Ngày 18/11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý hồ sơ quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Quyết Chiến, Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh, việc xây dựng Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là rất quan trọng để đưa ra một kế hoạch tổng thể, chiến lược, phương hướng cho sự phát triển của hệ thống giáo dục đại học và sư phạm trong một khoảng thời gian dài, giúp bảo đảm tính bền vững và sự đồng bộ trong các chính sách phát triển giáo dục.
Quy hoạch này giúp đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế...
PGS.TS. Tô Bá Trượng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục cho rằng, các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm có vai trò then chốt trong việc đào tạo các thế hệ nhân lực cho đất nước. Đây là một phần trong các nỗ lực đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục quốc gia.
Góp ý vào quy hoạch, PGS.TS. Tô Bá Trượng cho rằng, việc xây dựng quy hoạch cần căn cứ vào dự báo tình hình phát triển đất nước trong thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 như kinh tế-xã hội, văn hóa-khoa học-giáo dục trong thời kỳ tới, thời kỳ vươn mình phát triển đất nước. Vì vậy nhu cầu đặc biệt quan trọng là nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ sư thiết kế vi mạch, kỹ sư bán dẫn, kỹ sư vận hành đường sắt tốc độ cao…Tất cả những mục tiêu đó đều phải tính đến trong quy hoạch cơ sở đào tạo đại học.
Một căn cứ nữa cũng cần phải tính đến là việc xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam, do đó, quy hoạch cơ sở đào tạo giáo viên sao cho đáp ứng nhiệm vụ này.
Cũng theo PGS.TS. Tô Bá Trượng, để đạt được những mục tiêu đề ra, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, các trường đại học, cũng như các chuyên gia giáo dục. Điều này sẽ góp phần tạo dựng một hệ thống giáo dục đại học và sư phạm hiện đại, chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số.
Trong khi đó, PGS.TS. Phạm Viết Vượng, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, đội ngũ nhà giáo là nhân tố có vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo, không có nhà giáo giỏi không thể nói đến chất lượng giáo dục và đào tạo tốt, dù cho các yếu tố vật chất, kỹ thuật và chương trình giáo dục có hiện đại đến mức nào.
Để đội ngũ nhà giáo trở thành bộ phận nhân lực chất lượng cao, nhà nước cần có chiến lược đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ nhà giáo với các giải pháp có tính hệ thống và đồng bộ.
PGS.TS. Phạm Viết Vượng đề xuất cần sắp xếp lại hệ thống các trường đại học sư phạm. Để các trường đại học sư phạm trở thành một thể thống nhất, đào tạo có chất lượng và hiệu quả, cần xác định lại số lượng trường đại học sư phạm cần có để đào tạo đáp ứng nhu cầu giáo viên cho cả nước. Sắp xếp lại các trường đại học sư phạm từ Bắc vào Nam để thuận lợi cho việc tuyển sinh và tuyển dụng giáo viên cho các địa phương.
Đồng thời phân bổ quy mô đào tạo cho từng trường đại học sư phạm theo năng lực, kinh nghiệm đào tạo, thành tích đào tạo và uy tín xã hội, cũng như nhu cầu giáo viên của từng vùng miền, địa phương.
Để tiến tới đại học hóa trình độ đào tạo giáo viên mầm non, trước mắt cần sáp nhập các trường cao đẳng sư phạm mầm non vào các trường đại học sư phạm trên cùng địa bàn thành một khoa đào tạo cả hai trình độ cao đẳng và đại học...
Hoàng Giang