Toàn cảnh Hội nghị - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Hơn 832 tỷ đồng hỗ trợ chăn nuôi nông hộ
Tại hội nghị trực tuyến tổng kết thực hiện chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ, giai đoạn 2015-2020 và đề xuất giai đoạn 2021-2025 của Bộ NN&PTNT ngày 11/6, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi nông hộ, thời gian tới phải hướng đến sản xuất chuyên nghiệp hơn theo hướng hàng hóa, an toàn sinh học, tạo sản phẩm có lợi thế về cạnh tranh.
Thực hiện Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 4/9/2014 về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020, theo báo cáo của các tỉnh, thành phố, tổng kinh phí hỗ trợ cho nông hộ chăn nuôi trên toàn quốc là 832,781 tỷ đồng, trong đó, hỗ trợ tinh phối giống nhân tạo cho lợn là 218,474 tỷ đồng; hỗ trợ tinh phối giống nhân tạo cho trâu, bò 258,543 tỷ đồng; hỗ trợ mua con giống gia súc, gia cầm 25,132 tỷ đồng; hỗ trợ xử lý chất thải 159,692 tỷ đồng; hỗ trợ đệm lót sinh học 17,519 tỷ đồng...
Thực hiện chính sách theo Quyết định 50 đã tác động tích cực đến phát triển chăn nuôi, thu nhập của các hộ chăn nuôi tăng 5-10%. Nguồn kinh phí không lớn nhưng chính sách đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, giúp cải tạo và nâng cao năng suất đàn lợn, trâu, bò...
Từ hiệu quả mang lại của chính sách và thực tế sản xuất hiện nay, nhiều đại biểu ở các địa phương cho rằng, cần tiếp tục có các chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ bên cạnh phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn. Theo đó, chính sách cần cụ thể và có tính khả thi cao để khắc phục những khó khăn, tồn tại.
Cùng với phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn, cần quan tâm đến chăn nuôi nông hộ - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Theo ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, chăn nuôi nông hộ tới đây phải hướng tới hình thành các hợp tác xã, chăn nuôi an toàn sinh học để tạo ra chuỗi khép kín. Cùng với đó, cần kết hợp chính sách tạo điều kiện về đất đai cho các doanh nghiệp phát triển chăn nuôi theo quy mô lớn và xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung và công nghệ cao.
Còn bà Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định cho rằng, ngành nông nghiệp cần nghiên cứu tiếp tục bổ sung một số cơ chế, chính sách mới để phù hợp với Luật Chăn nuôi, với thực tế thị trường và nhu cầu về an toàn thực phẩm của người dân. “Chẳng hạn như mức hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ sử dụng đệm lót sinh học là chưa phù hợp. Điều này chỉ phù hợp với mô hình chăn nuôi gia cầm, bởi chăn nuôi gia cầm có thể sử dụng chuồng trại cũ và chỉ cải tạo đệm lót, nhưng đối với chăn nuôi lợn thì việc cải tạo lại chuồng nền xi măng sang nền đệm lót sinh học cần kinh phí rất lớn”, bà Nga nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, chăn nuôi nông hộ vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và mưu sinh của nhiều triệu hộ nông dân trong cả nước. Nâng cao hiệu quả chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi nông hộ, thời gian tới phải hướng đến sản xuất chuyên nghiệp hơn theo hướng hàng hóa, tạo sản phẩm có lợi thế về cạnh tranh. Trong chiến lược phát triển ngành chăn nuôi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2045, song song với đẩy mạnh chăn nuôi trang trại quy mô lớn vẫn cần quan tâm đến chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi truyền thống với những sản phẩm đặc sản gắn với du lịch sinh thái.
Riêng về vấn đề dịch tả lợn châu Phi, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng trong điều kiện chăn nuôi nông hộ như hiện nay, muốn bảo đảm an toàn dịch bệnh, phải giải quyết đồng bộ về cơ chế chính sách hỗ trợ, áp dụng an toàn sinh học, nếu làm được những việc này sẽ huy động được các nguồn lực vào phát triển chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp nói chung.
“Để giải quyết căn cơ vấn đề này, ngoài cơ chế chính sách thì phải có vacine tiêm phòng. Theo dự kiến, đến cuối quý III năm nay sẽ công bố vaccine dịch tả lợn châu Phi. Sau 5 đợt nghiên cứu, đánh giá, vaccine hiện nay đã đạt mức độ bảo hộ rất cao. Ngoài việc giải quyết an toàn sinh học bằng chế phẩm sinh học, bằng vaccine, chúng ta cũng đã chọn tạo các giống lợn có sức đề kháng đối với dịch tả lợn châu Phi. Như vậy, phải giải quyết đồng bộ cả cơ chế chính sách, biện pháp kỹ thuật, khoa học công nghệ với sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ nông dân vào cuộc để có hệ sinh thái chuẩn bị cho bước phát triển trong giai đoạn tới đây”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.