Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ảnh: VGP/Phương Liên |
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã nhận định như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ về một số nội dung quan trọng được nêu trong Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XII của Đảng sắp tới.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ của Đại hội XII được nêu trong dự thảo là: “Chú trọng giải quyết tốt vấn đề cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, xử lý nợ xấu và bảo đảm an toàn nợ công”. Theo ông, vì sao Đảng ta lại đặt ra nhiệm vụ này?
Ông Nguyễn Đức Kiên: Trước hết chúng ta phải thấy rằng những nội dung này không phải là vấn đề mới được đề cập. Ngay từ năm 1993, sau khi chúng ta có Cương lĩnh năm 1991, vấn đề đổi mới hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp Nhà nước và đổi mới phương thức quản trị DNNN được Đảng ta đặt lên làm nhiệm vụ hàng đầu. Đại hội VIII của Đảng đã xác định “phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt”. Chính vì thế, trong nhiệm vụ kinh tế của chúng ta, bao giờ doanh nghiệp, trong đó có DNNN, cũng là yếu tố quan trọng nhất trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Năm 2003 chúng ta có Nghị quyết Trung ương 3 (khóa IX) về đổi mới, sử dụng và phát huy hiệu quả vốn của Nhà nước. Như vậy, chúng ta đã đặt ra nhiều vấn đề để đổi mới phương thức quản trị cũng như nâng cao hiệu quả của DNNN. Nhưng đến thời điểm hiện nay, sau 8 năm hội nhập kinh tế quốc tế và sau 5 năm thực hiện Cương lĩnh sửa đổi năm 2011, việc phát triển DNNN để các doanh nghiệp này góp phần khẳng định tính đúng đắn của Cương lĩnh 2011 và Hiến pháp 2013 khi “kinh tế Nhà nước là chủ đạo”, vẫn là một bài toán đặt ra. Định hướng của chúng ta là xây dựng một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chúng ta vẫn kiên định đường lối phát triển đó thì chúng ta phải đổi mới DNNN.
Dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng đã nêu rõ phải giải quyết tốt vấn đề về DNNN, cơ cấu lại ngân sách Nhà nước. Đây là tiếp tục và nâng lên một bước của Nghị quyết Trung ương 3 khóa XI về tái cơ cấu lại nền kinh tế. Dự thảo văn kiện của Đảng tiếp tục đặt ra nhiệm vụ này và coi đây là một nhiệm vụ quan trọng của giai đoạn 2016-2020.
Dự thảo Báo cáo chính trị có nói về tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN theo hướng tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và nhiệm vụ chính trị công ích; tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản lý Nhà nước, chức năng quản trị kinh doanh của DNNN; sớm xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước của các bộ, UBND đối với vốn, tài sản Nhà nước tại các doanh nghiệp. Xin ông cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?
Ông Nguyễn Đức Kiên: Đối với cơ cấu DNNN theo hướng tách bạch, xóa bỏ chủ sở hữu, đây là một vấn đề không mới. Ngay khi chúng ta nhìn vào dự thảo gia nhập Hiệp định TPP mà 12 nước ký với nhau, trong đó có những nền kinh tế hàng đầu của thế giới như Mỹ, Nhật Bản, dự thảo có hẳn một chương về DNNN và 12 nước trong đó có Việt Nam đều thảo luận và chấp nhận một sự tồn tại về DNNN.
Nhưng vấn đề ở đây là chúng ta phải nhìn lại khái niệm DNNN của các nước tiên tiến, khác với khái niệm của chúng ta về loại hình doanh nghiệp này. DNNN của ta vẫn nhìn từ tư duy kế hoạch hóa và nhìn về vấn đề sở hữu là quan trọng, nhưng các nước tiên tiến lại nhìn vào hoạt động của doanh nghiệp đó, nhìn vào đóng góp của doanh nghiệp đó, dù là lĩnh vực kinh doanh hay là lĩnh vực dịch vụ công, mà người ta xác định đó là doanh nghiệp được trợ cấp của Nhà nước, được hỗ trợ của Nhà nước. Người ta nói rằng doanh nghiệp nào thực hiện nhiệm vụ của Nhà nước thì đó là DNNN.
Khái niệm này khác hẳn ở nước ta. Ở Việt Nam, doanh nghiệp nào có vốn sở hữu của Nhà nước, đó là doanh nghiệp Nhà nước.
Theo Hiến pháp, Chính phủ là cơ quan quản lý hành chính cấp cao nhất của quốc gia. Chứ chúng ta không nói Chính phủ là cơ quan quản lý sản xuất kinh doanh lớn nhất của quốc gia.
Ngay cả trong Cương lĩnh năm 2011 và trong Hiến pháp chúng ta đều đã quy định rõ như vậy, nói rõ hàm ý rằng Chính phủ không làm sản xuất, kinh doanh. Việc sản xuất, kinh doanh là việc của doanh nghiệp, Chính phủ quản trị nền hành chính quốc gia thông qua các văn bản luật, các nghị định, các quyết định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Vì thế chúng ta tách bạch hẳn vai trò của chủ sở hữu ra khỏi vai trò quản lý, là chúng ta tiệm cận dần với nền quản trị hành chính hiện đại mà các nước trên thế giới đang thực hiện.
Ở đây chúng ta phải nói rằng quản trị Nhà nước theo hướng hiện đại mà các mô hình của các quốc gia khác đang thực hiện, vấn đề đó không phải là một sản phẩm riêng có của chủ nghĩa tư bản mà đó là sản phẩm của trí tuệ loài người. Vấn đề là chúng ta vận dụng nó như thế nào. Chúng ta không nên hiểu là cái ô tô Toyota đời mới của chủ nghĩa tư bản với ô tô Volga của chủ nghĩa xã hội, nên chúng ta phải yêu xe Volga. Không phải thế, xe Volga hay xe Toyota đều là sản phẩm của quá trình lao động, đều là sản phẩm của những người lao động, dù là ở Liên Xô (cũ) hay ở Nhật hoặc ở nước tư bản nào đó, đều là sản phẩm của trí tuệ loại người. Vấn đề là trong quá trình phát triển của xã hội loài người, với một nguồn chi phí tương đương nhau, ai làm ra sản phẩm tốt hơn cho xã hội, cho người dân thì người dân sẽ chọn. Đó chính là quyền của công dân.
Trong Tuyên ngôn nhân quyền của Pháp hay Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều đã nói “con người sinh ra ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc”. Chủ nghĩa xã hội càng không ngăn cấm việc chúng ta cùng một chi phí mà chúng ta có một sản phẩm tốt hơn cho người dân. Chúng ta đi vào bản chất của vấn đề là chúng ta đến thời điểm này mới kiên quyết ghi lại một lần nữa khi tách chủ sở hữu ra.
So với nhiệm kỳ 2011-2015 của Đại hội XII, đúng là chúng ta có những bước lùi về mặt quản lý đối với doanh nghiệp Nhà nước. Có điều dễ hiểu là sau sự kiện Vinashin và Vinalines, chúng ta có những sự chững lại. Chúng ta đứng lại để nhìn lại mình. Trong quá trình nhìn lại mình như thế thì Chính phủ có Nghị định 99 về trách nhiệm của chủ sở hữu nhưng Đảng lại nhìn xa hơn. Vì Đảng quyết định những vấn đề chiến lược nên thấy rằng nếu thực hiện theo Nghị định 99 thì có một số điểm không thống nhất với Cương lĩnh năm 2011 và Hiến pháp 2013. Cho nên một trong những vấn đề tất yếu là vẫn phải đưa vấn đề tách chủ sở hữu ra khỏi doanh nghiệp và chức năng quản lý Nhà nước, chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước là phải tách bạch. Sự tách bạch này là để người dân cảm nhận được sự rõ ràng, để các doanh nhân, doanh nghiệp cũng thấy được điều đó và kiểm soát được quá trình Chính phủ điều hành doanh nghiệp Nhà nước.
Dự thảo văn kiện cũng nói về việc thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp Nhà nước. Theo ông, liệu có thể có một bộ quản lý doanh nghiệp Nhà nước hay sẽ có một hình thức quản lý mới như thế nào?
Ông Nguyễn Đức Kiên: Trên tinh thần chủ đạo của văn kiện như vậy, chúng ta phải có một cơ quan quản lý. Cơ quan này, theo tôi, xu hướng chung sẽ là một cơ quan hoạt động theo luật, không phải là một thành viên của Chính phủ. Bởi với số vốn của doanh nghiệp Nhà nước hiện nay khoảng 1,5 triệu tỉ đồng, nếu vẫn để trong Chính phủ thì vẫn có thể xảy ra tình trạng “con anh, con tôi”. Doanh nghiệp khi thuộc một bộ phận nào đó của Chính phủ, rõ ràng Chính phủ phải có trách nhiệm lo toan đến doanh nghiệp đó hơn bởi gắn liền với đánh giá hoạt động của Chính phủ. Nhưng như thế, vô hình trung, Chính phủ đã loại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp của các thành phần kinh tế khác xuống hạng 2. Và như vậy chúng ta đã có sự phân loại doanh nghiệp ưu tiên loại 1, doanh nghiệp ưu tiên loại 2. Như vậy thì không đúng với tinh thần của Cương lĩnh, cũng không đúng với tinh thần của Hiến pháp là trong một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam, mọi thành phần kinh tế đều có vai trò quan trọng như nhau, đặc biệt là vai trò của doanh nghiệp Nhà nước sau 22 năm thực hiện quá trình đổi mới, cải cách doanh nghiệp Nhà nước, tỉ trọng của doanh nghiệp Nhà nước đối với nền kinh tế đang có xu hướng giảm dần. Như vậy, chúng ta không thể ưu tiên một “ông” có tỉ trọng nhỏ trong nền kinh tế, trong khi 70% GDP là do doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp ở các nền kinh tế khác. Chính vì vậy, việc thành lập cơ quan này có trách nhiệm quản lý tốt thực hiện việc những gì không cần mà các thành phần kinh tế có thể làm được thì chúng ta chuyển cho các thành phần này làm. Trong quá trình chuyển đổi đó, theo nguyên tắc của thị trường thì chúng ta thu về một khoản vốn và phải nộp cho ngân sách Nhà nước. Và theo đúng Cương lĩnh, khoản vốn đó lại được tiếp tục đầu tư phát triển đất nước, đem lại đời sống ngày càng cao cho người dân. Việc đó phải để cho người dân giám sát theo luật.
Tổng tài sản của doanh nghiệp Nhà nước cỡ khoảng 5 triệu tỉ đồng. Nếu chúng ta không có một cơ quan riêng để quản lý mà lại chia nhỏ ra các doanh nghiệp thì sẽ có những bài học đau đớn như Vinashin. Chúng ta làm xong, không ai chịu trách nhiệm, cuối cùng chúng ta mất hơn 100 nghìn tỉ đồng, chỉ một người đi tù. Hay như vụ việc Agribank với chi nhánh 6 ở TPHCM, một chi nhánh làm mất 1000 tỉ đồng, chỉ 5-6 người chịu trách nhiệm, trong khi đó số tiền đó là vốn của Nhà nước và toàn dân phải chịu.
Những vấn đề đó đặt ra việc chúng ta phải lập ra một cơ quan chuyên trách. Đây không phải là một bộ, mà là một cơ quan hoạt động theo luật, như Kiểm toán Nhà nước. Kiểm toán Nhà nước là một cơ quan hoạt động theo Luật Kiểm toán, kiểm toán cả hoạt động chi tiêu của Chính phủ, kiểm toán cả hoạt động chi tiêu của Quốc hội và công khai kết quả trước nhân dân. Điều đó mới thể hiện được chính quyền của chúng ta là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp Nhà nước cần làm gì để phát huy vai trò của mình?
Ông Nguyễn Đức Kiên: Trong quản trị doanh nghiệp, có 5 yếu tố cần quan tâm: Xây dựng thương hiệu gắn với phát triển thị trường, yếu tố tạo lực, tạo dựng được nguồn vốn dồi dào, có công nghệ tiên tiến và có một đội ngũ người lao động bao gồm cả quản trị và công nhân có tay nghề cao. Trong 5 yếu tố đó, chúng ta thấy doanh nghiệp Nhà nước có nhiều điều kiện tương tự như các doanh nghiệp FDI và có điều kiện hơn doanh nghiệp dân doanh. Nhưng ngược lại cũng có hạn chế. Ưu đãi đầu tiên thường là những doanh nghiệp Nhà nước có quy mô tương đối lớn, có bộ máy và có nếp sản xuất, tư duy điều hành công nghiệp hình thành từ lâu. Thứ hai là họ đã có một số thị trường quen biết nhưng vấn đề ở đây là do cơ chế của chúng ta nên doanh nghiệp Nhà nước có số vốn hạn chế. Để khắc phục điều đó, chúng ta phải thực hiện xã hội hóa. Những gì xã hội làm được, người dân làm được, chúng ta phải nhường lại. Chính phủ là cơ quan quản lý hành chính cao nhất, chúng ta không “bon chen” với dân từng đồng lợi nhuận… Chúng ta phải tư duy được như thế thì mọi hành xử của các cơ quan của chúng ta đối với doanh nghiệp Nhà nước mới thoáng được và công tác cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước mới đi nhanh được.
Bản thân doanh nghiệp Nhà nước phải thực hiện xã hội hóa, phải thực hiện cổ phần hóa, tái cơ cấu để thu hút được vốn, để có một đội ngũ quản trị doanh nghiệp tiên tiến. Đa phần những người làm quản trị doanh nghiệp Nhà nước hưởng lương theo thâm niên, chứ ít người được hưởng như những doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp FDI là đến thảo luận với ông chủ về vấn đề lương bổng theo khả năng của họ.
Chúng ta không hình thành được một thị trường lao động, đặc biệt là trong thị trường lao động cao cấp, chúng ta vẫn hành chính hóa quản trị khi thang bảng lương của giám đốc doanh nghiệp là do Bộ Nội vụ quyết định. Đây là những hệ lụy của một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung còn lại và chúng ta vẫn đang điều hành như thế.
Nếu doanh nghiệp Nhà nước không tự đổi mới và những người nhận trách nhiệm quản trị doanh nghiệp Nhà nước không dám nói ra với các cơ quan quản lý thì vẫn còn một mớ lùng bùng.
Nếu như vậy, Dự thảo báo cáo chính trị tại Đại hội XII đã chỉ ra được những vấn đề cốt lõi trong quá trình phát triển của chúng ta, chỉ ra được muốn phát triển nhanh, bền vững thì phải bắt đầu từ doanh nghiệp Nhà nước, tức là bắt đầu từ cái chúng ta có. Và như vậy, vấn đề còn lại là sau khi Đại hội đã thông qua Nghị quyết chúng ta phải tổ chức thực hiện nghị quyết, cương quyết hơn nữa, nhanh hơn nữa thì chắc chắn sẽ thành công.
Xin cảm ơn ông!
Phương Liên (thực hiện)