Ban tổ chức cũng trao chứng nhận cho các dự án trong Chương trình bình chọn dự án NLTT tiêu biểu Việt Nam năm 2022.
Diễn đàn thu hút sự tham dự từ các cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư, ngân hàng, các chuyên gia, nhà khoa học .
Tại diễn đàn, các khách mời đã tập trung thảo luận về kế hoạch đầu tư, phát triển NLTT từ năm 2023 để bảo đảm an ninh năng lượng, giảm phát thải; các giải pháp thu hút vốn đầu tư, nhất là vốn ngoại; xã hội hóa hoạt động đầu tư hạ tầng truyền tải.
Đồng thời, đề xuất phương án cho các dự án chuyển tiếp, chính sách thúc đẩy thị trường NLTT bền vững .
Hiện tại, thị trường NLTT cho giai đoạn mới chưa có chính sách gối đầu thay cơ chế ưu đãi (giá FIT) đã hết hạn. Điện gió có đến 62 dự án tổng công suất 3.479 MW, đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN.
Tuy nhiên, do không kịp vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021 nên gần một năm qua vẫn đang chờ giá bán điện mới. Các dự án điện mặt trời còn có 452,6 2MW công suất lắp đặt cũng đang chờ xác định giá bán điện mới.
Với điện mặt trời mái nhà, gần 2 năm qua trôi qua, vẫn chưa có chính sách cụ thể cho nhà đầu tư thực hiện, mặc dù với các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam rất cần sử dụng năng lượng sạch để đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Ngày 26/7/2022 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 896/QĐ-TTg về "Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050", Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, bảo đảm tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia giảm 43,5% so với kịch bản phát triển thông thường (BAU).
Để thực hiện mục tiêu giảm phát thải, đối phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam sẽ thực hiện song song nhiều giải pháp, trong đó ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn NLTT.
Trước nhu cầu cấp thiết của ngành năng lượng, Việt Nam sẽ thúc đẩy mạnh mẽ các giải pháp phát triển năng lượng sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và các giải pháp công nghệ đột phá trong tương lai nhằm bảo đảm an ninh năng lượng.
Trong đó mục tiêu đến năm 2030, tỉ lệ các nguồn NLTT bao gồm thủy điện, điện gió, điện mặt trời, sinh khối chiếm ít nhất 33% tổng sản lượng điện phát. Đến năm 2050, tỉ lệ nguồn NLTT chiếm ít nhất 55% trong tổng sản lượng điện phát.
Trong bối cảnh thực hiện chiến lược cắt giảm phát thải carbon, huy động nguồn lực, đổi mới công nghệ để chuyển dịch năng lượng, Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp lý để thu hút đầu tư, phát triển bền vững thị trường điện năng lượng tái tạo.
Các doanh nghiệp bày tỏ mong muốn Chính phủ cần sớm có cơ chế mới cho các dự án chuyển tiếp để huy động nguồn công suất NLTT đã đầu tư, đồng thời cũng cần có cơ chế ổn định cho việc đa dạng hoá nguồn vốn đầu tư phát triển các nguồn điện mới trong tương lai.
Cũng tại Diễn đàn, Ban tổ chức đã công bố và trao chứng nhận cho các dự án NLTT tiêu biểu năm 2022 được bình chọn.
Toàn Thắng