Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, các quy hoạch vùng là công cụ quản lý quan trọng của hội đồng điều phối vùng, là căn cứ để triển khai đồng bộ, thống nhất, tránh xung đột, chồng chéo quy hoạch địa phương, quy hoạch ngành, lĩnh vực.
Mặc dù, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt, cũng như nguồn lực đầu tư, vùng trung du và miền núi phía Bắc vẫn là một vùng trũng. Vì vậy, Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc cần cách tiếp cận khoa học, bài bản, đánh giá đúng vai trò, vị trí của vùng trong sự phát triển chung của cả nước. Từ đó, Quy hoạch xác định những vấn đề liên địa phương, liên vùng, quốc gia cần giải quyết, nhằm tạo ra động lực mới, khơi dậy nguồn lực trên cơ sở phát huy tốt nhất lợi thế tự nhiên, kinh tế, xã hội, văn hoá… của vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Vùng trung du và miền núi phía Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, cửa ngõ phía Bắc quốc gia, giáp các vùng kinh tế lớn; đóng vai trò quan trọng trong cấp nước và cắt lũ cho hạ du; giàu tài nguyên, cảnh quan đặc sắc; đa dạng về văn hoá các dân tộc.
Tuy nhiên, vùng trung du và miền núi phía Bắc hạn chế trong kết nối giao thông nội vùng, liên vùng; tăng trưởng kinh tế không đồng đều; chất lượng nguồn nhân lực thấp, tỉ lệ lao động đã qua đào tạo ngày càng tụt hậu so với bình quân chung của cả nước; tỉ lệ hộ nghèo vẫn còn cao.
Quy hoạch đã đề ra các nhiệm vụ, định hướng phát triển vùng trung du và miền núi phía Bắc nhằm giải quyết các điểm nghẽn, gồm: Phân vùng hiệu quả tạo liên kết phát triển chặt chẽ, tối ưu hoá hệ thống hạ tầng; tăng cường liên kết nội vùng và liên vùng; phát triển du lịch gắn với sinh thái, văn hoá, lịch sử và sự liên kết giữa các tiểu vùng; phát triển nông nghiệp hữu cơ xanh, đặc sản và công nghiệp có quy mô, tính chất phù hợp; phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội; kết nối liền mạch hệ sinh thái quản lý tài nguyên môi trường, tạo nền tảng phát triển xanh.
Đơn vị tư vấn đề xuất phân vùng trung du và miền núi phía Bắc thành 4 tiểu vùng. Theo đó, tiều vùng phía Tây tập trung phát triển nông nghiệp bền vững, du lịch sinh thái, năng lượng sạch. Tiểu vùng Tây Bắc sẽ là vùng du lịch tầm cỡ, đầu mối giao thương kinh tế, văn hoá với các tỉnh phía Tây Nam Trung Quốc. Tiểu vùng Đông Bắc là trung tâm công nghiệp, giáo dục, y tế và du lịch về nguồn. Tiểu vùng phía Đông có trung tâm công nghiệp kết nối giao thương kinh tế, văn hoá với các tỉnh phía Nam Trung Quốc.
Năm hành lang kinh tế của vùng trung du và miền núi phía Bắc là Hà Nội-Hoà Bình, Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng, Hà Nội-Phú Thọ-Tuyên Quang-Hà Giang, Hà Nội-Thái Nguyên-Bắc Kạn-Cao Bằng, Hà Nội-Bắc Giang-Lạng Sơn.
Cùng với việc xây dựng, nâng cấp các tuyến giao thông theo hướng Bắc-Nam, thì vai trò của các tuyến đường Đông-Tây có vai trò trọng nhằm gia tăng khả năng liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp, tiếp cận thị trường và hệ sinh thái du lịch; mở rộng và kết nối vành đai công nghiệp tới hệ thống cảng biển, trung tâm logistics.
Các tuyến giao thông kết nối giữ vai trò quan trọng để phát triển ngành kinh tế lợi thế theo chuỗi giá trị, hệ sinh thái. Trong đó, công nghiệp ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, trọng tâm là công nghiệp chế biến.
Nông nghiệp hình thành các vùng sản xuất hàng hoá, an toàn, hữu cơ, xanh, sạch, đặc sản, giá trị cao. Kinh tế rừng tập trung khai thác tiềm năng từ dịch vụ hệ sinh thái rừng, bao gồm tín chỉ carbon và bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ an ninh nguồn nước…
Du lịch phát triển toàn diện (thể chất, tinh thần và cội nguồn, thân nhiên, cộng đồng) nhằm phát huy lợi thế cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, đa dạng sinh học, các giá trị lịch sử văn hoá độc đáo, liên kết thành một câu chuyện liền mạch, xuyên suốt.
Hạ tầng xã hội vùng sẽ hình thành các trung tâm vùng, tiểu vùng nhằm phát huy giá trị tri thức bản địa, văn hoá cộng đồng trong hệ thống giáo dục, y tế; thúc đẩy số hoá để tăng khả năng tiếp cận cho những địa bàn còn khó khăn.
Không gian đô thị của vùng được tổ chức trên cơ sở phát triển vành đai đô thị-công nghiệp, dịch vụ, kết nối với các hành lang quan trọng. Khu vực nông thôn của vùng gắn với mô hình tổ chức sản xuất nông, lâm nghiệp, khác thác khoáng sản, du lịch và đặc điểm địa hình, sinh táu của từng khu vực trong vùng.
Tại phiên họp, các uỷ viên phản biện đã đóng góp nhiều ý kiến về tiêu chí phân chia thành các tiểu vùng của vùng trung du và miền núi phía Bắc; tập trung cho các ngành kinh tế lợi thế là nông, lâm nghiệp, dịch vụ môi trường, du lịch văn hoá, du lịch sinh thái; cơ chế quản trị, điều phối, huy động nguồn lực thực hiện các dự án, công trình có tính đột phá, điểm nhấn; sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả; phát triển nguồn nhân lực; tăng cường kinh tế biên mậu; bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng biên giới…
PGS.TS. Trần Trọng Hanh cho rằng, Quy hoạch cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm: phát triển kinh tế theo hướng xanh, bền vững, toàn diện để thoát trũng, giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển giữa các địa phương và với các vùng khác; bảo vệ môi trường, nhất là rừng, nguồn nước, an toàn sinh thái, đa dạng sinh học, xử lý tốt giữa bảo tồn và phát triển; khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất, sắp xếp và tổ chức hệ thống đô thị, khu dân cư nông thôn theo hướng bền vững, xanh, thông minh và bản sắc rõ ràng; phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và bền vững; lựa chọn dự án có tính đột phá và hình thành được khu vực có vai trò động lực phát triển của vùng…
Trong khi đó, theo PGS.TS. Phạm Trung Lương, việc xác định một số ngành có lợi thế phát triển của vùng là rất quan trọng để bảo đảm tính hiệu quả đầu tư trong điều kiện nguồn lực hạn chế. Đây phải là những ngành góp phần quan trọng vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, tạo ra chuỗi giá trị liên kết giữa các địa phương, đem lại nhiều việc làm cho xã hội.
Về định hướng phát triển nguồn nhân lực, GS.TS. Đào Xuân Học nêu quan điểm, cần hình thành các trung tâm động lực, cực tăng trưởng mới có thể thu hút được nhân lực chất lượng cao.
Bên cạnh đó, ý kiến một số bộ, ngành, địa phương đề nghị bổ sung giải pháp kết nối hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế biên giới, thương mại đa quốc gia; ưu tiên các dự án giao thông cho địa phương còn khó khăn, nhất là theo hướng Đông-Tây; bảo đảm an ninh nguồn nước; tăng cường liên kết mềm về văn hoá, lịch sử, du lịch; đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp…
Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc phải cụ thể hoá các nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ được nêu nghị quyết của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch chuyên ngành quốc gia; đồng thời nhìn nhận, đánh giá lại thực tiễn, hiện trạng, tình hình thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển trước đây.
Bên cạnh đó, Quy hoạch cần nhận diện, đánh giá đầy đủ tiềm năng tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản phong phú; giá trị truyền thống văn hoá, lịch sử, khí hậu, cảnh quan thiên nhiên vô cùng độc đáo; vai trò, vị trí chiến lược về bảo đảm an ninh quốc phòng, bảo vệ nguồn nước, rừng đầu nguồn; cửa ngõ của đất nước kết nối với các vùng kinh tế năng động mang tính khu vực và toàn cầu… Tuy nhiên, vùng trung du và miền núi phía Bắc cũng có những điểm nghẽn về nguồn nhân lực, hạ tầng giao thông, hệ sinh thái tự nhiên dễ bị tổn thương do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu,…
"Tư duy phát triển của vùng là bền vững, không nóng vội, tính toán kỹ lưỡng lợi ích tổng thể, gìn giữ, bảo tồn được những giá trị cảnh quan, khí hậu, văn hoá, lịch sử…", Phó Thủ tướng nói.
Phân tích về những vấn đề đặt ra đối với hạ tầng giao thông ở vùng trung du và miền núi phía Bắc, Phó Thủ tướng cho rằng phải nghiên cứu rất kỹ tính khả thi, hiệu quả kinh tế từ các phương thức giao thông khác nhau (đường bộ, đường thuỷ, đường sắt, hàng không) trong việc kết nối, hình thành các hành lang, vành đai kinh tế, chuỗi giá trị nội vùng và liên vùng.
Trong phát triển khu vực nông thôn, Phó Thủ tướng yêu cầu sắp xếp thành các khu dân cư tập trung, được đầu tư đồng bộ, bài bản hạ tầng giao thông, kinh tế, xã hội thuận lợi cho người dân sinh sống, sản xuất, được chăm lo đầy đủ về y tế, giáo dục, để bảo đảm an ninh, an toàn vùng biên giới.
"Các cơ chế, chính sách cho vùng sâu, vùng cao, vùng biên giới phải được đặc biệt quan tâm, ưu tiên, kèm theo giải pháp, nguồn lực thực hiện đồng bộ để bảo đảm đời sống cho người dân, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia", Phó Thủ tướng lưu ý.
Trao đổi về các ngành kinh tế lợi thế, Phó Thủ tướng gợi mở hướng thay đổi tư duy khai thác thuỷ điện bền vững, bảo vệ nguồn nước, kết hợp với điện mặt trời với thuỷ điện tích năng; phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng khai thác tổng hợp, bền vững rừng, khu bảo tồn gắn với mô hình du lịch thiên nhiên, cộng đồng, văn hoá, lịch sử, nông nghiệp với sự hỗ trợ của nhà nước về đào tạo nhân lực, cơ sở vật chất…; lựa chọn những ngành khai khoáng chế biến sâu, sạch; chuẩn cho sự dịch chuyển các khu công nghiệp từ vùng đồng bằng;…
Phó Thủ tướng cũng đề nghị đơn vị tư vấn lập quy hoạch nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến về thúc đẩy giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực về dài hạn cần theo tư duy phân bố dân cư, trước mắt cần đẩy mạnh phổ cập giáo dục, định hướng nghề nghiệp; đưa ra tiêu chí khoa học về địa lý tự nhiên, chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội khi xác định các tiểu vùng, hành lang kinh tế; chủ trương mở thêm đường ra biển… trên tinh thần "đã chắc chắn thì đưa vào Quy hoạch, xác định lộ trình, lựa chọn dự án ưu tiên thực hiện, đồng thời tiếp tục nghiên cứu những vấn đề mới đặt ra".
"Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc phải bộc lộ được những giá trị còn ẩn dấu, phát huy tiềm năng tài nguyên xanh, các giá trị văn hoá, lịch sử độc đáo, có những điểm nhấn ở từng tiểu vùng để hấp dẫn, thu hút doanh nghiệp đầu tư với tầm nhìn dài hạn", Phó Thủ tướng nói.
Minh Khôi