In bài viết

Phát triển, nâng cao trình độ nguồn nhân lực văn hóa, du lịch

(Chinhphu.vn) - Cần tập trung đa dạng hóa loại hình đào tạo, nâng cao kiến thức cho nhân lực làm du lịch, sau đó tổ chức thi tay nghề, nhân lực cần được tiếp cận theo chuẩn nghề trong ASEAN.

06/06/2024 13:54
Phát triển, nâng cao trình độ nguồn nhân lực văn hóa, du lịch- Ảnh 1.

Cần tập trung đa dạng hóa loại hình đào tạo, nâng cao kiến thức cho nhân lực làm du lịch

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) chiều 5/6 và sáng 6/6, vấn đề đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch được các đại biểu quan tâm.

Giải pháp nào để nâng cao trình độ nguồn nhân lực du lịch?

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi) đề nghị Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết cần những giải pháp gì để nhanh chóng bổ sung và nâng cao trình độ nguồn nhân lực du lịch, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng thị trường lao động trong nước, đồng thời có thể hội nhập, làm việc trong ngành du lịch các nước như là hiện nay lao động các nước Đông Nam Á có thể đến làm việc tại Việt Nam.

Liên quan đến câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch hiện nay đang thiếu. Trong đó, nhân lực làm tại các cơ sở lưu trú chiếm 70%, 20% là nhân lực lữ hành, còn lại 10% là làm tại các đơn vị khác.

Hiện nay, chúng ta đã có 8 trường Cao đẳng Du lịch theo từng vùng, thu hút đông sinh viên, đào tạo ra thì các doanh nghiệp đều nhận. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tự đào tạo như Sài Gòn Tourists, Hà Nội Tourists…

Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh cần tập trung đa dạng hóa loại hình đào tạo, nâng cao kiến thức cho nhân lực làm du lịch, sau đó tổ chức thi tay nghề, nhân lực cần được tiếp cận theo chuẩn nghề trong ASEAN.

Bộ trưởng cho biết, công tác phục hồi, thúc đẩy phát triển du lịch sau đại dịch COVID-19 đã đạt kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Năm 2023, tổng số khách du lịch quốc tế đạt 12,5 triệu lượt khách, vượt mục tiêu đề ra (8 triệu lượt), đạt mục tiêu đã điều chỉnh; tổng số khách du lịch nội địa ước đạt 108 triệu lượt khách, vượt 5,8% so với kế hoạch năm. Tổng thu từ du lịch ước đạt 672.000 tỷ đồng, vượt 3,38% so với kế hoạch năm 2023.

Tính đến hết tháng 4/2024, tổng lượt khách quốc tế đạt 6,2 triệu lượt (tăng 68,3% so với cùng kỳ năm 2023), tổng lượt khách du lịch nội địa đạt khoảng 40,5 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt 273.000 tỷ đồng.

Toàn ngành tiếp tục nỗ lực phấn đấu, hoàn thành mục tiêu năm 2024 đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách nội địa (trong đó có khoảng 72,5 triệu lượt khách có lưu trú); tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840.000 tỷ đồng.

Còn có khó khăn trong đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài

Đối với câu hỏi của đại biểu Trình Lam Sinh (đoàn ĐBQH tỉnh An Giang) về Đề án 1437 về đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài có mục tiêu là đến năm 2030, nước ta sẽ có 930 người được cử đi học để hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao cho văn hóa nghệ thuật. Tuy nhiên, theo Báo cáo 136 của Bộ VHTTDL gửi Quốc hội thì đến hết năm 2023 chỉ mới có 56 trường hợp trúng tuyển. Điều này đặt ra một thách thức lớn cho các cơ sở đào tạo chuyên sâu về văn hóa nghệ thuật trong nước khi lực lượng có chuyên môn và trình độ cao đang dần thưa vắng, có thể dẫn đến sự khủng hoảng về nhân lực trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kế cận. Hiện nay chỉ còn 6 năm là kết thúc.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, có những nguyên nhân khách quan và chủ quan nên chưa hoàn thành được mục tiêu là do đối tượng trong đề án khá rộng; đầu vào tuyển sinh khó khăn.

Khó khăn thứ nhất về trình độ ngoại ngữ. Vì các trường chủ yếu học về chuyên môn, ít được đào tạo ngoại ngữ cho nên khi được đào tạo ở nước ngoài, trình độ ngoại ngữ chưa bảo đảm được yêu cầu.

Khó khăn thứ hai là các đối tượng trong đào tạo còn nhỏ. Khi đi nước ngoài học, phải có người bảo hộ đi theo mà không có kinh phí cho người bảo hộ, chỉ có kinh phí cho người đi học. Bên cạnh đó, trong quá trình đào tạo không phải chúng ta được chọn quốc gia đi du học mà phụ thuộc vào các quốc gia họ có chấp nhận không cho nên hồ sơ gửi đi các nước phải làm lại rất nhiều lần.

Trước tình hình trên, Bộ VHTT&DL đang cho tổng kết đề án này và báo cáo lại với Chính phủ để xem xét và sửa đổi lại về đối tượng tuyển sinh, xem xét một số ngành, lĩnh vực không còn phù hợp sẽ cho thôi vì đề án lập cách đây 10 năm.

Nâng cao năng lực đội ngũ hướng dẫn viên

Thời gian qua, công tác đào tạo, quản lý đội ngũ thuyết minh, hướng dẫn viên đã được quan tâm, tạo điều kiện cho đội ngũ này làm tốt vai trò kết nối, quảng bá văn hóa Việt Nam cũng như thực hiện tốt nhiệm vụ truyền thông, giáo dục truyền thống. Tuy nhiên, thực tế cũng có hạn chế trong việc quản lý đối với hướng dẫn viên tại các điểm đến chưa chặt chẽ.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ VHTT&DL có giải pháp gì khắc phục hạn chế nêu trên để không chỉ tạo điều kiện cho hướng dẫn viên được phát huy tối đa vai trò truyền thông kết hợp quảng bá du lịch Việt Nam; giáo dục truyền thống nhưng không bỏ ngỏ công tác quản lý, hướng dẫn viên tại các điểm đến (bao gồm cả hướng dẫn viên Việt Nam và hướng dẫn viên nước ngoài) trong hoạt động lĩnh vực du lịch Việt Nam, đặc biệt là các điểm đến có yếu tố văn hóa truyền thống và yếu tố lịch sử của dân tộc?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, hướng dẫn viên để được cấp thẻ hoạt động thì đối với hướng dẫn viên quốc tế là Cục Du lịch Quốc gia cấp, còn nếu hướng dẫn viên ở trong nước thì do Sở VHTT&DL của các địa phương cấp khi đạt chuẩn các yêu cầu theo quy định của Luật Du lịch.

Nhưng thời gian vừa qua, có một số công ty, một số điểm đến do thiếu nguồn nhân lực nên sử dụng hướng dẫn viên không đạt trình độ đào tạo, không đạt chuẩn, cá biệt là có sử dụng người ngoài ngành mà giới thiệu sai về các sản phẩm du lịch và đáng lưu ý là có những sai kể cả về kiến thức văn hóa và lịch sử. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, sau khi phát hiện, Bộ đã cho thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh và yêu cầu chấm dứt ngay tình trạng này, đồng thời quản trị tốt điểm đến. Chỉ những người đáp ứng đủ điều kiện mới được hành nghề. Hiện nay, mức độ vẫn ở chấn chỉnh, nhắc nhở, còn nếu cố tình vi phạm và gây ảnh hưởng, Bộ sẽ chuyển cho cơ quan điều tra xử lý.

Về giải pháp, Bộ trưởng nêu rõ, cần tăng cường đào tạo, cấp chứng chỉ đạt chuẩn cũng như công tác kiểm tra, thanh tra; phối hợp với các địa phương quản lý chặt chẽ các điểm đến, bảo đảm đội ngũ hướng dẫn viên du lịch am hiểu, làm tốt nhiệm vụ. Ngoài ra, cũng cần đẩy mạnh ứng dụng tin học, thiết bị công nghệ để giảm bớt áp lực cho hướng dẫn viên.

Minh Thúy