In bài viết

Phát triển đô thị ở địa phương: Quy hoạch phải gắn với giải pháp huy động nguồn lực

(Chinhphu.vn) - Kinh nghiệm của các địa phương cho thấy, quy hoạch tốt thì có dự án tốt, có dự án tốt thì có nhà đầu tư tốt, đặc biệt nguồn lực là rất quan trọng, với phương châm đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư ngoài xã hội.

30/11/2022 14:11
Phát triển đô thị ở các địa phương: Khơi nguồn lực như nào? - Ảnh 1.

Hội nghị Đô thị toàn quốc kết nối trực tuyến tới các điểm cầu tại trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sáng kiến của Quảng Ninh

Trong những năm qua, tốc độ phát triển của tỉnh Quảng Ninh có bước tiến vượt bậc. Kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ổn định, tốc độ tăng trưởng bình quân cao hơn so với bình quân chung của cả nước.

Về quy mô, tốc độ đô thị hóa, năm 2011, tỉnh Quảng Ninh có 3 thành phố, dân số toàn tỉnh khoảng 1,1 triệu người, tỉ lệ đô thị hóa khoảng 55,53%. 

Đến nay, tỉnh có 4 thành phố; dân số hơn 1,35 triệu người; dân số đô thị khoảng 945 nghìn người; tỉ lệ đô thị hóa đạt 67,5% (là một trong 5 địa phương có tỉ lệ đô thị hóa cao nhất toàn quốc).

Chia sẻ tại Hội nghị đô thị toàn quốc, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cho biết, để đạt được kết quả như trên, tỉnh Quảng Ninh xác định nguồn lực cho phát triển đô thị là rất quan trọng.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng là có quy hoạch tốt thì có dự án tốt, dự án tốt thì có nhà đầu tư tốt, vì vậy, đầu tiên, tỉnh Quảng Ninh xác định công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm.

"Quy hoạch là khởi nguồn cho sự phát triển, là công cụ quan trọng trong công tác quản lý nhà nước, là khung pháp lý phục vụ phát triển và là cơ sở để các cấp, các ngành lập quy hoạch và xây dựng các chương trình, dự án phát triển", ông Cao Tường Huy cho hay.

Cách đây 10 năm, tỉnh đã ban hành một nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quy hoạch. Tỉnh đã thuê các đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới lập và tư vấn chiến lược. Từ đó đến nay, trên cơ sở các quy hoạch được duyệt, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai hiệu quả 7 quy hoạch chiến lược, với tỉ lệ phủ kín quy hoạch chung đô thị đạt 100%, quy hoạch phân khu các địa phương đạt 60%, tỉ lệ quy hoạch nông thôn mới đạt 100%...

Quảng Ninh đã hoàn thành việc lập, trình, phê duyệt quy hoạch tỉnh (giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050) trên cơ sở kế thừa và phát huy các quy hoạch giai đoạn trước là "một tâm, hai tuyến, đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực"; tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng quy hoạch của tỉnh và các địa phương…

Tỉnh cũng tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược (cải cách hành chính, phát triển hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực) theo chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương. Nhờ đó, môi trường kinh doanh không ngừng cải thiện, cải cách hành chính có bước đột phá.

Tỉnh cũng thúc đẩy đầu tư theo hình thức đối tác công – tư và đã thu hút được nguồn lực ngoài ngân sách lớn; đồng thời đổi mới cơ chế để khai thông các điểm nghẽn, huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, theo phương châm nội lực là căn bản, ngoại lực là quan trọng, kết hợp chặt chẽ nội lực với ngoại lực tạo ra nguồn lực tổng hợp, "lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư".

Quảng Ninh đã mạnh dạn đi đầu thực hiện thành công phương thức huy động nguồn lực đầu tư theo hình thức đối tác công - tư để đầu tư cho hạ tầng giao thông. Đến nay, nhiều công trình trọng điểm được đưa vào hoạt động, thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng và hợp tác quốc tế  góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Các công trình, dự án giao thông trọng điểm này đã kết nối các trung tâm đô thị, cảng biển, khu công nghiệp, khu công nghệ cao… tạo động lực phát triển kinh tế mạnh mẽ của tỉnh.

Ngoài ra, trong xây dựng và phát triển, tỉnh luôn gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, đảm bảo an sinh, phúc lợi, tiến bộ và công bằng xã hội; diện mạo thành thị và nông thôn thay đổi rõ rệt; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao, nhất là tại các khu vực đặc biệt khó khăn, nông thôn, miền núi, biên giới, biển đảo… Quy hoạch phải gắn với giải pháp huy động nguồn lực.

Quy hoạch phải gắn với giải pháp huy động nguồn lực

Nhấn mạnh tầm quan trọng của xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, phối hợp và phát huy nguồn lực đầu tư và phát triển đô thị, lãnh đạo UBND TPHCM cho biết, Thành phố đặt mục tiêu trở thành đô thị đạt đẳng cấp quốc tế, trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á.

Để hiện thực hóa, TPHCM đang triển khai đề án xây dựng chính quyền đô thị, chủ động nghiên cứu, đề xuất phân cấp, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, sáng tạo trong việc huy động các nguồn lực và có cơ chế thúc đẩy hợp tác công tư. Tăng cường hợp tác quốc tế trong việc nâng cao năng lực quản lý đô thị của chính quyền các cấp, thu hút nguồn lực quốc tế trong việc đầu tư hạ tầng đô thị với quan điểm học hỏi, nhận chuyển giao tích cực và từng bước làm chủ năng lực, công nghệ quản lý đô thị hiện đại.

Đổi mới cách tiếp cận quy hoạch đô thị từ mô hình chỉ dựa trên các con số chỉ tiêu quy hoạch hay kế hoạch dài hạn khó đạt trong điều kiện hạn chế về nguồn lực đầu tư, sang quản lý theo mục tiêu phát triển bền vững với chiến lược và giải pháp phân kỳ đầu tư, với nguồn lực hiện có và đảm bảo tính khả thi khi đạt được từng bước những chỉ tiêu dài hạn.

"Đổi mới phương pháp quy hoạch và quản lý quy hoạch theo hướng quy hoạch phải gắn với giải pháp huy động nguồn lực và các thể chế chính sách có tính liên ngành, liên cấp, liên vùng, huy động hiệu quả nguồn lực đầu tư hạ tầng đô thị. Lấy nguyên tắc phát triển bền vững làm cơ sở cho quá trình lập và thực thi quy hoạch", Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường nhấn mạnh.

Đối với Hà Nội, sau gần 15 năm hợp nhất, trên cơ sở của hệ thống quy hoạch, TP. Hà Nội đã đẩy mạnh đầu tư phát triển đô thị và tốc độ đô thị hóa đạt khoảng 50%, huy động đa dạng các nguồn lực xã hội tham gia vào đầu tư phát triển đô thị đã nhanh chóng tạo nên diện mạo mới cho Thủ đô.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, công tác quy hoạch, phát triển không gian, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đặc biệt chú trọng, nhất là hệ thống đường vành đai, trục hướng tâm, cầu đường bộ, gắn với nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng và hạ tầng xã hội.

Quản lý, phát triển đô thị, bảo vệ môi trường được tăng cường, cơ sở hạ tầng dần được hoàn thiện và hiện đại hóa, vấn đề nhà ở cho nhân dân được cải thiện. Các khu đô thị mới hiện đại dần được hình thành, góp phần giảm tải dân số khu vực nội đô, tạo diện mạo mới cho Thủ đô.

Hiện nay, Thành phố đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Chương trình phát triển đô thị Thành phố, Chương trình cải tạo, tái thiết đô thị, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tích hợp, liên kết đồng bộ, đồng thời với Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng, quy hoạch ngành, lĩnh vực có liên quan, làm cơ sở pháp lý, công cụ để đẩy mạnh triển khai đầu tư xây dựng phát triển.

Đồng thời triển khai một số nhiệm vụ đầu tư xây dựng phát triển theo định hướng quy hoạch; hình thành một số cực tăng trưởng mới, xây dựng mô hình phát triển Thành phố thuộc Thủ đô bảo đảm kết nối với các tỉnh, thành phố xung quanh để hình thành động lực phát triển kinh tế vùng. Tập trung nguồn lực phát triển, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của Thủ đô một cách tổng thể, hiện đại; phát triển hệ thống giao thông huyết mạch có tính kết nối với các đô thị vệ tinh và kết nối nội vùng và liên vùng. Trong đó, tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là nhiệm vụ trọng tâm.

Hoàng Giang