Hình ảnh trong phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh"-một trong những bộ phim ăn khách |
Hiện nay, hệ thống rạp chiếu phim của các liên doanh với nước ngoài đã chiếm đa số thị trường chiếu phim Việt, với 46 rạp và 269 phòng chiếu. Trong đó, riêng CJ CGV của Hàn Quốc có vị thế áp đảo với 30 rạp và 196 phòng chiếu, Lotte cũng của Hàn Quốc có 16 rạp và 73 phòng chiếu.
Từ đó nảy sinh ra câu chuyện phim Việt bị chèn ép trên sân nhà. Mới đây, bộ phim “12 chòm sao - Vẽ đường cho yêu chạy” - một phim của đạo diễn trẻ Vũ Ngọc Phượng được giới phê bình phim đánh giá cao nhưng lại bị từ chối chiếu trong hệ thống CGV. Gần đây nhất, CGV bị 8 nhà sản xuất và phát hành phim Việt Nam tố ăn chia phòng vé không sòng phẳng.
Về câu chuyện này, đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến cho rằng có hai vấn đề cần nhắc tới. Thứ nhất, khi chúng ta mở cửa để hội nhập thì phải xác định sẽ không chỉ có kinh tế mà còn văn hóa, giáo dục, khoa học... sẽ phải tuân thủ đúng luật chơi của thế giới. Việc doanh nghiệp nước ngòai đầu tư vào hệ thống các rạp chiếu phim là điều dễ hiểu. Vấn đề ở đây phải là quản lý ra sao để cho thị phần phim Việt vẫn có chỗ đứng và cạnh tranh.
Từ góc độ một người làm luật, đại biểu Lê Như Tiến khẳng định việc chiếu phim Việt tại các hệ thống rạp nước ngoài cũng có những ràng buộc pháp lý. Theo quy định của Luật Điện ảnh thì các rạp chiếu phim không được chiếu 100% phim nước ngoài, ít ra phải 20% là chiếu phim Việt Nam. Nhưng thực tế đang có những vấn đề như báo chí phản ánh.
“Tôi thấy, câu chuyện rạp chiếu phim đang giống hệt như câu chuyện hàng Việt đi vào siêu thị. Đây quả thật là một bài toán khó. Tôi đang lo, nếu không cẩn thận thì chúng ta sẽ thụ động, thua ngay trên sân nhà”, đại biểu nói.
Theo đại biểu, phim Việt vào được các rạp có đầu tư nước ngoài đã khó, chưa kể vào được rồi thì suất chiếu ít, vào khung giờ ít người xem, rất khó có doanh thu cao.
Do đó, đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến cho rằng nếu Luật Cạnh tranh, Luật Đầu tư cũng như các luật liên quan còn bất cập thì phải tổng hợp lại, sau đó sửa và trình lên Quốc hội nhiệm kỳ tới để chỉnh sửa. Mục tiêu đặt ra là trong các lĩnh vực có yếu tố đầu tư nước ngoài không được chèn ép doanh nghiệp Việt cũng như nhà sản xuất phim Việt, hạn chế cạnh tranh không lành mạnh. Có vậy, mới tạo được động lực phát triển cho các doanh nghiệp Việt, nhà sản xuất phim Việt, đồng thời các doanh nghiệp, nhà sản xuất không bị o ép bởi các nhà phân phối khổng lồ của các nước đầu tư ở Việt Nam.
Cần “tiếp lửa” cho tư nhân
Tuy nhiên, vấn đề thứ hai được đại biểu Lê Như Tiến nhấn mạnh là phải làm sao đầu tư để cho hàng hóa, phim ảnh, sản phẩm tiêu dùng cũng như sản phẩm văn hóa của Việt Nam có chất lượng cao để cạnh tranh được trên thị trường, không những thắng trên sân nhà phải hướng tới xuất khẩu sang các nước.
“Đây mới là điều quan trọng nhất, là giải pháp căn cốt cho các vấn đề đặt ra hiện nay. Chừng nào phim Việt còn chưa so kịp với các nước trên thế giới và khu vực thì chúng ta vẫn khó có thể cạnh tranh”, ông khẳng định.
Để làm được điều này, đại biểu Lê Như Tiến ủng hộ quan điểm đẩy mạnh xã hội hóa nhiều lĩnh vực như thể dục thể thao, giáo dục, y tế... Rõ ràng phải xã hội hóa vì nguồn lực nhà nước không đủ để đầu tư cho các lĩnh vực, trong đó có điện ảnh.
Ông cho rằng cần việc các hãng phim tư nhân đầu tư, tự bỏ tiền sản xuất phim là điều rất tốt, thậm chí phải khuyến khích. Chúng ta phải có chính sách với các nhà làm phim Việt, thậm chí phải đầu tư, có đặt hàng với họ, nếu không có chính sách với các nhà sản xuất phim tư nhân, thì sẽ không ai giúp cho thị trường phim Việt phát triển. Khi đó các phim nước ngoài sẽ lấn lướt, chúng ta sẽ ngày càng thụ động, từ sản xuất phim cho đến phát hành.
Tuy nhiên, cũng phải đặt ngược lại vấn đề, chất lượng nội dung, hàm lượng văn hóa của bộ phim ra sao. Tại sao hiện nay chúng ta chỉ nhập phim mà không hướng tới việc sản xuất và đưa ra thị trường nước ngoài? Chúng ta vẫn có những bộ phim tham gia Oscar, nhưng lại không có chính sách hỗ trợ nhà sản xuất thì mãi mãi chìm trong bóng tối. Vì thế, phải kêu gọi các nhà đầu tư bỏ vốn, còn nhà nước thì hỗ trợ về cơ chế, chính sách quản lý, tiếp lửa cho các nhà sản xuất phim tư nhân, để họ tồn tại, thậm chí vươn ra các thị trường khác.
Một vấn đề khác cần cân nhắc là Nhà nước nên có chính sách với nền điện ảnh nội địa, hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu phim nước ngoài, phát triển phim trong nước; yêu cầu các đơn vị nhập khẩu phim đóng góp thuế, bù lại để phát triển điện ảnh trong nước; tìm cách tăng tỷ lệ rạp chiếu trong nước.
Thu Hà