Ảnh minh họa |
Đây là một đề án quan trọng nhằm các mục tiêu: Đổi mới cơ bản và toàn diện hệ thống các trường đào tạo văn hóa nghệ thuật (VHNT), tạo sự đột phá và chuyển biến cơ bản về chất lượng và quy mô đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực VHNT phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, vì sự nghiệp bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Đề án cũng nhằm nâng cao năng lực các cơ sở đào tạo VHNT, phấn đấu đưa một số cơ sở đào tạo đạt trình độ tiên tiến của khu vực và tiếp cận với trình độ đào tạo trên thế giới, góp phần đưa sự nghiệp đào tạo VHNT từng bước hội nhập quốc tế.
Đề án hướng tới mục tiêu cụ thể là nhằm hoàn chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường VHNT đảm bảo sự hợp lý về quy mô đào tạo, cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo, phân bổ vùng, miền, tính đặc thù của chuyên ngành đào tạo, phù hợp với chủ trương xã hội hóa giáo dục và định hướng chiến lược của việc phát triển hệ thống giáo dục VN. Tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo VHNT từ trung ương tới địa phương, dần xóa bỏ khoảng cách về chất lượng đào tạo giữa các khu vực, phát huy tính năng động và hiệu quả của mạng lưới đào tạo trong nước đồng thời tăng cường liên kết với cơ sở đào tạo về VHNT ở nước ngoài.
Đổi mới và hoàn thiện các chương trình đào tạo VHNT trên nguyên tắc đảm bảo tính đặc thù, hài hòa giữa lý luận với thực tiễn, giữa lý thuyết với thực hành. Bảo đảm sự liên thông giữa các chương trình trong toàn hệ thống; Tăng cường cơ sở vật chất của các cơ sở đào tạo đảm bảo hiện đại, đủ điều kiện giảng dạy và học tập trong môi trường đào tạo chuẩn, chất lượng cao và hội nhập quốc tế.
Hình thành mạng lưới 07 cơ sở đào tạo trọng điểm chất lượng cao; đến năm 2020 có 6 cơ sở đào tạo ngang tầm các trường tiên tiến trong khu vực (mỗi lĩnh vực có một cơ sở đào tạo: Văn hóa, Âm nhạc, Sân khấu - Điện ảnh, Mỹ thuật, Múa, Xiếc).
Bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách về đào tạo VHNT tăng cường sự phân cấp theo hướng phát huy quyền tự chủ và tự trách nhiệm của cơ sở đào tạo, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước và vai trò giám sát, đánh giá của xã hội đối với các cơ sở đào tạo trong cả nước.
Những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu:
Thứ nhất: cần đổi mới cơ cấu đào tạo và phát triển, hoàn thiện mạng lưới cơ sở đào tạo VHNT trên toàn quốc.
Điều chỉnh quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo VHNT trong Quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo VH-TT-DL giai đoạn 2011-2020; Rà soát, đánh giá thực trạng mạng lưới các cơ sở đào tạo hiện có để làm cơ sở xây dựng kề hoạch, định hướng phát triển, đầu tư bổ sung, kiện toàn trang thiết bị nghiên cứu và đào tạo, nâng cấp, hiện đại hóa, tăng cường năng lực cho cơ sở đào tạo VHNT hiện có trên toàn quốc.
Đầu tư xây dựng mới cơ sở nghiên cứu, đào tạo ở các vùng, miền trên cơ sở xác định nhu cầu phát triển VHNT, có sự cân đối theo vùng, miền; Đầu tư hình thành cơ sở đào tạo mới, nâng cấp các cơ sở đào tạo hiện có.
Nâng cao năng lực đào tạo của các cơ sở đào tạo không chuyên biệt về VHNT hiện có tham gia đào tạo VHNT; Tăng cường liên kết đào tạo, nghiên cứu giữa các cơ sở đào tạo trong nước với nước ngoài. Xây dựng các cơ chế, hình thức liên kết hoạt động phù hợp đối với đặc thù của các cơ sở đào tạo VHNT.
Tổ chức thông tin, tuyên truyền, quảng bá chất lượng về kết quả đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; trao đổi thông tin, nhân lực hợp tác liên kết trong khu vực; Hình thành các cơ sở đào tạo trọng điểm cho từng lĩnh vực đào tạo. Xây dựng hệ thống tiêu chí về các cơ sở đào tạo trọng điểm, chất lượng cao của ngành VHNT và nghiên cứu xác định các chính sách, cơ chế hỗ trợ của Nhà nước đối với các cơ sở đào tạo trọng điểm chất lượng cao.
Thứ hai: cần đổi mới phát triển chương trình, giáo trình và phương pháp đào tạo gắn với nhu cầu thực tiễn và từng bước tiếp cận các chuẩn mực quốc tế.
Cơ cấu lại khung chương trình, bảo đảm sự liên thông của các cấp học; Đổi mới nội dung đào tạo theo hướng gắn với thực tiễn, yêu cầu nghề nghiệp, xã hội, tiếp cận trình độ tiên tiến của thế giới.
Bổ sung chương trình đào tạo các chuyên ngành mới về nghệ thuật nhằm đáp ứng yêu cầu xã hội như: Đạo diễn chương trình ca nhạc, Chỉ đạo nghệ thuật, Chỉ huy biểu diễn Quản lý nghệ thuật, Sáng tác kịch hát dân tộc, Diễn viên biểu diễn thời trang, Diễn viên biểu diễn tạp kỹ, Diễn viên đóng thê, Kỹ thuật viên âm thanh ánh sáng…
Bổ sung giáo trình, tài liệu học tập, từng bước hoàn thiện hệ thống giáo trình đạt chuẩn về chất lượng, tiếp cận trình độ tiên tiến khu vực, quốc tế. Đẩy mạnh sự hợp tác trong biên soạn giáo trình, sử dụng các chương trình, giáo trình tiên tiến, tăng cường sự thu hút học sinh, sinh viên nước ngoài đến học tập, nghiên cứu tại Việt Nam.
Ban hành các tài liệu hướng dẫn, đổi mới việc xây dựng chương trình, giáo trình, nội dung đào tạo; xuất bản hoặc dịch một số sách chuyên môn của nước ngoài về VHNT.
Bổ sung kiến thức, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn và phương pháp sư phạm tiên tiến cho đội ngũ giáo viên, giảng viên. Xây dựng đội ngũ giáo viên, giảng viên có trình độ cao.
Đổi mới nội dung giảng dạy và phương pháp giáo dục về văn hóa truyền thống, phát huy thế mạnh của từng vùng, từng địa phương.
Đối với phương pháp tuyển sinh, phát triển chương trình, giáo trình, đánh giá kết quả tốt nghiệp trong công tác đào tạo VHNT, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
Tăng cường và cải tiến công tác kiểm tra, thanh tra đào tạo, tổ chức các hoạt động kiểm định chương trình nội dung, phương pháp giảng dạy, đánh giá kết quả và các hoạt động thanh tra giáo dục đào tạo.
Thứ ba: Cần đổi mới, mở rộng phương thức đào tạo để tranh thủ mọi nguồn lực và huy động toàn xã hội tập trung cho công tác đào tạo VHNT.
Thực hiện liên kết đào tạo giữa các trường trong và ngoài nước, đào tạo theo địa chỉ, mở các lớp đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giảng viên ngành VHNT; Mở rộng các hình thức đào tạo theo hướng xã hội hóa.
Xây dựng và triển khai Đề án xã hội hóa trong cơ sở giáo dục Đại học công lập theo Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ quy định về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnhvực giáo dục, dạy nghề, y tế, thể thao môi trường về đấy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và TDTT .
Thứ tư: Đổi mới công tác quy hoạch, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, giáo viên và cán bộ quản lý nhằm xây dựng và phát triển đôi ngũ giảng viên, giáo viên có trình độ, kỹ năng và phẩm chất tốt, đáp ứng yêu cầu cấp bách trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước.
Rà soát đội ngũ cán bộ, giảng viên, giáo viên về số lượng, trình độ và cơ cấu đội ngũ phân bổ theo từng chuyên ngành; Xây dựng kế hoạch dài hạn và ngắn hạn cử cán bộ giảng viên đi đào tạo nâng cao trình độ ở trong nước và nước ngoài; Tổ chức các đoàn đi nghiên cứu, khảo sát thực tế học tập kinh nghiệm ở nước ngoài; Tăng cường mở các lớp tập huấn bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, lý luận chính trị và ngoại ngữ; Tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi khối ngành VHNT; Xây dựng và hoàn chỉnh tiêu chuẩn giáo viên, giảng viên các cấp đào tạo.
Có chế tài xử lý đối với các cơ sở đào tạo không đảm bảo đủ đội ngũ giảng viên theo quy định. Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật và đôi mới phương pháp, nội dung, chương trình đào tạo giáo viên, giảng viên theo các chuẩn mới.
Xây dựng, chỉnh sửa và từng bước hoàn thiện hệ thống các quy định về chế độ, chính sách đặc thù đối với giáo viên, giảng viên VHNT; Xây dựng chính sách khuyến khích nhân tài (nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, chuyên gia) tham gia công tác đào tạo, huấn luyện ở các cơ sở đào tạo.
Thứ năm: Chủ động mở rộng hợp tác quốc tế trong đào tạo để thu hút nguồn lực tài chính và chuyển giao công nghệ, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
Xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể để thu hút, mời chuyên gia, giảng viên là người nước ngoài và người Việt Nam ở ngoài nước tham gia đào tạo các trường VHNT.
Mở rộng việc liên kết đào tạo với các trường VHNT tiên tiến ở nước ngoài chú trọng việc liên kết đào tạo một số ngành xã hội đang cần nhưng trong nước chưa có khả năng đào tạo.
Phối hợp với các cơ sở đào tạo có uy tín ở nước ngoài trao đổi đào tạo, bồi dương giáo viên, giảng viên; Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các công nghệ đào tạo tiên tiến của nước ngoài vào Việt Nam.
Thứ sáu: Đổi mới quản lý các cơ sở đào tạo VHNT; Tăng cường phân cấp nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục VHNT; Đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra, tổng kết đánh giá chất lượng đào tạo.
Tăng cường sự phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, Ngành liên quan làm tôi công tác quản lý nhà nước đề xuất, nghiên cứu, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới đào tạo nguồn nhân lực VHNT.
Triển khai các chương trình đào tạo và bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý và công chức, viên chức theo định kỳ; Đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật; Xây dựng nâng cấp các trường, tăng cường trang bị các thiết bị kỹ thuật chuyên ngành…
Theo sự phân công của Chính phủ nhằm thực hiện Đề án thì Bộ VH-TT-DL sẽ là cơ quan chủ trì Đề án có trách nhiệm cụ thể hóa các nội dung Đề án để chỉ đạo triển khai thực hiện từ năm 2011, phối hợp với các Bộ, ngành, đơn vị liên quan (như Bộ Tài chính, Bộ GD-ĐT, Bộ Kế hoạch-Đầu tư…) cùng với các tổ chức chính trị xã hội, UBND các tỉnh, thành phố xây dựng chiến lược, quy hoạch,kế hoạch về đào tạo VHNT nhằm thực hiện tốt Đề án.
L.S