In bài viết

Phát triển kinh tế biển và đảo miền Trung: Cần mạnh mẽ và đột phá

Hiệu quả kinh tế biển miền Trung chưa xứng với tiềm năng. Ảnh: L.Sơn

05/07/2011 11:04

Tiềm năng kinh tế biển của miền Trung khá lớn. Cả nước có 28 tỉnh có bờ biển thì 14 tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung đều có bờ biển. Diện tích vùng lãnh hải miền Trung phần lớn là hoang sơ chưa được khai thác. Tuy nhiên theo các chuyên gia, việc xây dựng các khu kinh tế ven biển ở ta nói chung và miền Trung nói riêng cần nghiên cứu sâu các lĩnh vực thế mạnh đặc thù, tránh tình trạng các khu kinh tế này chẳng mấy khác nhau.

Miền Trung: tiềm năng kinh tế biển, đảo rất lớn.

Nói đến miền Trung phải kể đến vùng biển ven bờ, vực nước biển Đông với khoảng 257 hòn đảo ven bờ và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Hệ thống đảo ven biển miền Trung có đủ năng lực và điều kiện để tham gia các dịch vụ biển, trong đó có hệ thống đảm bảo an toàn hàng hải, dịch vụ nghề cá, hệ thống thông tin duyên hải, hệ thống tìm kiếm cứu nạn trên biển, đảm bảo an ninh trên biển…, trong đó có nhiều đảo lớn như : Cồn Cỏ (Quảng Trị), Hoàng Sa (TP. Đà Nẵng), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Trường Sa (Khánh Hòa), Phú Quý (Bình Thuận).

Đây là cơ sở để xác định phát triển kinh tế biển theo hướng lâu dài có tính chất chiến lược cho khu vực miền Trung. Lãnh hải miền Trung phân bố 4 trong số 7 bồn trũng có chứa dầu khí có mặt trên thềm lục địa của nước ta. Vùng biển này cũng là vùng có đa dạng sinh học cao với nhiều kiểu hệ sinh thái khác nhau như dải cát ven bờ, rừng ngập mặn, rạn san hô, cỏ biển, rong biển, cửa sông, vùng triều, đầm phá, vũng, vịnh biển.

Theo Tiến sĩ Dương Bá Phượng - Viện trưởng Viện Phát triển bền vững vùng Trung Bộ, đến nay đã phát hiện có 243 loại tảo, 159 loài rong biển, 7 loài cỏ biển, 146 loài và các nhóm động vật nổi nước mặn, có hơn 600 loài cá, trong đó có 50 loài cá kinh tế cao như cá đối, cá mòi, cá dìa, cá căng, cá mú, cá ngừ, cá thu, cá cu, có 57 loại tôm he, đặc biệt là tôm hùm.

Đặc biệt, tiềm năng về du lịch biển đảo, miền Trung có nhiều bãi tắm đẹp, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh đó có các đảo gần bờ với cảnh quan thiên nhiên đẹp, có giá trị đa dạng sinh học cao, nhiều đảo còn khá hoang sơ như bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), Cù Lao Chàm (Quảng Nam ), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quý (Bình Thuận).

Khai thác bền vững, có hiệu quả nguồn lợi hải sản, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường biển là một trong những mục tiêu mà các tỉnh miền Trung đang hướng đến.

Chỉ khai thác "lợi thế tĩnh" chưa đủ

Kinh tế biển của Việt Nam phát triển với hai lợi thế quan trọng: Tiềm năng tự nhiên hay còn gọi là lợi thế tĩnh (bờ biển dài, diện tích lãnh hải thuộc chủ quyền rộng, có các nguồn thủy sản, dầu khí, nhiều bãi biển đẹp...); và vị trí địa - kinh tế và địa - chiến lược đặc biệt, do nằm trên các tuyến hải hành và các luồng giao thương quốc tế chủ yếu của thế giới. Tuy vậy, lâu nay khi bàn đến lợi thế phát triển kinh tế biển của Việt Nam, sự chú tâm thường được dành cho loại lợi thế thứ nhất, mặc dù loại lợi thế thứ hai đang ngày càng trở nên quan trọng bởi sự gia tăng nhanh chóng của quá trình toàn cầu hóa, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên lưu ý.

Mấy chục tỉnh sát biển đua nhau làm cảng biển, đã xây dựng gần một trăm cảng biển, "băm nát" nhiều dải cát để dựng lên khu nghỉ dưỡng cho người giàu…Động lực "vươn ra biển lớn" của phong trào rầm rộ này thật sự không rõ ràng, bị chi phối bởi tư duy lợi ích dự án cục bộ thay vì một mục tiêu đua tranh phát triển lành mạnh và có tầm nhìn xa, ông nhấn mạnh điểm này.

Theo GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam , Việt Nam nói chung và miền Trung nói riêng vẫn chưa nhận thức một cách đầy đủ về tiềm năng và lợi thế của biển, đảo. Mặc dù đã có ý thức vươn ra biển, đảo khá sớm, song cho đến nay người miền Trung (rộng hơn là cộng đồng người Việt) vẫn chưa thực sự vươn ra đại dương, chưa hình thành văn hóa hướng ra biển và đại dương.

Những năm gần đây, dù đã có cố gắng và quan tâm nhiều hơn đến biển, đảo nhằm đẩy mạnh khai thác tiềm năng, lợi thế của biển, nhưng kinh tế biển, đảo vẫn chưa có vị trí xứng đáng trong nền kinh tế quốc dân. Tỉnh nào cũng định hướng, quy hoạch và xây dựng cảng nước sâu, nhà máy lọc dầu, khu công nghiệp, khu kinh tế... Song hiệu quả chưa đồng đều, còn phân tán và lãng phí nguồn nhân lực.

Ông Trần Đình Thiên cho rằng, ưu tiên lúc này là xây dựng một số cứ điểm phát triển chiến lược mạnh ven biển. Để làm được điều này, phải thoát khỏi cách tư duy chia đều các lợi ích phát triển từ ngân sách Nhà nước cho các địa phương và các nhóm lợi ích lớn.

Còn tài nguyên nào ở miền Trung đáng quan tâm ? KS. Doãn Mạnh Dũng, Hội Khoa học kỹ thuật kinh tế biển TP.HCM cho rằng, tài nguyên khoáng sản trên núi không nhiều, không tập trung tạo nên khu công nghiệp lớn. Mặt khác khai thác khoáng sản trên sườn núi sẽ gây ra nhiều hậu quả về môi trường đưa đến lũ quét và lũ ống, cũng như nguồn nước uống. Tài nguyên khoáng sản ven biển như các kim loại nặng và hiếm tập trung trong các cồn cát ven biển. Việc khai thác chúng cần đi đôi với việc trồng rừng và bảo vệ bờ biển.

Thanh Như