In bài viết

Phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội

(Chinhphu.vn) - Đây là nội dung cuộc tọa đàm trực tuyến sẽ được tổ chức lúc 9h30 ngày 22/8/2017 tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

22/08/2017 09:07

Các vị khách mời tọa đàm. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bảo hiểm xã hội (BHXH) là chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Hiện nay, ở nước ta mới có hơn 13.400.000 người (chiếm 24% lao động) tham gia BHXH tự nguyện, bắt buộc, trong khi đó, Chính phủ đặt ra mục tiêu đến năm 2020, nước ta phải đạt được 50% lao động tham gia loại hình BHXH này. Tuy nhiên, nhiều chính sách ưu việt của BHXH chưa thực sự được một bộ phận người lao động quan tâm. Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã mở rộng đối tượng tham gia BHXH, đây vừa là cơ hội để người lao động tham gia nhưng cũng là thách thức khó khăn đối với ngành BHXH.

Vậy làm như thế nào để ngành BHXH có thể thu hút được người lao động tham gia BHXH, vừa bảo đảm được cuộc sống cho chính những người lao động, vừa bảo đảm được an sinh xã hội khi nguy cơ già hoá dân số đang tăng lên.

Trước yêu cầu của cuộc sống đặt ra, làm như thế nào để khắc phục được tình trạng người lao động thờ ơ với bảo hiểm và giải pháp nào để thu hút người lao động tham gia…? Cổng Thông tin Chính phủ sẽ tổ chức cuộc Toạ đàm trực tuyến với chủ đề: “Phát triển đối tượng tham gia BHXH”. 

Khách mời của chương trình: Ông Đỗ Ngọc Thọ - Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam; ông Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.

Chương trình được truyền hình trực tuyến trên Cổng TTĐT Chính phủ tại địa chỉ Chinhphu.vn, truyền hình trực tiếp trên Kênh truyền hình Quốc hội và nhiều cơ quan báo chí đưa tin.

Địa điểm: Trụ sở Cổng TTĐT Chính phủ, số 16 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội.

Quý vị và các bạn có thể gửi câu hỏi tới các vị khách mời đến hòm thư doithoai@chinhphu.vn hoặc gọi điện thoại đến số 080.44256.

Dưới đây là nội dung Tọa đàm:

Đến hết tháng 6/2017, số người tham gia BHXH bắt buộc là 13,17 triệu người, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2016; BHXH tự nguyện là 241.000 người, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm 2016. Thưa ông, ông có suy nghĩ gì về tỷ lệ tăng như con số nêu trên? Nguyên nhân do đâu?

Ông Đỗ Ngọc Thọ: Tỉ lệ tăng như trên chưa đạt được kỳ vọng  của chính sách, có nhiều yếu tố tác động để cho tỉ lệ này phát triển chậm, so với mục tiêu Bộ Chính trị đề ra thì còn khoảng cách rất xa. Để hoàn thành được mục tiêu thì đòi hỏi sức mạnh của cả hệ thông chính trị.

Nguyên nhân chính có mấy điểm sau đây. Đầu tiên là do điều kiện phát triển kinh tế xã hội của nước ta trong thời gian vừa qua còn gặp nhiều khó khăn, nên việc chuyển dịch lao động từ khu vực phi chính thức sang chính thức diễn ra chậm nên số người lao động có quan hệ lao động không tăng nhiều. Chính vì khó khăn nên nhiều doanh nghiệp phải giải thể, phá sản hoặc thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh, dẫn đến cắt giảm lao động. Số doanh nghiệp tăng mới cũng nhiều nhưng quy mô nhỏ, siêu nhỏ nên sử dụng lao động ít.

Một nguyên nhân nữa rất quan trọng là vấn đề tuân thủ pháp luật của chủ sử dụng lao động kém, cơ chế kiểm soát cưỡng chế có nhiều bất cập, chẳng hạn như hiện nay, chúng ta không quản lý được tốt công tác khai báo của các doanh nghiệp nên chúng ta không kiểm soát được số người lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc để làm cơ sở cho việc đôn đốc đăng ký tham gia. Công tác thanh tra, kiểm tra của ngành lao động chưa được thường xuyên, liên tục do nguồn lực rất mỏng. Về phía cơ quan BHXH được giao chức năng thanh tra trong thời kỳ đầu thực hiện chưa được nhiều nên cơ chế cưỡng bức, ràng buộc người sử dụng lao động phải đăng ký cho người lao động cũng thấp đi.

Thêm nữa, ở một số địa phương, chính quyền mong muốn thu hút đầu tư nên cũng chưa thực sự quyết liệt xử lý các vi phạm pháp luật BHXH. Một bộ phận người lao động vì mưu sinh trước mắt mà không dám đấu tranh đòi quyền lợi tham gia BHXH.

Trong thời gian tới, từ góc độ tổ chức thực hiện chính sách, chúng tôi đã đặt ra những giải pháp như: Phối hợp với Bộ LĐTB&XH và các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ đề án giao chỉ tiêu đối tượng cho các địa phương; phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế để xác định số người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp mà có đóng thuế; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để làm sao người sử dụng lao động thấy được trách nhiệm pháp lý của mình trong việc đảm bảo quyền lợi tham gia BHXH của người lao động cũng như để người lao động hiểu rõ hơn quyền lợi khi tham gia BHXH.

Thưa ông, dân số nước ta hơn 90 triệu người, hiện nay mới có 24% người lao động tham gia BHXH, ông đánh giá như thế nào về tỷ lệ này?

Ông Vũ Quang Thọ: Tôi cho răng đây cũng là cố gắng rất lớn của các cơ quan tuyên truyền cũng như các cơ quan làm chính sách, gần 1/4 số người lao động tham gia BHXH cũng là cố gắng rất lớn. Bởi chúng ta mới vận hành được một thời gian ngắn nên tôi hoàn toàn đồng ý với những nguyên nhân mà ông Đỗ Ngọc Thọ nêu.

Tôi nghĩ rằng Nghị quyết của Bộ Chính trị đặt ra từ nay đến năm 2020 chúng ta phải đạt được 50% số người lao động tham gia BHXH bắt buộc, bây giờ chúng ta mới đạt được một nửa, quãng đường chúng ta cần phải đi còn rất ngắn mà phần việc chúng ta cần làm còn khá nhiều, kết quả đã đạt được còn khiêm tốn. Với BHXH, số lượng người tham gia có tăng lên nhưng không nhiều và thiếu bền vững. Với những người đã hưởng bảo hiểm rồi thì do trục trặc của nền kinh tế họ phải nhận bảo hiểm 1 lần. Theo con số của Tổng Liên đoàn LĐVN, mỗi năm có khoảng 600-700.000 người tham gia, đây cũng là con số lớn. Số tăng lên trừ đi số rút ra nhận bảo hiểm 1 lần làm  cho số thực tăng không đáng kể và cũng làm giảm bớt thành tích chúng ta vừa bàn đến.

Theo ông, đâu là nguyên nhân người lao động ngần ngại đóng bảo hiểm?

Ông Vũ Quang Thọ: Nguyên nhân lớn nhất có lẽ là tỉ lệ đóng. Người công nhân họ quan niệm tiền làm được đối với họ là rất quan trọng, chỉ cần 10.000 đồng thôi họ đã có thể chuyển từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác. Chính vì vậy, mức đóng hiện nay theo mức là 22% là cao. Nhưng chúng tôi cho rằng mức đóng như thế này không phải là cao so với nhiều nước trên thế giới.

Thứ hai nữa là công nhân lao động của chúng ta khi bị ngừng việc họ muốn thanh toán ngay chứ không muốn tiếp tục kéo dài. Đây cũng là một đặc điểm của lao động Việt Nam. Bên cạnh đó, những người tham gia BHXH không nghĩ là kéo dài thời gian được đóng BHXH mà họ nhìn thấy lợi ích trước mắt thôi, chứ không nhìn lợi ích lâu dài. Chính vậy mới có chuyện gần 10.000 người kiến nghị với Thủ tướng là muốn thanh toán 1 lần, và nói thật tôi cũng rất xót xa trước việc này, nhưng mình không làm được gì bởi đây là ý của người lao động, cuối cùng Chính phủ cũng phải đồng ý với kiến nghị của họ.

Luật BHXH năm 2014 mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc và tự nguyện. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích, do chính sách đối với người lao động tham gia bảo hiểm bắt buộc chưa thu hút, đó là tỷ lệ đóng cao, số năm đóng dài. Còn đối với bảo hiểm tự nguyện người lao động chỉ được quyền lợi đó là hưu trí và tử tuất. Vậy tại sao không tăng thêm quyền lợi cho người tham gia loại hình BHXH tự nguyện, mà lại chỉ quy định hạ mức thu nhập sàn làm căn cứ đóng, thưa ông?

Ông Đỗ Ngọc Thọ: Nếu nói người lao động không mặn mà với đóng BHXH tự nguyện thì cũng không hẳn. Bởi trên tổng số 25% tiền lương đóng BHXH thì người lao động chỉ phải đóng 8%, tức là 1/3. Tôi khẳng định, người lao động khi đi làm, ai cũng mong được đóng BHXH để được hưởng đầy đủ các chế độ của BHXH. Tuy nhiên, với BHXH tự nguyện, tại sao lại chỉ quy định chế độ hưu trí, tử tuất và hạ mức sàn? Trước hết, hạ mức sàn đóng bằng chuẩn nghèo để đảm bảo lợi ích cho những người lao động có thu nhập thấp. Nếu nói về mở rộng các gói quyền lợi, ví dụ như chế độ ốm đau, thai sản thì đặt ra hai vấn đề thế này, quỹ ốm đau thai sản là quỹ mang tính chia sẻ rất cao, đóng 3% nhưng hưởng chế độ ốm đau là 75% và chế độ thai sản là 100%.

Như vậy, khi mở ra tự nguyện, người dân có quyền thích tham gia thì tham gia, hoặc khi nào tham gia, lúc nào tham gia, tham gia với mức tiền bao nhiêu. Chỉ những người có kỳ vọng hưởng chế độ cao thì mới tham gia, như vậy sẽ không đủ nguồn lực để bù trừchia sẻ. Mặt khác, nếu gộp những điều kiện đó vào gói hưu trí, tử tuất mà những người không nằm trong độ tuổi đó thì họ không sẵn sàng chia sẻ phần đóng góp, như vậy sẽ là rào cản để ngăn cản động lực để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện vào chế độ hưu trí tử tuất.

Ông Đỗ Ngọc Thọ, Phó Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH, Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đến ngày 1/1/2018 thì luật có quy định hợp đồng từ 1 đến 3 tháng đều phải tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, chính bản thân người lao động nếu họ không mặn mà với loại hình này thì chúng ta có chế tài như thế nào thưa ông?

Ông Đỗ Ngọc Thọ: Không phải người lao động không mặn mà với chế độ, cái chính là người ta có được tham gia hay không. Trong trường hợp này, đã gọi là bảo hiểm bắt buộc thì dù có muốn hay không vẫn phải tham gia và trách nhiệm tham gia thuộc về người sử dụng lao động. Chế tài có, nếu người lao động tham gia thì chủ sử dụng lao động phải đăng kí. Nếu không đăng kí cho người lao động là trốn đóng; trốn đóng BHXH sẽ bị xử lý theo pháp luật, hành chính. Ngoài ra, theo quy định của luật BHXH, doanh nghiệp phải đóng đủ tiền trong thời gian trốn đóng BHXH đó và phải cộng thêm tiền lãi bằng 2 lần mức lãi đầu tư của BHXH. Những trường hợp vi phạm nhiều lần, kéo dài có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 216 của Bộ luật Hình sự.

Chúng ta vừa nói về quy định đóng 22% đối với người tham gia BHXH tự nguyện. Theo ông Vũ Quang Thọ, tỷ lệ này có hợp lý hay không?

Ông Vũ Quang Thọ: Tôi thấy mức 22% đối với công nhân lao động là cao vì do tâm lý, tiền lương là tiền xương máu, mồ hôi nước mắt của họ nên một đồng họ cũng cho là cao nhưng chúng tôi phân tích về mọi mặt thì chúng tôi cho rằng mức như thế này là vừa phải, không phải cao. Đối với bảo hiểm tự nguyện, để khuyến khích, theo Nghị quyết của Chính phủ thì Chính phủ có một chế độ hỗ trợ cho 3 đối tượng là nghèo, cận nghèo và những lao động bình thường ở mức 10%, 20%, 30%. Tôi nghĩ rằng đây là một chính sách nhân văn của Chính phủ. 

Từ 1/1/2018 luật quy định những người có số tháng hợp đồng lao động là từ 1 đến 3 tháng phải tham gia bảo hiểm. Ông có suy nghĩ như thế nào khi những người lao động ở trong khoảng thời gian này họ từ chối tham gia bảo hiểm và ở vai trò của mình ông có chia sẻ gì về những lợi ích của bảo hiểm?

Ông Vũ Quang Thọ: Nếu ai nói từ chối tham gia bảo hiểm thì tôi thấy rất tiếc vì đây là một sàng an sinh xã hội bảo đảm cho tất cả mọi người dân được hưởng những quyền sau khi họ đã mất sức lao động, họ đã nghỉ hưu, họ đã từ giã việc lao động thì họ có quyền được hưởng phần này do BHXH chi trả. Nếu như họ không tham gia thì quả thật rất tiếc vì Chính phủ đã hỗ trợ cho họ. 

Nói đến khó khăn mở rộng đối tượng tham gia BHXH thì không thể không nhắc tới cải cách thủ tục hành chính, mặc dù ngành BHXH đã có nhiều tiến bộ nhất định. Tuy nhiên theo phản ánh của một doanh nghiệp, khi đến cơ quan bảo hiểm không được hướng dẫn tận tình, sửa đi, sửa lại rất nhiều lần, mà nhiều khi như đi cầu cạnh. Như vậy đến doanh nghiệp có hiểu biết về thủ tục còn khó khăn, thì người dân họ sẽ rất ngại vì rườm rà. Về vấn đề này, cơ quan bảo hiểm có điều gì chia sẻ?

Ông Đỗ Ngọc Thọ: Thời gian qua, thực hiện các Nghị quyết số 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh làm tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, cơ quan BHXH đã rất nỗ lực để thực hiện cải cách thủ tục hành chính. Trên thực tế, hiện nay, các thủ tục nhất là thủ tục tham gia BHXH đã giảm rất nhiều. Ví dụ như các biểu mẫu, chúng tôi cũng đơn giản hóa tối đa, hướng dẫn chi tiết cụ thể và thực hiện giao dịch điện tử trong đăng kí và thu nộp BHXH. Rất nhiều doanh nghiệp được thụ hưởng lợi ích này đã được ghi nhận. Một quan điểm xuyên suốt của BHXH Việt Nam là phải xác định người dân và doanh nghiệp là khách hàng để chuyển đổi tác phong từ hành chính sang phục vụ, không đùn đẩy trách nhiệm sang người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn chỗ này chỗ khác có những biểu hiện gây phiền hà hoặc thái độ không nhiệt tình, nó làm ảnh hưởng đến những người tham gia; chúng tôi sẽ kiên quyết sẽ xử lý. Về phía cơ quan BHXH, chúng tôi đang đẩy mạnh kiểm tra công vụ đối với những cán bộ trực tiếp có giao dịch với người dân. Về phía doanh nghiệp hay người dân, chúng tôi có khuyến nghị khi đến giao dịch với cơ quan BHXH mà thấy có những biểu hiện cản trở gây phiền hà hoặc từ chối tiếp nhận thì phải yêu cầu cơ quan BHXH có phiếu hướng dẫn hoặc có văn bản trả lời tại sao anh không tiếp nhận. Trường hợp bức xúc hơn, ở tất cả bộ phận tiếp nhận hồ sơ ở tất cả các cơ quan BHXH đều có số điện thoại đường dây nóng, người dân, doanh nghiệp có thể liên hệ trực tiếp để phản ánh với người có thẩm quyền.

Thưa ông, theo Luật BHXH, người lao động tham gia BHXH đủ 15 năm cho đến đủ 20 năm để đạt tỉ lệ 45% và tăng số năm tham gia BHXH tương ứng để đạt tỉ lệ hưởng lương hưu tối đa là 75%, đối với lao động nam từ đủ 30 năm đến đủ 35 năm, đối với lao động nữ từ đủ 20 năm lên đến đủ 30 năm. Cách tính này khiến người lao động phải kéo dài thời gian tham gia BHXH mới được hưởng đủ 75% nên có ý kiến cho rằng người lao động không mặn mà. Ông có ý kiến như thế nào?

Ông Đỗ Ngọc Thọ: Trong bối cảnh già hóa dân số như hiện nay thì bài toán cân đối quỹ phải được bàn bạc cụ thể. Quỹ BHXH được hình thành dựa trên cơ sở đóng góp của người tham gia và người sử dụng lao động, dùng để trả lại quyền lợi cho người lao động. Vậy thì sẽ phải đặt ra vấn đề đóng góp như vậy, chi trả như vậy thì tính bền vững của quỹ là đến đâu? Tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa của chúng ta thuộc hàng cao nhất thế giới.

Rất nhiều lần chuyên gia quốc tế đưa ra khuyến cáo Việt Nam cần thay đổi cách tính lương hưu để làm cho quỹ hưu trí, tử tuất được bền vững hơn, không chỉ cho thế hệ này mà còn các thế hệ tiếp theo. Cho nên, đối với thay đổi cách tính lương hưu sẽ áp dụng từ tháng 1/2018 là một bước hướng tới mục tiêu cải thiện tình hình tài chính quỹ BHXH đảm bảo bền vững, an toàn hơn.

Như vậy, việc kéo dài thời gian tham gia BHXH đồng nghĩa chúng ta phải kéo dài thời gian nghỉ hưu. Tuy nhiên, những lao động tự do, lao động theo thời vụ mà kéo dài thời gian như thế thì chắc chắn sẽ khó thu hút được? 

Ông Đỗ Ngọc Thọ: Chúng ta cần xác định rõ tuổi lao động và tuổi nghỉ hưu. Hiện nay, tuổi nghỉ hưu bình quân của chúng ta thấp nhưng rất nhiều người nghỉ hưu rồi vẫn tham gia thị trường lao động, vẫn lao động để tạo thu nhập. Cho nên, nói bây giờ phải hạ tuổi nghỉ hưu xuống nữa trong bối cảnh tốc độ già hóa dân số của chúng ta cũng thuộc hàng nhanh nhất thế giới, tuổi thọ ngày càng tăng; trong khi tuổi nghỉ hưu này chúng ta duy trì suốt từ năm 1961 -1962 đến bây giờ thì rõ ràng phải xem xét, đánh giá lại.

Ông Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn, Tổng LĐLĐ Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ông Vũ Quang Thọ: Từ khảo sát thực tế những người lao động, đặc biệt là những người lao động chân tay, họ không đồng ý với việc kéo dài tuổi làm việc. Trong nghiên cứu của chúng tôi hỏi có gần 90% công nhân lao động trả lời rằng: Hãy thực hiện như hiện nay, tức là 55 tuổi đối với nữ và 60 tuổi đối với nam. Việc quỹ BHXH là việc của BHXH, không phải của chúng tôi; chúng tôi đã đóng tiền và giờ đến kì nghỉ của chúng tôi thì chúng tôi phải được hưởng. Tại sao lại kéo dài tuổi nghỉ việc để buộc chúng tôi phải làm thêm.

Cuộc khảo sát này được tiến hành ngay trong năm 2017 với khoảng 5.000 phiếu, đối tượng là công nhân lao động ở Bắc, Trung, Nam. Vì thế, tôi nghĩ rằng để bảo đảm an toàn quỹ với phần đóng này, chúng ta sẽ có những kĩ thuật để điều chỉnh chứ không nhất thiết phải kéo dài tuổi làm việc.

Việc kéo dài thời gian tham gia BHXH đồng nghĩa với kéo dài thời gian nghỉ hưu. Tuy nhiên, với những lao động tự do, lao động theo thời vụ mà kéo dài thời gian như trên chắc sẽ rất khó thu hút được. Về vấn đề này ông có ý kiến gì?

Ông Đỗ Ngọc Thọ: Tuổi nghỉ hưu thấp có cả yếu tố là do những người nghỉ hưu sớm theo diện suy giảm khả năng lao động, chính những độ tuổi về hưu sớm đã kéo sàn chung xuống. Nếu chúng ta có biện pháp hạn chế nghỉ hưu sớm thì cũng làm tăng tuổi nghỉ hưu, đây cũng là một giải pháp để đảm bảo cân đối quỹ tốt hơn. Trong Luật BHXH 2014, chúng ta cũng có lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu đối với người nghỉ hưu sớm suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

Để thu hút được đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, nên chăng ngành BHXH đưa ra nhiều mức gói để người dân lựa chọn (gói mức đóng từ 20-22%) phù hợp với thu nhập và điều kiện kinh tế của người lao động?

Ông Đỗ Ngọc Thọ: Là cơ quan tổ chức thực hiện thì chúng tôi thực hiện theo quy định. Chúng tôi không thể tự ý giảm xuống 20-22% hoặc tăng thêm. Trong việc xác định mức đóng, các nhà hoạch định chính sách đã có tính toán cụ thể đảm bảo cân đối đóng được, đảm bảo nguyên tắc đóng hưởng. Đơn cử như bảo hiểm tự nguyện do hạ sàn thu nhập làm căn cứ đóng thì người dân khi tham gia BHXH hoàn toàn có thể chọn mức thu nhập làm căn cứ đóng để tham gia. Hiện nay phương thức đóng rất linh hoạt, từ 3-6-12 tháng, đóng1 lần cho nhiều năm về sau hoặc đóng một lần cho những năm còn thiếu. Người dân có thể căn cứ vào điều kiện, khả năng kinh tế của mình để lựa chọn tham gia tuỳ mức cao hay thấp.

Thưa ông, với những lao động tham gia BHXH tự nguyện thì Nhà nước sẽ hỗ trợ ở mức nào?

Ông Đỗ Ngọc Thọ: Đây là một chính sách mới bắt đầu thực hiện từ năm 2018. Nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí đóng BHXH tính trên chuẩn hộ nghèo ở khu vực nông thôn. Đối với người trong hộ nghèo được hỗ trợ 30% mức đóng trên chuẩn, người ở hộ cận nghèo được hỗ trợ 25%, và các nhóm đối tượng khác là 10%. Như vậy 30% này sẽ tương ứng với khoảng 46.200 đồng. Mức 25% tương ứng với 38.500 đồng. Mức 10% tương ứng 15.400 đồng. Mức hỗ trợ như vậy, bất luận người lao động chọn ở mức đóng thu nhập 700.000 đồng hay 1 triệu đồng, 10 triệu đồng, thì mức hỗ trợ đó là cố định. Với mức hỗ trợ này mặc dù còn khiêm tốn. Nhưng trong bối cảnh ngân sách nhà nước eo hẹp, thì đây là một điều đáng quý.

Quan điểm cá nhân của tôi, nếu nhà nước tạo được 1 quỹ đủ mạnh để cuốn hút người dân tham gia BHXH, có sự hỗ trợ của Nhà nước lớn hơn, nhiều người tham gia hơn thì sau này nhiều người có lương hưu hơn, nhà nước sẽ giảm được chi phí chi cho trợ cấp người cao tuổi như hiện nay. Đầu tư từ bây giờ sẽ có lợi hơn và sẽ gặp hái được sau này.

Để mở rộng đối tượng tham gia BHXH, chính quyền địa phương có vai trò rất quan trọng. Theo ông, có nên giao chỉ tiêu cho chính quyền địa phương? 

Vũ Quang Thọ: Nếu giao chỉ tiêu cho chính quyền địa phương sẽ trở thành  tính chất bắt buộc. BHXH là phải động viên để tất cả mọi người hiểu về nó. Như vậy người lao động sẽ cân nhắc tham gia hay không tham gia. Tôi nghĩ công tác tuyên truyền vận động là quan trọng nhất. Đối với địa phương, nên tuyên truyền vận động cho chính quyền, vận động cho người dân và yêu cầu chính quyền cũng tổ chức tuyên truyền để người dân hiểu về BHXH hơn. Khi diện tham gia, quy mô tham gia nhiều hơn, lúc bấy giờ quỹ sẽ giảm đi so với yêu cầu đóng góp của người lao động mà vẫn bảo đảm tính an toàn của quỹ.

Thưa ông, dư luận đang rất băn khoăn về vấn đề gửi tiền tiết kiệm hay tham gia BHXH thì đâu là lợi ích. Ông có lời khuyên gì đối với người lao động?

Ông Vũ Quang Thọ: BHXH là phương án chiến lược mang tính dài hơi. Còn tiết kiệm chỉ giải quyết vấn đề trước mắt, nhưng độ an toàn của tiết kiệm không an toàn bằng BHXH. Quỹ BHXH chỉ vỡ chỉ khi Chính phủ gặp phải cú sốc mà Chính phủ cũng tan vỡ.

Ông Đỗ Ngọc Thọ: Trong thời gian vừa qua, để thu hút khách hàng, do đó trên các trang mạng xã hội đưa ra thông tin so sánh giữa việc tham gia bảo hiểm nhân thọ với gửi tiết kiệm với quyền lợi khi tham gia BHXH để được hưởng lương hưu. Tôi cho rằng đây là thông tin lệch lạc. Nhiều người cho rằng, gửi tiết kiệm, tham gia bảo hiểm nhân thọ thì có lợi hơn. Chúng tôi đã so sánh có sự khác biệt cơ bản: BHXH là hoạt động phi lợi nhuận. Còn BHNT và gửi tiết kiệm sinh lời. Vậy lời đó ở đâu ra. Vì hoa hồng cho đại lý BHNT rất lớn. Ban đầu 20-25%, sau đó giảm dần cũng đến 5%. Chi hoa hồng lớn mà vẫn có lợi thì lợi ở đâu ra? Quỹ BHXH được nhà nước bảo hộ. Trong khi đó các doanh nghiệp bảo hiểm hay ngân hàng thì vẫn có thể phá sản. Khi phá sản thì sự đóng góp vào đó mất trắng. Thêm nữa, cơ chế vận hành khác nhau, gửi tiết kiệm hay BHNT hàng tháng được tiền lãi, tuy nhiên, sau này khi tiền gốc giá trị giảm rất nhiều.

Ở đây có sự khác biệt lớn, trong khi quỹ BHXH được bảo toàn và tăng trưởng, khi đến tuổi nghỉ hưu, tiền đóng lúc đầu tiền sẽ sinh sôi thành nhiều đồng. Trong thời gian hưởng lương hưu, người nghỉ hưu được BHYT chữa bệnh bình đẳng như mọi người. Những năm qua gần như năm nào Chính phủ cũng tăng lương hưu. Thêm nữa, khi người hưởng qua đời, thân nhân vẫn được hưởng trợ cấp mai táng 10 tháng lương cơ sở, hưởng tiền tử tuất.

Chúng tôi đã có sự so sánh chi tiết, chúng tôi đưa đầy đủ tham số: từ điều chỉnh giá tiêu dùng, lãi suất ngân hàng, tốc độ điều chỉnh tăng lương hưu… trong mọi trường hợp thì quyền lợi người BHXH lớn hơn rất nhiều. Số tiền tham gia càng lớn thì chênh lệch so với tiết kiệm càng nhiều. Phụ nữ được hưởng quyền lợi cao hơn.

Trong 1 xã hội người dân tham gia được thì điều này là văn minh. Trong khả năng chỉ đủ tham gia BHXH thì nên tham gia BHXH được hưởng lương hưu là tốt nhất.

Cổng TTĐT Chính phủ