In bài viết

Phát triển nông thôn mới tiệm cận với văn minh đô thị

(Chinhphu.vn) - Tính đến thời điểm hiện tại, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội đã hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao, đồng thời gắn với định hướng phát triển lên quận. Khu vực nông thôn của huyện ngày càng văn minh, hiện đại, tiệm cận với mô hình đô thị trong tương lai.

21/09/2023 08:39
Phát triển nông thôn mới tiệm cận với văn minh đô thị- Ảnh 1.

Cảnh quan xanh, sạch, đẹp tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm - Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Hoàng cho biết, từ năm 2017, toàn huyện đã có 20/20 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, tỉ lệ 100%. Năm 2018, huyện về đích nông thôn mới. Đến hết năm 2022, huyện Gia Lâm có 15/20 xã được Thành phố công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 3 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.

UBND huyện đã thành lập Hội đồng thẩm định và Tổ công tác giúp việc Hội đồng thẩm định đánh giá, chấm điểm, hoàn thiện hồ sơ huyện nông thôn mới nâng cao. Kết quả có 8/9 tiêu chí đạt; 1 tiêu chí cơ bản đạt, tổng đạt 98/100 điểm.

Theo ông Nguyễn Đức Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, ngay từ đầu năm 2023, huyện đã ban hành Kế hoạch số 118-KH/BCĐ về đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; đồng thời đầu tư, xây dựng huyện Gia Lâm trở thành quận giai đoạn 2020-2025, phấn đấu năm 2023 có 5 xã còn lại đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt 100%) số xã; thêm 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu. 

Thời gian qua, UBND huyện đã phát động phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn, trọng tâm là xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; phát động cuộc thi giữ gìn thôn, xóm, ngõ sáng, xanh, sạch đẹp và an toàn. Các cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn huyện đã tích cực hưởng ứng tham gia, chung sức, đồng lòng thực hiện.

Tính đến nay, 5 xã xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2023 của huyện là: Kim Sơn, Trung Màu, Yên Thường, Dương Quang, Đông Dư đều đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành tiêu chí nông thôn mới nâng cao theo yêu cầu. Với 2 xã xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, Ninh Hiệp đã đạt 2 lĩnh vực kiểu mẫu là du lịch và văn hóa; Bát Tràng đạt 2 lĩnh vực du lịch và an ninh trật tự. 

Trên địa bàn huyện đã triển khai tốt mô hình thôn thông minh, tiêu chí bắt buộc trong xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Cụ thể, năm 2022, 3 xã Phù Đổng, Dương Xá và Cổ Bi được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu. Mô hình thôn thông minh tại 3 đơn vị này đều được đánh giá đạt tiêu chí quy định. Sang năm 2023, xã Bát Tràng và Ninh Hiệp tiếp tục đăng ký xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó xây dựng mô hình thôn thông minh tại thôn 9 (Ninh Hiệp) và thôn 2 Bát Tràng. Qua theo dõi thực tế, các thôn đều bảo đảm tiêu chí quy định, hiện đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị Hội đồng thẩm định, công nhận.

Bên cạnh đó, UBND huyện đã phát động phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung tiêu chí "Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị" đối với hai thị trấn Yên Viên và Trâu Quỳ. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động đã phát huy tốt vai trò tự quản và ý thức chủ động, tích cực của cộng đồng. Năm 2023, hai thị trấn Yên Viên và Trâu Quỳ đạt các tiêu chí theo chuẩn đô thị văn minh, tiền đề để các địa phương khác trên địa bàn huyện phát triển, phấn đấu.

Thông qua việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đời sống của người dân trên địa bàn huyện đã được nâng cao. Hiện huyện Gia Lâm không còn hộ nghèo; thu nhập bình quân đạt 71,7 triệu đồng/người/năm… Ngoài ra, Gia Lâm cũng có 92,9% người dân tham gia bảo hiểm y tế; có 122 thôn làng được công nhận làng văn hóa; 100% lượng rác thải sinh hoạt được thu gom, vận chuyển; 100% số hộ sử dụng nước sạch; 20/20 xã có trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia; 75/78 trường mầm non, tiểu học, THCS công lập được công nhận đạt chuẩn quốc gia, đạt tỉ lệ 96,1%...

* Thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP. Hà Nội.

Thiện Tâm