In bài viết

Phê duyệt Kế hoạch quốc gia thực hiện Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy

(Website Chính phủ) - Ngày 10/8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định 184/2006/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch quốc gia thực hiện Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy với nguyên tắc lấy phòng ngừa là chính, coi chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy là hiểm họa trước mắt và lâu dài.

11/08/2006 18:10

Ảnh minh họa

Quyết định nêu rõ, một trong những mục tiêu cơ bản của Kế hoạch quốc gia thực hiện Công ước Stockholm là kiểm soát, xử lý và tiêu hủy hoàn toàn các kho thuốc bảo vệ thực vật là các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy - những hóa chất rất độc hại đã bị loại bỏ, còn tồn lưu vào năm 2010; xử lý triệt để các khu vực ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật là các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và Dioxins từ chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam; giảm thiểu lượng phát thải PCB (hóa chất Polychlorinated Biphenyls) vào môi trường; loại bỏ việc sử dụng PCB trong các thiết bị, máy móc vào năm 2020 và tiêu hủy an toàn PCB vào 2028; giảm thiểu liên tục lượng phát thải các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy hình thành không chủ định (hóa chất Dioxins và Furans).

Nguyên tắc chỉ đạo thực hiện Kế hoạch trên là lấy phòng ngừa là chính, coi các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy là hiểm họa trước mắt và lâu dài; việc quản lý an toàn, giảm thiểu và loại bỏ các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và triệt để; việc thực hiện Kế hoạch phải bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ, toàn diện và có sự liên kết tham gia của các cấp, các ngành, cộng đồng và mọi người dân; lấy khoa học, công nghệ làm nền tảng; phát huy nội lực kết hợp với sử dụng kinh nghiệm và sự giúp đỡ của quốc tế;...

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh công tác điều tra, nghiên cứu và áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại trong quản lý an toàn, giảm thiểu, tiêu hủy và loại bỏ các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy. Trong đó, xây dựng và thực hiện chương trình quốc gia, ngành về quản lý an toàn hóa chất và thay thế dầu chứa PCB, các thiết bị và sản phẩm công nghiệp chứa PCB, trong đó tập trung vào ngành điện.

Bộ Tài nguyên và Môi trường với tư cách là cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Công ước Stockholm có trách nhiệm chủ trì, tổ chức thực hiện Kế hoạch; đôn đốc, kiểm tra các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc thực hiện các nhiệm vụ đã được phân công; tổng hợp số liệu, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch lên Thủ tướng Chính phủ và Ban Thư ký Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy.

Thùy Dương
(Nguồn: Quyết định 184/2006/QĐ-TTg)