In bài viết

Phát triển bền vững rừng với nhiều cách làm sáng tạo

(Chinhphu.vn) - Phát triển rừng bền vững là bài toán đặt ra với nhiều địa phương có địa hình phức tạp. Tuy nhiên phát triển rừng gắn với sinh kế, tạo lập những không gian văn hóa mới là cách làm nhiều địa phương đang hướng tới.

27/11/2024 09:33
Phát triển bền vững rừng với nhiều cách làm sáng tạo- Ảnh 1.

Phát triển rừng bền vững tạo lập sinh kế cho người dân và mang lại giá trị môi sinh lớn cho cộng đồng

Cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp từ vườn ươm

Từ năm 2022 đến nay, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị đã chủ trì thực hiện dự án xây dựng và phát triển mô hình vườn ươm cây giống lâm nghiệp phục vụ vùng nguyên liệu giai đoạn 2022 – 2024 tại 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Tổng mức đầu tư thực hiện dự án gần 6,7 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí dự án là 4,9 tỷ đồng, còn lại người dân đối ứng.

Các vườn ươm được đầu tư đồng bộ hệ thống cải tiến với nhà bằng khung thép; nhà điều hành và bể chứa nước chìm; hệ thống che sáng phía trên và xung quanh; nền, luống bằng bê tông; hệ thống tưới phun sương và phun mưa. Vòm che bằng khung sắt hoặc ống nhựa phủ bằng nilon sáng để che mưa, che sáng và giữ ẩm. Hệ thống phun mưa hạt lớn được bố trí trong vườn luyện cây với 16 cột phun cao 1,7 đến 2,2m đảm bảo tưới cho trên 500m2 vườn ươm.

Dự án cũng đã hỗ trợ 60 vạn mầm mô keo lai với các giống AH1, AH7, BV10, BV16, BV33, BV73, BV75 cùng các vật tư kèm theo để các vườn thực hành ươm giống.

Tại các vườn ươm, cây sau khi cấy 10 đến 15 ngày đã bắt đầu ra rễ, bám vào giá thể túi bầu hấp thu dinh dưỡng và phát triển. Từ 15 đến 30 ngày cây bắt đầu phát triển lá mới, tăng chiều cao 2 đến 3cm. Cây sau khi ươm 2 tháng đạt chiều cao 10 đến 15cm. Cây ươm 3,5 đến 4 tháng đạt tiêu chuẩn xuất vườn với chiều cao 25 đến 30cm.

Các vườn ươm đi vào vận hành đã tạo môi trường thuận lợi, ươm thành công 60 vạn cây giống keo lai mô với tỷ lệ thành công trên 95%. Ngoài ra, các vườn tiếp tục nhân rộng kế hoạch gieo ươm các năm được 30 vạn cây giống.

Dự án đã thực hiện thành công 5 mô hình tổ chức quản lý sản xuất, tạo nên mối liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; giới thiệu được các bên ký kết các hợp đồng mua bán cây giống; chuyển giao được quy trình trồng rừng gỗ lớn gắn với thực hiện chứng chỉ FSC, PEFC, VFCS, đưa cây giống keo lai mô vào trồng rừng vùng nguyên liệu...

Ông Phan Ngọc Đồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị cho biết, với kết quả hoàn thành 6 vườn ươm, hàng năm các vườn ươm này có thể cung cấp tối đa ra thị trường khoảng 1,8 triệu cây giống keo lai mô, đáp ứng nhu cầu giống cho trồng rừng khoảng 900ha.

Việc xây dựng các vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp sẽ góp phần đáp ứng nguồn cây giống chất lượng cao cho phát triển trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

"Đây cũng là những cơ sở cung cấp nguồn giống cây mẹ cho các vườn ươm giống cây giâm hom uy tín và chất lượng. Dự án đạt được nhiều mục tiêu, quan trọng nhất là tạo cơ sở vững chắc để trong tương lai gần Quảng Trị trở thành trung tâm gỗ nguyên liệu rừng trồng của khu vực miền Trung", ông Phan Ngọc Đồng cho biết.

Huế trồng mới cây tạo các mảng rừng nhiều sắc màu

Ngày 24/11, Sở NN&PTNT Thừa Thiên - Huế tổ chức trồng cây tôn tạo cảnh quan núi Kim Phụng thuộc xã Hương Thọ, thành phố Huế. Đây là hoạt động nhân kỷ niệm 65 năm ngày Lâm nghiệp Việt Nam (28/11/1959 - 28/11/2024).

Tại lễ phát động, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế cùng cán bộ, công nhân viên chức, người lao động ngành nông nghiệp địa phương này đã thực hiện trồng tổng cộng 500 cây các loài gồm phượng tím, phượng vỹ đỏ, giáng hương, ngô đồng, lim xẹt, bằng lăng tại khu vực chân núi Kim Phụng.

540 cây xanh còn lại, Chi cục Kiểm lâm và Công ty TNHH NN MTV Lâm nghiệp Tiền Phong sẽ tiếp tục trồng thêm từ độ cao 135 mét đến đỉnh núi Kim Phụng theo đúng thiết kế và hoàn thành trước ngày 31/12/2024.

Các loại cây sẽ được trồng dọc tuyến đường lên đỉnh núi Kim Phụng, tạo 5 điểm quan sát nhìn toàn cảnh thành phố Huế ở các độ cao lần lượt là 200m, 250m, 300m, 350m và khu vực đỉnh núi. Trong đó, các loài cây sẽ được bố trí trồng xen kẽ theo cụm để có thể duy trì màu sắc hoa và lá theo mùa trên đường mòn dẫn lên đỉnh núi Kim Phụng.

Được biết, tổng nguồn kinh phí trồng cây đợt này khoảng 170 triệu đồng, chủ yếu do các cán bộ, công nhân viên chức, người lao động thuộc Sở NN&PTNT Thừa Thiên - Huế và các tổ chức, đơn vị liên quan đóng góp.

Bên cạnh đó, nguồn kinh phí trồng dặm, chăm sóc, quản lý bảo vệ cây sau khi trồng do Công ty TNHH NN MTV Lâm nghiệp Tiền Phong đề xuất từ nguồn sự nghiệp kinh tế ngành và chương trình phát triển lâm nghiệp, cũng như các nguồn vốn hợp pháp khác.

Ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở NN&PTNT Thừa Thiên - Huế cho rằng, việc trồng cây tại núi Kim Phụng nhằm tạo các mảng rừng nhiều sắc màu từ hoa và lá cây rừng, xuyên suốt theo tuyến đường đi lên đỉnh núi Kim Phụng, góp phần xây dựng khu vực trở thành điểm tham quan hấp dẫn, kết hợp các hoạt động du lịch trải nghiệm, từng bước hình thành khu du lịch sinh thái.

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế nhấn mạnh, núi Kim Phụng là nơi cư trú của nhiều loại động thực vật bản địa, việc trồng cây tại đây giúp cải thiện môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và giữ gìn sự cân bằng hệ sinh thái. Đồng thời mang một dấu ấn quan trọng cho một đô thị di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường.

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết thêm, thời gian tới, thành phố Huế sẽ phối hợp với các đơn vị để tiến hành xây dựng một tuyến đường sinh thái dựa trên lối mòn cũ; cùng với các thiết chế như: điểm dừng chân; bãi đỗ xe… để phục vụ khu khách khi đến tham quan tại núi Kim Phụng.

Việc trồng cây còn góp phần biến nơi đây thành một điểm đến lý tưởng cho du khách yêu thiên nhiên. Những con đường mòn phủ bóng cây xanh sẽ thu hút những người dân, du khách thích leo núi, cắm trại, và khám phá.

"Bên cạnh duy trì vẻ đẹp tự nhiên, hy vọng núi Kim Phụng sẽ ngày càng xanh tươi, có một không gian mới mang tính đặc trưng, trở thành địa điểm của sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên; là điểm đến lý tưởng cho du khách khi đến tham quan, nghỉ dưỡng tại thành phố Huế", ông Phương chia sẻ.

Đỗ Hương