Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh như trên tại Hội nghị đô thị toàn quốc năm 2022 tổ chức vào ngày 30/11.
Hội nghị năm nay có ý nghĩa quan trọng do gắn với việc phổ biến triển khai Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về "Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đô thị trên cả nước.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, ngay sau khi Nghị quyết 06 được ban hành, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo, giao Bộ Xây dựng là cơ quan thường trực, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương triển khai xây dựng Chương trình hành động. Trên cơ sở tổng hợp đầy đủ ý kiến tham gia của các cơ quan hữu quan và các địa phương trong cả nước, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 148/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị.
Qua đánh giá tổng quan cho thấy, Chương trình hành động đã bám sát các quan điểm chỉ đạo cũng như 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết 06 để xây dựng 33 nhóm nhiệm vụ cụ thể, tập trung vào các nội dung trọng tâm về xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao chất lượng quy hoạch đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đô thị; đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; và xây dựng các đề án chuyên ngành… cùng sự phân công tổ chức, trách nhiệm thực hiện rõ ràng của các cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp gắn với tiến độ, lộ trình thực hiện cụ thể cho từng năm trong giai đoạn đến năm 2030.
Ban Kinh tế Trung ương thấy rằng, Chương trình hành động được xây dựng với cách tiếp cận cụ thể, sáng tạo nhằm tạo thuận lợi cho công tác tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết Nghị quyết 06; đã cụ thể hóa các chủ trương lớn của Đảng về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như được nêu trong Nghị quyết 06.
Để có thể triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương đề nghị cần chú trọng đến một số nội dung trọng tâm gắn với những nhiệm vụ, yêu cầu. Đó là, cần xác định rõ khâu quyết định và tạo nên sự đột phá, thúc đẩy đô thị hóa và phát triển đô thị hiệu quả, bền vững trước hết là công tác quy hoạch đô thị; cần nâng cao chất lượng và tổ chức quản lý có hiệu quả công tác quy hoạch trong quá trình phát triển đô thị.
Cũng chính lý do này, Nghị quyết 06 với tên gọi gắn với nội hàm "quy hoạch" được đề cập đầu tiên và trực tiếp. Trong quan điểm của Nghị quyết 06-NQ/TW, Bộ Chính trị nhấn mạnh: "Đổi mới tư duy, lý luận và phương pháp quy hoạch đô thị; bảo đảm quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại". Trong nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết 06 cũng đã nêu rõ yêu cầu cần lưu ý trong nâng cao chất lượng công tác quy hoạch.
Về phương thức thực hiện, cần đẩy nhanh các ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là các ứng dụng công nghệ số, nền tảng số, thúc đẩy chuyển đổi số trong quy hoạch và quản lý phát triển đô thị. Bên cạnh đó, cần đảm bảo bố trí nguồn lực tương xứng với công tác quy hoạch. Trong Chương trình hành động cũng đã đề ra 4 nhóm nhiệm vụ liên quan đến công tác quy hoạch.
"Đây là những nhóm nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, cần có sự tham gia phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành và địa phương, cũng như ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước. Đối với các nhiệm vụ quy hoạch cần có tư duy tiếp cận mở, khoa học và phù hợp với yêu cầu phát triển trong dài hạn; cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án quy hoạch, tổng kết các mô hình quy hoạch, chú trọng thực hiện lập quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính các cấp giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.
Về kết cấu hạ tầng đô thị, Nghị quyết 06 xác định mục tiêu tổng quát là "kết cấu hạ tầng của đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại".
Theo ông Trần Tuấn Anh, xây dựng và quản lý hạ tầng đô thị bền vững, hiệu quả là yêu cầu cấp thiết, đồng thời cũng là nhiệm vụ phức tạp, hết sức khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh nguồn lực đất nước còn hạn chế. Việc đầu tư phát triển hạ tầng cần có trọng tâm, trọng điểm gắn với hiệu quả khai thác, sử dụng.
Trong Chương trình hành động cũng đã nêu rõ 14 nhóm nhiệm vụ liên quan đến nội dung này (nhiều nhiệm vụ nhất trong Chương trình hành động) đã cho thấy khối lượng công việc mà các cấp, các ngành và các địa phương phải thực hiện là rất lớn; vì vậy, cần phải có quyết tâm cao, hành động quyết liệt. Qua phân công nhiệm vụ nêu trong Chương trình hành động, cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của các địa phương, nhất là trong việc đề xuất những cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn phát triển.
Bên cạnh việc phát triển từng đô thị, phải chú trọng đến phát triển hệ thống đô thị bền vững và đồng bộ về mạng lưới để nâng cao hiệu quả chung của các đô thị. Về tổng thể, vấn đề đặt ra ở đây sẽ liên quan trực tiếp với công tác quy hoạch, nhất là Quy hoạch tổng thể quốc gia (vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Nghị quyết số 138/NQ-CP ngày 25/10/2022 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050).
Như vậy, quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần phù hợp, đồng bộ với Quy hoạch tổng thể quốc gia. Đặc biệt, gắn kết với 4 vùng động lực quốc gia trọng yếu và hệ thống các hành lang kinh tế Bắc - Nam và Đông Tây để nâng cao hiệu quả chung của hệ thống đô thị quốc gia.
Bên cạnh đó, yêu cầu về việc hình thành, phát triển các mô hình hệ thống đô thị mới có khả năng chống chịu thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển hệ thống đô thị vệ tinh để giải nén, giảm tải cho các đô thị lớn… cũng là những vấn đề mà các cấp, các ngành, nhất là chính quyền các địa phương cần có đề xuất những cơ chế, chính sách phù hợp như thế nào với thực tiễn đặt ra hiện nay.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng nhấn mạnh, cần quan tâm hoàn thiện chính quyền đô thị song song với nâng cao hiệu quả quản lý đô thị và phát huy và khai thác tốt các nguồn lực từ chính đô thị và nguồn lực từ xã hội cho phát triển đô thị, chú trọng phát triển kinh tế đô thị trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Việc nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập, thành lập mới đơn vị hành chính đô thị nhưng vẫn bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ phù hợp với quy hoạch và yêu cầu phát triển cũng là những vấn đề mà chính quyền các cấp đang trăn trở về cơ chế, chính sách, cũng như đang nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp phù hợp với tính đặc thù của địa phương mình để hoàn thiện thể chế về chính quyền đô thị nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đô thị tại địa phương.
Hoàng Giang