In bài viết

Phát triển đô thị, nông thôn vùng ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu

(Chinhphu.vn) – Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu, ngành xây dựng đã góp phần rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển vùng đô thị và điểm dân cư nông thôn phù hợp với đặc điểm tự nhiên...

11/03/2021 08:12
TP Cần Thơ - đô thị lớn nhất vùng ĐBSCL. - Ảnh: VGP/Hoàng Giám
Ngày 13/3 tới, Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu và sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP sẽ được tổ chức tại Cần Thơ. 

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120, Bộ Xây dựng đã xây dựng, ban hành Kế hoạch hành động của Bộ triển khai thực hiện Nghị quyết 120 với 9 nhóm nhiệm vụ cụ thể.

Đồng thời, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 15/01/2018 phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, hệ thống đô thị trong vùng sẽ từng bước được xây dựng theo cấu trúc mạng lưới phù hợp với điều kiện địa lý, sinh thái tự nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu. Các đô thị trung tâm vùng được tổ chức phân bố để trở thành hạt nhân, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của từng tỉnh, trên toàn vùng, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh tại biên giới Tây Nam tổ quốc.

Hiện nay, vùng ĐBSCL có 174 đô thị gồm: 1 đô thị trực thuộc Trung ương, 2 đô thị loại I thuộc tỉnh, 12 đô thị loại II, 09 đô thị loại III, 23 đô thị loại IV và 127 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa toàn vùng đạt 31,16%, tăng 4,6% so với năm 2015. Khu vực đô thị có sự tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng; bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, hiện đại và có bản sắc.

TS Trần Thị Lan Anh, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng) cho rằng quy hoạch ĐBSCL cần thống nhất quan điểm từ “Sống chung với lũ” đến “Sống chung với biến đổi khí hậu”. Do vậy cần đổi mới phương pháp tiếp cận.

Nhằm tạo ra những thay đổi mang tính đột phá về cơ sở hạ tầng, Bộ Xây dựng đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, soạn thảo trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các quy hoạch hạ tầng kỹ thuật cấp vùng. Cụ thể là Quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch xây dựng khu xử lý chất thải rắn Vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL đến năm 2020 và Quy hoạch thoát nước Vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL.

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, với những nỗ lực trong việc triển khai thực hiện Quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến nay, tổng công suất các nhà máy nước sinh hoạt đô thị vùng ĐBSCL đạt khoảng 1,32 triệu m3/ ngày đêm.

Tỷ lệ dân cư đô thị được cấp nước sạch trung bình vùng đạt khoảng 89,6% (tăng 1,5% so với năm 2017); tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch trung bình vùng đạt 22,5% (cao hơn 4% so với mức trung bình cả nước). Đến nay, trong vùng ĐBSCL, các tỉnh Bến Tre, Kiên Giang và TP. Cần Thơ đã lập và phê duyệt quy hoạch cấp nước vùng tỉnh làm cơ sở quản lý và triển khai các dự án đầu tư.

Trước yêu cầu cấp bách về nguồn nước và chất lượng nguồn nước phục vụ cấp nước sạch, căn cứ đề nghị của các tỉnh Tiền Giang, Long An và Bến Tre, Bộ Xây dựng cũng đã chủ trì nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh cục bộ quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 2/3/2021.

Trong giai đoạn năm 2016-2020, Bộ Xây dựng đã chủ trì, phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) thực hiện Chương trình Thoát nước và Chống ngập úng đô thị ứng phó với Biến đổi khí hậu (FPP) chủ yếu tập trung vào hỗ trợ kỹ thuật cho các tỉnh và các bộ ngành liên quan, hỗ trợ lập quy hoạch thoát nước, thực hiện và xây dựng hệ thống kỹ thuật liên quan đến quản lý ngập úng tại 3 đô thị ĐBSCL là TP. Cà Mau (tỉnh Cà Mau), TP. Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) và TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang).

Đến nay, vùng ĐBSCL có 5 đồ án quy hoạch chuyên ngành thoát nước đô thị đã được phê duyệt. Các đồ án cơ bản đã tính đến yếu tố BĐKH, xác định được các lưu vực thoát nước mưa cũng như các giải pháp quy hoạch hệ thống công trình thoát nước nhằm tiêu thoát nước mưa và giảm thiểu ngập úng đô thị.

Phát triển đô thị, nông thôn thích ứng với BĐKH


Bộ Xây dựng cho biết, tất cả 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã và đang tập trung huy động các nguồn lực hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để triển khai các dự án về phát triển đô thị ứng phó với BĐKH trên địa bàn, đồng thời triển khai thí điểm các dự án phát triển đô thị sinh thái, đô thị xanh. Đáng chú ý là dự án nâng cấp đô thị ĐBSCL (các tỉnhTiền Giang, Cà Mau, Trà Vinh, Đồng Tháp, Kiên Giang và TP. Cần Thơ)...

Tại 13 địa phương ĐBSCL, tỉnh Long An đã xây dựng bản đồ ngập lụt, lũ quét và sạt lở; tỉnh Cà Mau và Kiên Giang đã xây dựng Atlas phân vùng khí hậu, lập bản đồ tỉnh; TP. Cà Mau đã xây dựng Atlas Đô thị-Khí hậu. Một số đô thị khác cũng đang xây dựng mô hình số độ cao, mô hình thủy văn thủy lực.

Đối với Chương trình bổ sung lồng ghép nội dung BĐKH vào quy hoạch xây dựng tỉnh và quy hoạch đô thị, qua rà soát của Bộ Xây dựng, có 5/13 tỉnh thành là TP. Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Long An đã chủ động, rà soát hệ thống quy hoạch lồng ghép các vấn đề liên quan đến ứng phó BĐKH trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt Quy hoạch, Chương trình phát triển đô thị.

Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL đã hoàn thành được 863 cụm, tuyến dân cư và 119 bờ bao khu dân cư có sẵn, đã đảm bảo cho khoảng 191.000 hộ, với gần 1 triệu người dân vùng ngập lũ ĐBSCL được sống an toàn, ổn định và từng bước phát triển bền vững

Đáng chú ý, trong các cụm tuyến dân cư và bờ bao khu dân cư có sẵn với đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo đảm tránh được nguy cơ lũ lụt và sạt lở và tạo nên các khu dân cư khang trang, văn minh, phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội và sự phát triển bền vững của Vùng ĐBSCL.

Đề cập một số giải pháp phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị vùng ĐBSCL thời gian tới, bà Mai Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho rằng, cần hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, kể cả nhà đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng bằng nhiều hình thức, phù hợp với thông hệ quốc tế.

Về quy hoạch, chú ý nâng cao chất lượng nội dung quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm tính đồng bộ chung của hệ thống hạ tầng vùng và hạ tầng các đô thị; cần đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, trong đó tập trung vào kết cấu hạ tầng giao thông, cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải.

Cùng với đó, thực hiện các giải pháp trữ nước, bảo vệ nguồn nước, đảm bảo an toàn nước sạch vùng ĐBSCL; nghiên cứu, thực hiện các giải pháp quy hoạch cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, rác thải đô thị và nông thôn phù hợp với vùng ĐBSCL theo định hướng phát triển bền vững trong bối cảnh BĐKH và nước biển dâng.

Nghiên cứu, thực hiện công tác quy hoạch và quản lý cao độ nền đô thị, trong đó đặc biệt chú ý đến quá trình lún của đô thị; tăng cường công tác quản lý, đảm bảo tiến độ, hiệu quả và chất lượng công trình hạ tầng kỹ thuật, chống thất thoát, lãng phí.

Ngoài ra, trong và giữa các tỉnh thành, cần xây dựng được những cơ chế có tính hệ thống để điều phối lập kế hoạch phát triển đầu tư hạ tầng kỹ thuật và những lĩnh vực khác mang lại lợi ích thiết thực, hữu hình cho người dân ĐBSCL.

Toàn Thắng