Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng chúc mừng Đại hội. Ảnh: Báo Tuyên Quang. |
Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang có 345 đại biểu đại diện cho hơn 56.000 đảng viên trong Đảng bộ tham dự.
Với chủ đề: “Phát huy truyền thống quê hương cách mạng và sức mạnh đoàn kết các dân tộc; tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, đưa tỉnh Tuyên Quang phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía bắc”, Đại hội đề ra 15 chỉ tiêu chủ yếu trong nhiệm kỳ 2020-2025; bốn chỉ tiêu định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới, Ban Chấp Đảng bộ tỉnh đưa ra 5 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá.
Báo Tuyên Quang thông tin phát biểu chỉ đạo Đại hội, đồng chí Trần Quốc Vượng cơ bản đồng ý với phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ tới đã nêu trong Báo cáo Chính trị trình Đại hội, đồng thời, nhấn mạnh nhiệm kỳ tới trên cơ sở dự báo tình hình và thực tiễn phát triển của đất nước, của địa phương, Đại hội cần bám sát các quan điểm, định hướng lớn của Trung ương để quyết định chủ trương, quan điểm, định hướng phát triển của Tuyên Quang trong 5 năm, 10 năm tới.
Đồng chí Trần Quốc Vượng nêu rõ Tuyên Quang vùng đất giàu truyền thống cách mạng, văn hóa các dân tộc đặc sắc, có vị trí chiến lược quan trọng của đất nước; nơi những năm đầu cách mạng đã được Trung ương Đảng, Bác Hồ chọn làm Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến, căn cứ địa quan trọng của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận và các cơ quan Trung ương… Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang cần nhận thức sâu sắc về miền quê cách mạng có lịch sử vẻ vang ấy, đó cũng là lợi thế, tiềm năng, sức mạnh của tỉnh trên con đường phát triển.
Tại đại hội này, các đại biểu cần phân tích, làm rõ những kết quả đạt được, những thuận lợi, khó khăn riêng có của tỉnh để quyết định phương hướng phát triển, nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, phát huy tốt nhất, hiệu quả nhất tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, phấn đấu vươn lên mạnh mẽ hơn, "đưa tỉnh Tuyên Quang phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc".
Theo đồng chí Trần Quốc Vượng, Tuyên Quang cần tiếp tục đổi mới, chủ động, tích cực hơn nữa, với các giải pháp đồng bộ, bước đi thích hợp, với phương châm phát triển kinh tế xanh, nhanh, bền vững, gắn với đảm bảo an sinh, ổn định trật tự, an toàn xã hội. Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị và công nghệ thông tin. Đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư, các công trình, dự án phát triển kết cấu hạ tầng. Chú trọng xây dựng hạ tầng giao thông kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai và các công trình giao thông trọng điểm. Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa.
Với lợi thế về đất đai, khí hậu thuận lợi, Tuyên Quang cần tiếp tục xác định phát triển nông nghiệp là nền tảng của quá trình phát triển đi lên của tỉnh. Tập trung phát triển toàn diện nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao, bảo vệ môi trường bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tiếp tục thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển một số ngành công nghiệp có tiềm năng, lợi thế, nhất là công nghiệp chế nông, lâm sản và khoáng sản, tạo hàng hóa có giá trị cao. Phấn đấu trở thành một trong những trung tâm chế biến nông, lâm sản của vùng trung du và miền núi phía bắc…
Là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch lịch sử - văn hóa, du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, do vậy, tỉnh cần quan tâm nhiều hơn cho phát triển lĩnh vực này trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Đặc biệt, phải quan tâm xây dựng, quản lý, phát huy vị thế của Khu du lịch quốc gia Tân Trào; chú ý kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản, tài nguyên thiên nhiên với các hoạt động du lịch…
Tuyên Quang có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh, có 22 dân tộc anh em cùng sinh sống. Tỉnh cần coi trọng công tác tuyên truyền, vận động, khơi dậy truyền thống đoàn kết dân tộc, đoàn kết toàn dân. Tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật an toàn xã hội trên địa bàn; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc.
Tiếp tục quán triệt, nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vai trò, tầm quan trọng, nhiệm vụ hàng đầu, then chốt của công tác xây dựng Đảng. Kiên trì thực hiện nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh gắn với học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Thực hiện nghiêm nguyên tắc sinh hoạt Đảng, thường xuyên tự phê bình và phê bình. Tiếp tục thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền; giũ vững và phát triển sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân.
Ảnh: Báo Tuyên Quang |
Đồng chí Trần Quốc Vượng nhấn mạnh với truyền thống cách mạng kiên cường, niềm tự hào là quê hương cách mạng, với thành tựu đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tin tưởng rằng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang phát huy lợi thế, khắc phục khó khăn, thử thách; không ngừng phấn đấu, vươn lên, hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, xứng đáng với vị thế, tầm vóc của vùng đất cách mạng, Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến./.