In bài viết

Phát triển du lịch golf để nâng tầm thương hiệu

(Chinhphu.vn) - Nhiều chuyên gia nhận định, Việt Nam có đầy đủ điều kiện thuận lợi để đưa du lịch golf thành ngành du lịch mũi nhọn và nâng tầm thương hiệu du lịch.

10/05/2017 09:59
Việt Nam có đầy đủ điều kiện thuận lợi để đưa du lịch golf thành ngành du lịch mũi nhọn và nâng tầm thương hiệu du lịch
Vùng đất lý tưởng của golf

Là đất nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa, ánh nắng chan hoà hầu như quanh năm, bờ biển dài 3.260 km với những bãi biển nổi tiếng thế giới, có nhiều vịnh và đồi núi hùng vĩ, cảnh quan đa dạng, hệ sinh thái phong phú, có giá trị… Việt Nam được coi là nơi lý tưởng, đáp ứng được những tiêu chí khắt khe về điểm đến golf hấp dẫn khách du lịch trên thế giới.

Không chỉ có điều kiện tự nhiên thuận lợi, Việt Nam còn có tiềm năng và lợi thế to lớn trong phát triển loại hình du lịch golf do nằm ở vị trí trung tâm châu Á, nơi có loại hình du lịch golf phát triển.

Cùng với quá trình hội nhập kinh tế và xu hướng mới của du lịch cao cấp, du lịch golf Việt Nam đang từng bước phát triển đáng kể. Những năm gần đây, lượng khách đến Việt Nam chủ yếu từ các quốc gia có loại hình du lịch golf phát triển mạnh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Pháp, Anh…

Ông Santi Chudintra, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Thái Lan cho rằng: Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi cho bờ biển dài với nhiều bãi biển đẹp, hiếm có trên thế giới. Nếu chỉ đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng, mà không kết hợp đầu tư sân golf thì chưa đầy đủ, khó giữ chân du khách, đặc biệt đối với khách chi tiêu cao.

Năm 2016, Thái Lan đón 32,6 triệu lượt khách với tổng doanh thu 42 tỷ USD, trong đó du lịch golf chiếm 4% doanh thu du lịch, tương đương 1,2 tỷ USD. Thái Lan tập trung tăng trưởng lợi nhuận hơn tăng trưởng lượng khách, trong đó tập trung phát triển du lịch golf vì lợi nhuận mang lại hơn nhiều so với du lịch thông thường. Golf trở thành công nghiệp du lịch của Thái Lan.

“Thái Lan và Việt Nam đều có nhiều điểm tương đồng, cũng như khá gần nhau về khoảng cách địa lý. Do vậy, hai nước hoàn toàn có thể hợp tác để cùng hỗ trợ đẩy mạnh phát triển du lịch golf trong thời gian tới”, ông Santi Chudintra nhận định.

Còn ông Peter Walton, Chủ tịch Tổ chức Du lịch golf thế giới (IAGTO) khẳng định: Với những thế mạnh về thiên nhiên, vị trí địa lý, Việt Nam, đặc biệt ở khu vực miền Trung, hội tụ đầy đủ điều kiện để trở thành một điểm đến du lịch golf hàng đầu châu Á.


Phát triển du lịch bền vững

Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, để du lịch golf phát triển bền vững, góp phần đa dạng sản phẩm du lịch, hướng tới đối tượng khách hàng có chất lượng cao, thời gian tới, ngành du lịch sẽ quan tâm, tập trung vào các giải pháp như:

Tiếp tục ban hành chính sách cởi mở, cải thiện môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng, thuận lợi, cải cách hành chính để thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư nước ngoài. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài sẽ giúp việc đầu tư hạ tầng du lịch, nâng cấp các cơ sở dịch vụ golf, hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, tiện nghi và hiện đại.

Xem xét miễn, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hoạt động chơi golf và chính sách thuế nhập khẩu với các loại máy móc, thiết bị sân golf nhằm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm du lịch golf Việt Nam.

Tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch golf. Tăng cường liên kết giữa các sân golf ở Việt Nam với nhau và với các sân golf trong khu vực để tạo ra các tour du lịch golf chuyên nghiệp… tạo sức hấp dẫn lớn, hỗ trợ lẫn nhau và thu hút được nhiều du khách hơn.

Tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho khách du lịch trong việc nhập cảnh vào du lịch, nhất là khách du lịch đến từ các quốc gia được coi là các thị trường gửi khách du lịch golf lớn tới Việt Nam, bao gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… cũng như các quốc gia có hoạt động golf phát triển ở châu Âu như Anh, Ireland, Pháp…

Phát triển các loại hình du lịch tàu biển, nghỉ dưỡng cao cấp, casino, caravan... kết hợp chơi golf, nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch phong phú, hấp dẫn, kéo dài được thời gian lưu trú và chi tiêu của khách du lịch golf. Đề xuất tăng cường các chuyến bay trực tiếp đến các khu vực sân golf chính và từ các thị trường golf trọng điểm.

Tuy nhiên, dù chú trọng phát triển du lịch golf thì việc phát triển sân golf phải luôn tôn trọng và bảo vệ môi trường tự nhiên; bảo đảm các nguyên tắc bền vững, đó là tôn trọng yếu tố thiên nhiên, tài nguyên và cộng đồng.

Ông Sam Thomas, Tổ chức Môi trường golf GEO nhấn mạnh: “Từ điểm khởi đầu đến tương lai, sự bền vững luôn là một phần của golf. Golf phải thúc đẩy sự phong phú sinh học và phong cảnh tự nhiên, đồng thời du lịch golf phải sử dụng tài nguyên có trách nhiệm và mang lại những giá trị cộng đồng, bảo đảm phát triển hài hoà, bền vững”.

Ông Lê Văn Kiểm, Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam cho biết: Từ chỗ golf Việt Nam chưa có trên bản đồ thế giới, đến nay cả nước đã có 30 sân đi vào hoạt động và 60 sân golf đang trong quy hoạch xây dựng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện số lượng người chơi golf ở Việt Nam đang ngày một tăng, không chỉ nguồn khách trong nước, mà cả từ các nước khác đến.

Để đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch golf tại Việt Nam, chúng ta cần sớm thành lập Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam để có sự phối hợp, gắn kết giữa các sân golf trong nước, đồng thời giúp các nhà tổ chức tour du lịch trên thế giới kết nối, phát triển hơn nữa các hoạt động du lịch golf tại Việt Nam.

Lưu Hương