị PCCC. Tuy nhiên, để trang bị phương tiện PCCC đảm bảo chất lượng đúng tiêu chuẩn, chỉ nên mua phương tiện đã được kiểm định về PCCC và dán tem kiểm định. 

Đồng thời, để phòng chống cháy nổ cho ô tô, Đại tá Đoàn Hữu Thắng khuyến cáo chủ phương tiện không lắp đặt thêm các thiết bị, phụ kiện có tiêu thụ điện, tránh quá tải về điện. Đồng thời, cần thường xuyên kiểm tra tình trạng kỹ thuật của xe. Tuân thủ quy trình vận hành, bảo trì, bảo dưỡng theo quy định và việc bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa nên thực hiện ở những nơi có uy tín, bảo đảm chất lượng. Cũng như, tuân thủ các quy định an toàn vận chuyển hành khách, hàng hóa, hàng nguy hiểm cháy nổ.

Bên cạnh đó, chủ phương tiện cần chủ động kiểm tra phát hiện và khắc phục kịp thời các sự cố, hỏng hóc khi có dấu hiệu khác thường, nhất là hệ thống tiếp nhiên liệu. Sử dụng nhiên liệu đúng chủng loại, chất lượng quy định; không mua xăng, dầu ở các điểm bán không được phép kinh doanh. Không để các chất dễ cháy, dễ bắt cháy trong xe, trong khoang động cơ. Và đương nhiên là phải trang bị bình chữa cháy phù hợp theo đúng quy định.

Khi gặp sự cố, lái xe nên làm gì?

Khi gặp sự cố cháy ô tô, Đại tá Đoàn Hữu Thắng khuyến cáo người lái xe cần bình tĩnh, dừng xe ở lề đường, tránh xa nơi đông người, nơi có nhiều chất dễ cháy. Đồng thời thông báo cho mọi người trên xe thoát khỏi xe theo các cửa ra vị trí an toàn, nếu cửa xe đã bị kẹt thì sử dụng các dụng cụ, phương tiện phá dỡ được trang bị hoặc dùng vật cứng để phá cửa xe.

Tùy thuộc vào tình huống cháy cụ thể mà sử dụng những giải pháp thích hợp để chữa cháy, theo quy trình: Tắt khóa điện; hô hoán để mọi người đến trợ giúp chữa cháy, gọi Cảnh sát PCCC và CNCH (điện thoại 114).

Nếu bình nhiên liệu bị thủng, bị rò rỉ, có thể tìm cách bít lại, sau đó sử dụng các bình chữa cháy, cát, chăn chiên, bao tải, vải nhúng nước để dập lửa.           

Nếu phát hiện khói, lửa trong nắp ca pô cần tắt ngay khóa điện để ngừng việc bơm xăng cho động cơ.

Trong trường hợp đã phát hiện có ngọn lửa, phải chuẩn bị sẵn sàng phương tiện chữa cháy trước khi thận trọng mở nắp ca pô để xử lý.

Nếu thấy cháy ở các chỗ khác trong xe cần phải sử dụng các phương tiện chữa cháy sẵn có để dập lửa.

Trường hợp xét thấy không có khả năng dập tắt đám cháy thì nên tránh xa để phòng nổ bình xăng gây tai nạn. 

Đức Bình