Ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Vượt khó ngoạn mục
Tháng 3/2020, khi dịch bệnh COVID-19 phủ bóng đen ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có những thị trường chính của mặt hàng gỗ Việt như EU, Mỹ, nhiều doanh nghiệp đã nhìn thấy khó khăn khi các đơn hàng bị hủy hoặc chậm thanh toán. Khảo sát thời điểm đó với 150 doanh nghiệp thì chỉ có 7% doanh nghiệp còn cố gắng hoạt động bình thường.
Nhưng sau những khó khăn ban đầu, xuất khẩu gỗ tiếp tục tăng trưởng ngoạn mục. Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, giá trị xuất khẩu lâm sản 8 tháng năm 2020 đạt 7,83 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 29,9% giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp.
Trong đó, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu gỗ và lâm sản chủ yếu của Việt Nam với tổng giá trị xuất khẩu 7 tỷ USD, chiếm 89,5% giá trị xuất khẩu lâm sản của Việt Nam.
Đánh giá về sự phát triển của ngành chế biến, xuất khẩu đồ gỗ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường dùng từ “ngoạn mục”, bởi từ một ngành phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu gỗ tự nhiên, đến nay, 80% nguyên liệu phục vụ ngành chế biến gỗ là từ rừng trồng trong nước; từ những cơ sở chế biến nhỏ lẻ, đến nay số lượng doanh nghiệp chế biến sản phẩm đồ gỗ đã lên tới 4.550 doanh nghiệp, chế biến lâm sản ngoài gỗ 412 doanh nghiệp, dăm gỗ 188 doanh nghiệp, ván thanh 146 doanh nghiệp,… Đa phần các doanh nghiệp ngành gỗ là các doanh nghiệp tư nhân.
“Chúng ta đã có nhiều mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh như: gỗ ghép thanh, đồ mộc xây dựng, ghế ngồi, các đồ nội thất và bộ phận đồ nội thất, ngoại thất, viên nén năng lượng… Đặc biệt, với nhóm đồ nội thất có giá trị xuất khẩu lớn nhất trong các nhóm hàng xuất khẩu gỗ và lâm sản tiếp tục tăng trưởng ổn định trong thời gian tới”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.
Xuất khẩu khỗ sẽ tăng giá trị từ việc đảm bảo tính pháp lý - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Đã có nghị định về thực thi VPA/FLEGT
Báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp cho thấy, thị trường thương mại đồ nội thất và đồ gỗ của thế giới lớn (khoảng 430 tỷ USD giá trị thương mại đồ nội thất, trong đó khoảng 150 tỷ USD giá trị thương mại của đồ gỗ). Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam mới chiếm khoảng 6% thị phần toàn cầu nên các doanh nghiệp có cơ hội mở rộng, phát triển thị phần.
Theo đánh giá của ông Phạm Văn Điển, Hiệp định đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) có hiệu lực từ ngày 1/6/2019 cộng với EVFTA sẽ là hai lực đẩy mở ra cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh cho đồ gỗ Việt Nam khi xuất khẩu sang EU. “Thị trường châu Âu rất coi trọng nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, tính minh bạch và thân thiện môi trường của sản phẩm. Thực thi VPA/FLEGT đòi hỏi Việt Nam phải chứng minh được nguồn gốc gỗ hợp pháp, cộng với cơ hội từ EVFTA mang lại do ưu đãi thuế quan, tôi tin ngành gỗ sẽ có triển vọng ở thị trường EU”, ông Điển nhận định.
Cũng theo ông Điển, ngày 1/9/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102/2020/NĐ-CP quy định bảo đảm hệ thống gỗ hợp pháp Việt Nam với những quy định rất cụ thể về quản lý gỗ nhập khẩu, quản lý gỗ xuất khẩu với yêu cầu phải bảo đảm tính hợp pháp; chịu sự giám sát, kiểm tra của cơ quan hải quan. Những lô hàng hợp pháp sẽ được cấp giấy FLEGT và khi có giấy FLEGT, cánh cửa vào EU sẽ rộng mở hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, theo ông Điển, tác động của bệnh dịch COVID-19 theo dự báo còn kéo dài sang năm 2021 sẽ làm suy giảm tăng trưởng kinh tế của một số quốc gia lớn và của thế giới; nguy cơ gian lận thương mại, giả xuất xứ hàng hóa ngày càng gia tăng trong bối cảnh thuế nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam thấp hơn so với từ Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ. Nguy cơ các doanh nghiệp bị kiện chống bán phá giá, trợ cấp ngày càng gia tăng.
Chính vì vậy, trong giai đoạn tới, Tổng cục Lâm nghiệp khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu bền vững, hiệu quả, hiện đại trên cơ sở hội nhập sâu vào thị trường quốc tế, khu vực; sử dụng nguyên liệu hợp pháp; ứng dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến. Phấn đấu đưa giá trị xuất khẩu lâm sản đạt từ 12,5 tỷ USD trong năm 2020 và đạt 18-20 tỷ USD vào năm 2025.
Để đạt được mục tiêu trên, ngành lâm nghiệp sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản; xây dựng, sửa đổi bổ sung các văn bản liên quan đến phòng chống gian lận thương mại, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến sản phẩm gỗ, lâm sản xuất khẩu.
Nghiên cứu, đề xuất ban hành một số cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, như: Hạn chế xuất khẩu nguyên liệu gỗ thô; phát triển vùng nguyên liệu gỗ lớn, đạt chất lượng, có chứng chỉ rừng bền vững; phát triển công nghiệp sản xuất nguyên liệu phụ trợ; chính sách thuế khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị, nguyên liệu để sản xuất vật liệu phụ trợ trong nước; mở rộng mạng lưới phân phối, giới thiệu sản phẩm tại các thị trường trên thế giới gắn với phát triển thương hiệu lâm sản Việt.
Đỗ Hương