In bài viết

Phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng Đại học Đà Nẵng

(Chinhphu.vn) - Nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng Đại học Đà Nẵng, tỷ lệ 1/2000 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với quy mô khoảng 286,5 ha, gồm 96,5 ha thuộc phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng và 190 ha thuộc phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

01/03/2019 19:11
Nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng Đại học Đà Nẵng, tỷ lệ 1/2000 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với quy mô khoảng 286,5 ha.
Đây là khu chức năng đặc thù, là trung tâm giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học đa ngành, đa lĩnh vực cấp quốc gia và quốc tế.
Về quy mô đào tạo và các khu chức năng, Quyết định nêu rõ, tổng quy mô phục vụ đến năm 2035 là 66.000 người gồm 60.000 sinh viên và khoảng 6.000 giảng viên, cán bộ.
Các chức năng cơ bản gồm: Khu trung tâm (trung tâm điều hành khu đại học, công trình dịch vụ công cộng và một số tiện ích chung); Khu học tập và các cơ sở nghiên cứu thuộc Đại học Đà Nẵng dự kiến bố trí cho 11 trường đã được xác định tại Chiến lược phát triển Đại học Đà Nẵng; Khu thể dục thể thao và giáo dục quốc phòng; Khu nghiên cứu - phát triển - ươm tạo; Khu quảng trường, công viên cây xanh; Khu ký túc xá sinh viên gồm nhà ở và các công trình phục vụ sinh hoạt; Khu nhà ở công vụ; Đất giao thông, đầu mối hạ tầng kỹ thuật của toàn khu; tại các khu chức năng còn bố trí quỹ đất cho giao thông nội bộ, sân bãi của từng dự án; bố trí quỹ đất thương mại dịch vụ (để huy động vốn đầu tư)…
Quyết định cũng nêu rõ, quy hoạch Đại học Đà Nẵng theo hướng đô thị thông minh, đô thị xanh, sử dụng năng lượng tái tạo phù hợp xu hướng công nghệ 4.0. Tổ chức không gian quy hoạch kiến trúc trên cơ sở lấy sinh viên làm trung tâm, tạo thuận lợi và tiện nghi cho sinh viên; tạo môi trường giáo dục nhân cách, kỹ năng sống cho sinh viên; quản lý vận hành thuận lợi, an toàn.
Phân khu chức năng, tổ chức không gian, quy hoạch cơ sở hạ tầng kỹ thuật đảm bảo sự đa dạng, sự hài hoà giữa khu vực đã đầu tư xây dựng và khu vực phát triển mới trong một tổng thể thống nhất, kết nối liên tục bên trong và bên ngoài khu đại học.
Các phương án bố trí khu học tập và cơ sở nghiên cứu theo hướng mở, đảm bảo việc sử dụng cơ sở vật chất một cách hiệu quả và có thể sử dụng chung lẫn nhau giữa các trường. Tổ chức không gian cây xanh, mặt nước và quảng trường tạo hình ảnh đặc trưng cho từng khu vực.

Thanh Quang