Chị Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc Hợp tác xã 3T Farm (Cao Phong, Hòa Bình) cho biết người trồng cam ở Hòa Bình rất mong sẽ có giá bán tương xứng sau thời gian vất vả chăm bón cam, nhưng sau 7 năm HTX của chị chưa thể đưa quả cam vào hệ thống siêu thị vì những quy định, yêu cầu của nhiều siêu thị không mang lại lợi ích cho người trồng. Đặc biệt, đã có hiện tượng các đơn vị phân phối đánh tráo sản phẩm, sử dụng thương hiệu của HTX nhưng sản phẩm không phải, làm giảm uy tín của HTX với người tiêu dùng.
Không những vậy, hiện nay hoạt động của các HTX, hộ sản xuất vẫn đối diện với nhiều khó khăn như: sau thời gian dài sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), phân bón hóa học, đất trồng cam đang có dấu hiệu suy thoái, công tác cải tạo tốn kém chi phí, thời gian…
Không chỉ riêng HTX 3T Farm, TS Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình cho biết có nhiều nguyên nhân khiến cây có múi suy thoái ở địa phương, đó là: Nhận định về phát triển không nằm trong quy hoạch; Nhiễm dịch hại nguy hiểm (vàng lá thối rễ, greening, tuyến trùng, rệp sáp...); Canh tác sử dụng thuốc, phân bón hóa học khiến đất chai cứng; Thiếu kiến thức canh tác bền vững; Quy hoạch vùng trồng chưa đồng bộ.
Theo ông Yến, việc thiếu kiến thức và nghiên cứu đầy đủ về cây có múi dễ dẫn đến nhiều hệ lụy. "Có tháng tôi tiếp đến 17 nhà báo hỏi về cây cam chết. Nhiều nông dân khi mới thấy cây có hiện tượng vàng lá thối rễ đã vội vã chặt bỏ. Trong canh tác, các tiêu chuẩn kỹ thuật được khuyến cáo kỹ song người dân đôi khi không tuân thủ, cũng là nguyên nhân khiến suy thoái cây có múi", TS Nguyễn Hồng Yến nói.
Xác định cây có múi là một trong những đòn bẩy kinh tế, ông Yến cho biết, quan điểm của tỉnh là "huy động các nguồn lực tái canh", giai đoạn 1 sẽ là tái canh 1.500ha ở huyện Cao Phong. Giai đoạn 2 mở rộng 4.500ha ở các huyện Kim Bôi, Tân Lạc, Lạc Thủy, Yên Thủy, Lương Sơn, Lạc Sơn. Cả hai giai đoạn được thực hiện trong thời gian 2021-2025.
Để phát triển bền vững cây ăn quả tại tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền rà soát, thống kê, đánh giá cây có múi toàn quốc làm cơ sở chỉ đạo, điều hành; Ban hành quy trình đặc thù cho từng giống; Hỗ trợ mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu; Xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện mô hình cánh đồng mẫu tái canh 13,04ha (33 vườn); phân tích mẫu đất, test bệnh hại; Hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ tái canh...
Thực tế nhu cầu của các thị trường quốc tế rất lớn về khối lượng và đa dạng về các loại rau quả có nguồn gốc của Việt Nam. Ví dụ: Trung Quốc nhập sầu riêng, thanh long, chuối, mít, xoài, vải… Mỹ nhập dưa bao tử, thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, vú sữa, bưởi, dừa…
Tuy nhiên như ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) chia sẻ, hiện nay, những thách thức đối với xuất khẩu rau quả của Việt Nam gồm: quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết chuỗi giá trị, khó khăn áp dụng công nghệ, thiếu vốn và cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, hệ thống kho lạnh, hệ thống bảo quản đạt chuẩn còn yếu… Các nước nhập khẩu rau quả có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm. Việt Nam cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGAP, SGS, HACCP…
PGS.TS Lê Quốc Doanh, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam, nhận xét, cây ăn quả tại các tỉnh phía Bắc đã trải qua quá trình phát triển dài. Đến nay, đã thu được nhiều kết quả, từ hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, đến nghiên cứu ra các giống năng suất cao, phù hợp với thổ nhưỡng, có tính chống chịu. Hiện các đơn vị sản xuất còn đẩy mạnh nghiên cứu chế biến, nhằm đa dạng hóa kênh tiêu thụ cho sản phẩm cây ăn quả.
"Từ năm 2013, cây ăn quả xuất khẩu được 1 tỷ USD, đến nay đã gấp 7 lần. Đó là thành quả rất đáng ghi nhận", ông Doanh chia sẻ. Bên cạnh những thành tựu, nguyên Thứ trưởng cũng thừa nhận, các địa phương cũng đã những "cái giá" nhất định cho sự phát triển vừa qua, trong đó có việc suy thoái vùng cam Cao Phong.
Ngoài vấn đề quy hoạch, Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam khuyến nghị về lựa chọn giống cây ăn quả. "Trồng sai giống lúa, chúng ta chỉ nợ nông dân 3 tháng. Nhưng trồng sai giống cây ăn quả, có thể phải trả giá hàng chục năm", ông Doanh nhấn mạnh.
Với riêng tỉnh Hòa Bình, ông Lê Quốc Doanh đề nghị Cục Trồng trọt sớm có hướng dẫn, có thể tạm thời để địa phương sớm tái canh cây có múi. Dựa trên kinh nghiệm đã có của Hòa Bình, cộng thêm các đề tài của khối viện nghiên cứu, các đơn vị của Bộ NN&PTNT sớm ban hành gói kỹ thuật cho từng đối tượng cây ăn quả trên từng vùng.
Song song với đó, công tác phục hồi với những vườn chưa đến mức tái canh, cũng cần được quan tâm. Ông Lê Quốc Doanh cho rằng, có thể gắn vấn đề này với các đề án vừa ban hành của Bộ NN&PTNT, như nâng cao sức khỏe đất.
"Phát triển cây ăn quả trong thời kỳ mới cần theo chuỗi, nhất là khâu chế biến, chế biến sâu", ông nhấn mạnh, đồng thời lưu ý thêm về bao bì, nhãn mác cho sản phẩm sao cho bắt mắt, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng.
PGS.TS Lê Quốc Doanh kêu gọi sự tích cực vào cuộc của địa phương, nhất là các vùng trọng điểm cây ăn quả. Hiện ở phía Bắc, ông đánh giá có Sơn La (100.000ha), Hòa Bình (thủ phủ cây có múi, với hơn 10.000ha) có thể trở thành những đầu tàu cho toàn vùng phát triển bền vững.
Đỗ Hương