![]() |
Cây thuốc lá giúp nhiều hộ dân ở huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn, thoát nghèo, làm giàu - Ảnh: langson.gov.vn |
Thoát nghèo nhờ cây thuốc lá
Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam cho biết vùng nguyên liệu của doanh nghiệp này hầu hết đặt là các tỉnh miền núi, địa hình hiểm trở, giao thông đi lại rất khó khăn, trình độ dân trí thấp, còn nhiều phong tục tập quán lạc hậu và nằm trong số các tỉnh khó khăn nhất của cả nước như: Cao Bằng, Lạng Sơn, Gia Lai, Ninh Thuận...
Với đặc điểm của cây thuốc lá là cây trồng ngắn ngày, từ khi trồng đến khi cho thu hoạch khoảng 3 - 4 tháng, được trồng luân canh nên không ảnh hưởng đến cây trồng khác và mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc nâng cao đời sống cho người lao động.
Một ha thuốc lá có thể giải quyết việc làm cho 500 công lao động trong một vụ với thu nhập bình quân 80-100 triệu/ha, trong đó, lợi nhuận bình quân là khoảng 30 triệu đồng/ha. Sản phẩm được Tổng công ty bao tiêu, thu mua tại chỗ. Chính vì vậy, đối với những vùng sâu, vùng xa cây thuốc lá được đánh giá là cây xoá đói giảm nghèo đối với những hộ nghèo và là cây để làm giàu đối với những hộ nông dân tại các vùng chuyên canh thuốc lá.
Kỹ sư Nông Ngọc Tăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lạng Sơn, cho biết rất nhiều hộ nông dân ở Lạng Sơn đã thoát nghèo vươn lên làm giàu trên cánh đồng thuốc lá của mình.
Với điều kiện đất đai, khí hậu, thời tiết phù hợp cho việc trồng cây thuốc lá vàng sấy, cây thuốc lá được gieo trồng ở Lạng Sơn từ lâu, trong những năm gần đây diện tích trồng thuốc lá phát triển mạnh, tập trung ở một số huyện như Bắc Sơn, Hữu Lũng, Chi Lăng, Lộc Bình... với diện tích khoảng 5.000 ha.
Do có thể luân canh với cây lúa nước và các cây trồng khác nên cây thuốc lá góp phần hạn chế các loại sâu, bệnh hại cây trồng và nhờ các biện pháp canh tác hợp lý giúp cây tận dụng tối đa các chất dinh dưỡng; cây thuốc lá không kén đất, nhu cầu sử dụng nước vừa phải, phù hợp tận dụng hiệu quả đất đai tại các địa bàn miền núi của Lạng Sơn.
Trong 5 năm qua việc nghiên cứu chọn tạo các giống thuốc lá cho năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện canh tác của người trồng thuốc lá tỉnh Lạng Sơn đã làm tăng tổng sản lượng thuốc lá đáng kể, đồng thời chất lượng sản phẩm được cải thiện rõ rệt, từ đó, giá bán tăng làm tăng thu nhập trên một đơn vị trồng thuốc lá.
Ước tính, Lạng Sơn có trên 11.000 hộ dân trồng thuốc lá, với nguồn thu hàng năm từ 200-250 tỷ đồng. Cây thuốc lá giải quyết việc làm cho khoảng 20.000 lao động tham gia sản xuất, và 2.000 lao động tham gia phân loại, đóng kiện và vận chuyển thuốc lá.
Chú trọng tăng trưởng bền vững
Hiện Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam có 5 đơn vị tham gia vào công tác đầu tư trồng cây thuốc lá. Trong đó, tại khu vực phía Bắc có 2 đơn vị trực tiếp đầu tư tại các vùng: Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Bắc Giang, Thái Nguyên; tại khu vực phía Nam có 3 đơn vị trực tiếp đầu tư tại các vùng: Tây Ninh, Long An, An Giang, Gia Lai, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Hàng năm, diện tích đầu tư trồng thuốc lá của Tổng công ty hơn 15.000 ha với sản lượng thu hoạch hơn 30.000 tấn, chiếm trên 70% diện tích, sản lượng nguyên liệu thuốc lá hàng năm của cả nước.
Việc phát triển vùng trồng nguyên liệu thuốc lá trong nước ổn định, có năng suất cao, chất lượng tốt, dần thay thế được nguyên liệu nhập khẩu. Từ chỗ nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng được cho sản xuất sản phẩm thuốc lá thuốc lá cấp thấp nay đã đáp ứng được một phần cho sản xuất các mác thuốc lá tầm trung, cao cấp. Nguyên liệu thuốc lá trồng trong nước đã được các nhà máy sản xuất thuốc lá điếu đưa vào sử dụng với tỷ lệ lên đến 70%.
Đồng thời, mỗi năm Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 10.000 tấn nguyên liệu các loại và trên 1 tỷ bao thuốc lá.
Để phát triển bền vững các vùng nguyên liệu thuốc lá, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư cho công tác nghiên cứu, áp dụng những giống thuốc lá có năng suất, chất lượng ngày càng cao. Đồng thời, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng cho người dân tại các vùng nguyên liệu thuốc lá.
Ngọc Duyên