In bài viết

Phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tại Bến Tre

(Chinhphu.vn) - Xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn với phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực đang được tỉnh Bến Tre tập trung triển khai thực hiện tốt, hiệu quả.

26/04/2023 11:04
Phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tại Bến Tre - Ảnh 1.

Bến Tre đang nghiên cứu Đề án đầu tư phát triển Trung tâm dừa Đồng Gò - Bến Tre trở thành Trung tâm nghiên cứu, phát triển dừa mang tầm quốc gia - Ảnh: VGP/Hoàng Trung

Theo báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025 của Bến Tre vừa được Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam kí ban hành, đến nay, toàn tỉnh có 67 tổ hợp tác (THT), 67 hợp tác xã (HTX) tham gia vào chuỗi giá trị; có 24.246,6 ha sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, GAP và tương đương. Trong đó, dừa 17.293 ha; cây ăn trái 678,64 ha, thủy sản 6.275 ha.

Tỉnh đã cấp mới và duy trì 28 vùng trồng được gắn 59 mã số với diện tích 550,18 ha trên bưởi, chôm chôm, xoài và sầu riêng.

Trong đó: Bưởi da xanh có 16 vùng trồng gắn 30 mã số (diện tích 366.80 ha); chôm chôm có 3 vùng trồng gắn 8 mã số (diện tích 32,05 ha); xoài có 5 vùng trồng gắn 17 mã số (diện tích 52,38 ha); sầu riêng có 3 vùng trồng gắn 3 mã số (diện tích 89.95 ha) và nhãn có 1 vùng trống gắn 1 mã số (diện tích 9 ha).

Cơ cấu cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả được chuyển sang đối tượng nuôi, trồng mới hiệu quả cao hơn, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, nâng cao hiệu quả trên diện tích đất canh tác.

 Công tác triển khai đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp được chủ trọng, nhất là việc tạo lập, quản lý và phát triển các chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm bản địa. Đến nay, toàn tỉnh có 46 nhãn hiệu cộng đồng, 4 doanh nghiệp đạt giải Vàng chất lượng Quốc gia, góp phần khẳng định giá trị, thương hiệu và nâng sức cạnh tranh trên thị trường. Cụ thể, 6 chỉ dẫn địa lý gồm dừa xiêm xanh, bưởi da xanh, sầu riêng, tôm càng xanh, xoài tứ quý và cua biển, 9 nhãn hiệu chứng nhận có rượu Phú Lễ, bò Ba Tri, heo Mỏ Cày Nam, xoài Tứ quý Thạnh Phú, tôm biển, tôm càng xanh, cua biển, chôm chôm, gà nòi lai tàu.

Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng bền vững, an toàn với quy mô trang trại gắn với bảo vệ môi trường. Toàn tỉnh có 12 trang trại và có 496 THT chăn nuôi. Chăn nuôi bò, gia cầm phát triển ổn định, chăn nuôi heo có nhiều chuyển biến, đang thực hiện thí điểm vùng sản xuất tập trung chăn nuôi heo gắn với phát triển chuỗi giá trị trên địa bàn huyện Giồng Trôm; thực hiện gắn kết với các doanh nghiệp kinh doanh đầu vào, đầu ra sản phẩm, cơ sở giết mổ, chế biến theo hướng phát triển bền vững. Công tác quản lý chất lượng giống, thuốc, thức ăn, chế phẩm sinh học, quản lý môi trường được quan tâm thực hiện, góp phần đưa năng suất, chất lượng và hiệu quả nghề nuôi tăng qua các năm. Nuôi trồng và khai thác thủy sản tiếp tục phát triển, sản lượng và chất lượng thủy sản hàng năm đều tăng.

Trung tâm cây giống, hoa kiểng Chợ Lách đã được thành lập, đến nay thực hiện bình tuyển được 122 cây đầu dòng và 591 vườn cây đầu dòng, đạt 70% cây giống có nguồn gốc sản xuất từ các vườn cây đầu dòng được công nhận đủ diều kiện, đạt yêu cầu chất lượng. Đề án đầu tư phát triển Trung tâm dừa Đồng Gò - Bến Tre trở thành Trung tâm nghiên cứu, phát triển dừa mang tầm quốc gia đang hoàn chỉnh đề cương để trình Hội đồng thẩm định.

Phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tại Bến Tre - Ảnh 2.

Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tại Bến Tre - Ảnh: VGP/Hoàng Trung

Một điểm sáng của ngành nông nghiệp trong nửa nhiệm kỳ qua là phát triển nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (UDCNC) đạt kết quả khả quan. Ước đến giữa nhiệm kỳ, diện tích nuôi tôm UDCNC đạt 2.867 ha, đạt 71,68% so Kế hoạch (KH 14.000 ha), sản lượng ước đạt 116.500 tấn, đạt 80,90% Kế hoạch (KH 142.000 tấn).

Quan điểm của Bến Tre là khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển ngành tôm trở thành một ngành sản xuất hàng hóa, có thương hiệu uy tín, có khả năng cạnh tranh cao trong hội nhập kinh tế quốc tế; khoa học công nghệ là nền tảng của quá trình phát triển và là khâu đột phá để nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị ngành tôm của tỉnh. Hình thành và phát triển mạnh các vùng nuôi tôm UDCNC nâng cao giá trị gia tăng với đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát triển nguồn lợi và an sinh xã hội.

Để hình thành và phát triển mạnh các vùng nuôi tôm UDCNC, theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Buội, các giải pháp trọng tâm trong thời gian tới là khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất dựa trên các hộ/cơ sở nuôi phân tán, nhỏ lẻ hình thành các THT, HTX (mục tiêu là mỗi huyện thành lập 1 HTX nuôi tôm UDCNC đạt 100 tỷ đồng/HTX. Quan trọng là phối hợp với địa phương chọn HTX đủ điều kiện để được chứng nhận vùng nuôi tôm nước lợ UDCNC, nhằm tiếp cận được các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, ngân hàng và đặc biệt là hỗ trợ thực hiện các chứng nhận, các tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu thị trường quốc tế như ASC, BAP… tiếp tục nhân rộng để nâng cao giá trị của con tôm Bến Tre trong thời gian tới.

Xây dựng nông thôn mới (NTM) được tập trung thực hiện, ước nửa nhiệm kỳ có 34 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó có 26 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Lũy kế ước đến tháng 6 năm 2023, toàn tỉnh có 85 xã đạt chuẩn NTM (trong đó 26 xã NTM nâng cao, 2 xã NTM kiểu mẫu); 11 xã dạt 15-18 tiêu chí, 41 xã đạt 10-14 tiêu chí và 5 xã đạt dưới 10 tiêu chí; huyện Chợ Lách đạt chuẩn NTM và thành phố Bến Tre hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Đã phê duyệt Đề án xây dựng huyện Chợ Lách đạt chuẩn NTM nâng cao, Đề án xây dựng huyện Mỏ Cày Nam đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021 - 2025, các huyện còn lại đang tập trung thực hiện.

Nhật Thy - Hữu Nghĩa