Ngày 29/6, Bộ Công Thương tổ chức Tọa đàm khoa học: “Một số vấn đề lý luận - thực tiễn về chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhìn nhận, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là mục tiêu xuyên suốt của Đảng và Nhà nước từ Đại hội III đến nay. Qua 35 năm kiên trì thực hiện mục tiêu này, công nghiệp Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nhất định. Công nghiệp chế biến chế tạo ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế, với mức đóng góp trong GDP tăng từ 13% năm 2010 lên 16,7% năm 2020.
"Năng lực cạnh tranh công nghiệp đã được cải thiện đáng kể, Báo cáo cạnh tranh công nghiệp của UNIDO đã đưa Việt Nam từ nhóm “các nền kinh tế đang phát triển” lên nhóm “các nền kinh tế công nghiệp mới nổi”, Thứ trưởng cho biết
Tuy vậy, Thứ trưởng chỉ ra, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn vừa qua của đất nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, tiêu biểu là 4 nhóm vấn đề gồm:
Thứ nhất, nội lực của nền công nghiệp trong nước còn yếu, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp trong nước chưa cao, giá trị gia tăng tạo ra còn thấp, nền công nghiệp chủ yếu phụ thuộc vào các nguồn lực bên ngoài.
Thứ hai, nguồn nhân lực công nghiệp còn yếu kém, tỉ lệ lao động đã qua đào tạo thấp, thiếu tính liên kết giữa khu vực sản xuất với các cơ sở đào tạo, đội ngũ lãnh đạo các doanh nghiệp công nghiệp còn thiếu kinh nghiệm cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, thiếu nền tảng lý thuyết khoa học về quản trị sản xuất, không có cơ hội tiếp cận với các phương pháp quản lý sản xuất hiệu quả.
Thứ ba, trình độ công nghệ của doanh nghiệp công nghiệp trong nước còn hạn chế, đa số các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng ngoài cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, với sự tiếp cận ở mức độ thấp đối với tất cả các trụ cột của một nền sản xuất thông minh.
Thứ tư, sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn về tiếp cận vốn. Bản chất của khu vực sản xuất đòi hỏi lượng vốn đầu tư lớn dài hạn, trong khi nguồn lực xã hội đầu tư vào sản xuất rất hạn chế do thời gian thu hồi vốn chậm, lợi nhuận biên kém hấp dẫn so với đầu tư vào lĩnh vực khác như bất động sản, tài chính.
Đáng nói, một thực trạng của nền công nghiệp Việt Nam được GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương nêu: Doanh nghiệp - thành phần kinh tế tham gia công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại các địa phương như ở Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương phát triển công nghiệp rất tốt trên mọi phương diện. Nhưng tất cả những địa phương này chủ yếu là doanh nghiệp FDI chiếm trên 70% xuất nhập khẩu.
Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) thừa nhận: Tác nhân chính để tạo ra chuyển dịch cơ cấu và giá trị trong công nghiệp Việt Nam là các doanh nghiệp FDI chứ không phải là các doanh nghiệp trong nước. Đặc biệt, các doanh nghiệp 100% vốn FDI đang đóng vai trò chủ đạo trong xuất khẩu và tăng trưởng của Việt Nam.
Mối liên hệ, kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước lỏng lẻo, không tạo ra tác động lan tỏa giữa khu vực FDI và khu vực kinh tế trong nước, dẫn đến tình trạng “một quốc gia, hai nền kinh tế”.
Ông Trương Thanh Hoài cũng nêu một vấn đề đang kìm hãm sự phát triển của ngành công nghiệp Việt Nam đó là chính sách phát triển công nghiệp của Việt Nam còn dàn trải, việc bố trí nguồn lực cho phát triển công nghiệp chưa đủ mạnh, chưa tạo điều kiện thuận lợi tối đa để công nghiệp phát triển, trong đó, quan trọng nhất là nhận thức về đối tượng cần hướng đến của các chính sách phát triển công nghiệp là khu vực kinh tế tư nhân chưa được chú trọng.
Ngoài ra, các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là các lĩnh vực Nhà nước sẽ không đóng vai trò chủ đạo mà là các doanh nghiệp tư nhân – trong đó 98% là các doanh nghiệp nhỏ và vừa).
Bên cạnh đó, phần lớn các địa phương còn rất thụ động trong việc triển khai thực hiện chính sách phát triển công nghiệp quốc gia. Thậm chí, còn có tình trạng địa phương còn có các chủ trương, chính sách chưa phù hợp với chủ trương của Trung ương về phát triển các ngành công nghiệp.
Phân tích sâu hơn về chính sách phát triển công nghiệp, ông Ngô Đức Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) bày tỏ, do thiếu cơ sở pháp lý ở tầm quốc gia, việc phân bổ nguồn lực cho cơ chế, chính sách cho phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, chủ lực là rất thấp, có nơi thậm chí không có cơ chế, chính sách ưu đãi hoặc phân bổ nguồn lực hoặc nếu có thì nguồn lực không tạo đủ xung lực cần thiết để thúc đẩy phát triển đột phá.
Chia sẻ cụ thể hơn về điểm nghẽn chính sách, ông Lê Ngọc Đức - Phó Chủ tịch Tập đoàn Thành Công bày tỏ, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đi sau một số nước trong khu vực, nên gặp nhiều khó khăn, thách thức. Chính vì vậy cần nhận diện những doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh để tập trung chính sách ưu đãi, hỗ trợ.
Với những vấn đề còn tồn tại nêu trên của ngành công nghiệp Việt Nam nếu không được giải quyết, năng lực cạnh tranh của Việt Nam sẽ không được cải thiện. Các yếu tố cho tăng trưởng ở giai đoạn trước sẽ không còn phát huy được tác dụng trong giai đoạn tới, khi đó nguy cơ mắc bẫy thu nhập trung bình càng trở nên hiện hữu, Việt Nam sẽ khó đạt được mục tiêu trở thành nước công nghiệp, nước phát triển như mục tiêu đặt ra.
Góp ý cụ thể hơn, ông Trương Thanh Hoài nêu giải pháp, cần quán triệt tới từng cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp, từ Trung ương đến địa phương về tầm quan trọng của công nghiệp hóa trong quá trình hiện đại hóa đất nước, xác định tập trung các nguồn lực của quốc gia để phát triển công nghiệp, lấy công nghiệp làm đòn bẩy kéo theo sự phát triển của các ngành kinh tế khác, thay vì các chính sách dàn trải cho các ngành kinh tế như hiện nay.
“Xác định rõ các tiêu chí về công nghiệp hóa để làm căn cứ xây dựng các mục tiêu cụ thể và lộ trình rõ ràng cho giai đoạn tới. Các tiêu chí phải đảm bảo cả về quy mô và chất lượng của phát triển công nghiệp, đồng thời cũng phải định vị được Việt Nam trong bức tranh toàn cầu”, ông Trương Thanh Hoài nêu cụ thể.
Theo đó, phải hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy cơ quan Nhà nước về phát triển công nghiệp, thực hiện nguyên tắc “một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính” theo đúng tinh thần của Nghị quyết 18/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Đồng thời, đối tượng hướng đến của các chính sách phát triển công nghiệp Việt Nam cần đặt trọng tâm vào thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghiệp lớn tiềm năng và hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 98% số lượng doanh nghiệp trong nước.
Tập trung các nguồn lực để thúc đẩy hình thành các tập đoàn công nghiệp tư nhân lớn, đóng vai trò dẫn dắt hệ thống doanh nghiệp công nghiệp nội địa và vươn ra thị trường khu vực.
Đại diện Vụ pháp chế cũng cho rằng, trước những đòi hỏi của thực tế phát triển các ngành công nghiệp, hệ thống pháp luật công nghiệp trong giai đoạn tới đây cần đảm bảo thể chế hóa, khẳng định vai trò của Nhà nước trong tiếp tục khơi tạo không gian, dòng chảy, tạo dựng nền tảng cho công nghiệp phát triển.
Hệ thống pháp luật phải tạo ra cơ chế, chính sách, động lực nắm bắt, tận dụng, tương tác cộng sinh các xu hướng phát triển về công nghiệp trên thế giới và khu vực để thu hút, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy nâng tầm phát triển công nghiệp trong nước.
Đồng thời khẩn trương thể chế hóa các quan điểm, chủ trương mới của Đảng về phát triển công nghiệp. Trong đó, khẩn trương xây dựng Luật về phát triển công nghiệp, mảnh ghép quan trọng chứa đựng các biện pháp thúc đẩy phát triển còn thiếu trong hệ thống pháp luật về công nghiệp.
Đại diện Vụ pháp chế cho biết: Hiện Bộ Công Thương đang trình Chính phủ và Quốc hội về Dự thảo Luật về phát triển công nghiệp./.
Phan Trang