In bài viết

Phát triển ngành Dược để chủ động ổn định giá và chất lượng thuốc

(Chinhphu.vn) – Phát triển ngành Dược trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn trong đó đặc biệt chú trọng phát triển mạnh công nghiệp dược, nâng cao năng lực sản xuất trong nước, củng cố và phát triển mạng lưới lưu thông, phân phối và cung ứng thuốc để chủ động kiểm soát giá và chất lượng thuốc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến ngành Dược toàn quốc ngày 23/6 tại Hà Nội.

23/06/2009 15:09

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Phát triển ngành Dược để chủ động ổn định giá và chất lượng thuốc - Ảnh: Chinhphu.vn

Trong những năm qua ngành Dược đã có nhiều chuyển biến tích cực đáng ghi nhận trong công tác quản lý nhà nước bình ổn thị trường thuốc, sản xuất và kinh doanh dược phẩm. Tuy nhiên, thực trạng sản xuất, cung ứng và sử dụng thuốc trên toàn quốc còn nhiều bất cập, cần khắc phục để đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu của nhân dân. 

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho biết, năm 2008 thuốc sản xuất trong nước đạt 715,435 triệu USD chiếm 52% giá trị tiền thuốc sử dụng  và đã tăng 19,6 % so với năm 2007, góp phần tăng tiền thuốc bình quân đầu người lên 16,45USD/năm.

Tham dự Hội nghị có 63 lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố ở 63 điểm cầu trực tuyến.

Thuốc sản xuất trong nước đang hướng tới những nhóm thuốc có tỷ lệ sử dụng cao, thuốc chuyên khoa. Các dạng thuốc bào chế cũng được đầu tư sản xuất khá mạnh mẽ. Hệ thống sản xuất, kiểm tra chất lượng, tồn trữ bảo quản, lưu thông phân phối thuốc không ngừng được xây dựng theo các tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và tiêu chuẩn quốc tế, tính đến hết tháng 3/2009 đã có 92 doanh nghiệp trong nước đạt tiêu chuẩn để sản xuất thuốc.

Tuy nhiên, thuốc ngoại vẫn được sử dụng ngày càng nhiều. Năm 2006 cả nước đã dành 956 triệu USD để mua thuốc tân dược, năm 2007 là 1,136 tỷ USD và năm 2008 cả nước đã chi 1,425 tỷ USD (chỉ số này đã vượt dự báo của WHO) để đáp ứng nhu cầu này. Trong đó, trị giá thuốc nhập khẩu năm 2008 là hơn 923 triệu USD. Thị trường dược ở nước ta còn phụ thuộc khá nhiều từ nhập khẩu. Khoảng 90% nguyên liệu sản xuất thuốc phải nhập khẩu, thuốc sản xuất trong nước chủ yếu là thuốc điều trị bệnh thông thường với các dạng bào chế đơn giản, năng lực sản xuất trong nước còn yếu, chưa đáp ứng được đòi hỏi của thị trường. 

Ảnh: Chinhphu.vn

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những chuyển biến tích cực của ngành Dược trong 1 năm qua và khẳng định ngành Dược đã góp phần quan trọng vào quá trình nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân. Đồng thời, Phó Thủ tướng đã đặt ra một số nhiệm vụ mà ngành Dược cần tập trung thực hiện như: chậm nhất trong quý 4/2009 hoàn thành Đề án tổ chức quản lý nhà nước về dược phẩm, mỹ phẩm.

Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài Chính đề xuất những cơ chế tài chính đặc thù cho Đề án này. Bộ Y tế cần tổ chức hội nghị toàn quốc về dự báo nhu cầu dược phẩm và khuyến khích đầu tư giai đoạn 2010 - 2020 vào cuối năm 2009. Đẩy mạnh việc bào chế và sản xuậ́t thuốc Đông - Nam dược. Sắp xếp và nâng cao năng lực phục vụ, năng lực cạnh tranh của hệ thống phân phối thuốc và các cửa hàng đủ tiêu chuẩn ở Việt Nam. Đây chính là yếu tố quan trọng đối với việc thay đổi ý thức sử dụng thuốc.

Phó Thủ tướng yêu cầu đánh giá toàn diện về tổ chức bộ máy hoạt động và vai trò của Tổng Công ty Dược để có thể đề ra định hướng chiến lược, qua đó kiểm điểm lại những nhiệm vụ của mình trong thời gian qua. Cần quy hoạch lại việc nuôi trồng và chế biến dược liệu trong nước.

Về những vi phạm trong quảng cáo thuốc, Phó Thủ tướng gợi ý ngoài việc phạt tiền cần phải nêu tên DN vi phạm lên trang web của Bộ Y tế. Bộ Y tế khẩn trương hoàn thành Đề án phát triển nguồn nhân lực y tế (2010 – 2020), trong tháng 8/2009 trình Chính phủ. Trong tháng 7/2009, Bộ Tài chính bố trí đủ ngân sách để Bộ Y tế hoàn thành những đề án đã trình với Chính phủ. Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Y tế để trình Chính phủ danh sách chính thức 5 sản phẩm quốc gia về y tế.

Từ Lương