In bài viết

Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô

(Chinhphu.vn) - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

25/07/2014 15:44

 

Ảnh minh họa

Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch là phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trở thành ngành công nghiệp quan trọng của đất nước, đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường nội địa về các loại xe tải, xe khách thông dụng và một số loại xe chuyên dùng; phấn đấu trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng và một số cụm chi tiết có giá trị cao trong chuỗi sản xuất công nghiệp ô tô thế giới, góp phần vào tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác.

Chú trọng phát triển dòng xe tải nhỏ đa dụng

Về định hướng phát triển, đối với xe tải và xe khách từ 10 chỗ trở lên, chú trọng phát triển dòng xe tải nhỏ đa dụng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn; chú trọng phát triển các loại xe khách tầm trung và tầm ngắn chạy liên tỉnh, huyện, nội đô... phù hợp với điều kiện địa hình, hạ tầng giao thông trong nước với giá thành hợp lý, an toàn và tiện dụng; tập trung đầu tư cải tiến, nâng cấp công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện hệ thống dịch vụ bán hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng phần lớn nhu cầu trong nước, từng bước tham gia xuất khẩu.

Đối với xe đến 9 chỗ, tập trung định hướng tiêu dùng vào dòng xe cá nhân kích thước nhỏ, tiêu thụ ít năng lượng, phù hợp với mức thu nhập dân cư và khả năng đáp ứng của hạ tầng giao thông; xác định rõ đối tác chiến lược, khuyến khích đầu tư các dự án đủ lớn để tạo dựng thị trường cho công nghiệp hỗ trợ. Khuyến khích sản xuất dòng xe thân thiện môi trường (xe tiết kiệm nhiên liệu, xe hybrid, xe sử dụng nhiên liệu sinh học, xe chạy điện...).

Đối với xe chuyên dùng, lựa chọn sản xuất, lắp ráp một số chủng loại xe có nhu cầu cao cho thị trường trong nước (xe chở bê tông, xe xitec, xe đặc chủng phục vụ an ninh, quốc phòng...); khuyến khích sản xuất xe nông dụng nhỏ đa chức năng (kết hợp vận tải hàng hoá với một hay nhiều tính năng như làm đất, bơm nước, phát điện, phun thuốc sâu...) để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng ở nông thôn và miền núi.

Hình thành một số trung tâm/cụm liên kết công nghiệp ô tô tập trung

Đối với công nghiệp hỗ trợ, tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước với các hãng ô tô lớn trong sản xuất, chế tạo phụ tùng, linh kiện cho lắp ráp xe thành phẩm, tiến tới sản xuất phục vụ xuất khẩu. Trong đó, ưu tiên tham gia chế tạo các chi tiết, linh kiện quan trọng như bộ truyền động, hộp số, động cơ, thân vỏ xe...; hình thành một số trung tâm/cụm liên kết công nghiệp ô tô tập trung trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại sản xuất. Đẩy mạnh hợp tác - liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, các cơ sở nghiên cứu phát triển và các cơ sở đào tạo thuộc mọi thành phần kinh tế để nâng cao hiệu quả đầu tư và tăng cường khả năng chuyên môn hoá.

Bên cạnh đó, sẽ phát triển mở rộng các khu công nghiệp cơ khí và ô tô tại 3 vùng kinh tế trọng điểm: Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với quy mô 200 - 1.000 ha, ưu tiên cho các dự án sản xuất có quy mô lớn và công nghiệp hỗ trợ cho ngành sản xuất ô tô; xây dựng danh mục các dự án ưu tiên kêu gọi, thu hút đầu tư. Đặc biệt là các dự án khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực sản xuất ô tô thân thiện với môi trường (xe tiết kiệm nhiên liệu, xe chạy bằng năng lượng điện, xe hybrid, xe sử dụng nhiên liệu sinh học...).

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 với mục tiêu đến 2035, số xe sản xuất lắp ráp trong nước chiếm khoảng 78% so với nhu cầu nội địa, bên cạnh đó, tổng lượng xe xuất khẩu đạt khoảng 90.000 chiếc...

Hoàng Diên