In bài viết

Phó Thủ tướng chủ trì Hội nghị tổng kết Nghị định 67

(Chinhphu.vn) - Sáng 1/8 tại trụ sở Bộ NN&PTNT, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản.

01/08/2017 09:26

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng dự Hội nghị có đồng chí Cao Đức Phát - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương, các đồng chí lãnh đạo Bộ NN&PTNT, đại diện UBND, Sở NN&PTNT các tỉnh, thành ven biển.

Chính sách đồng bộ phát triển kinh tế biển

Phát triển kinh tế biển nói chung, ngành thủy sản nói riêng là một chủ trương, đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước từ trước đến nay.

Hội nghị lần thứ 4, Khóa X đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/2/2007 về Chiến lược biển, trong đó khẳng định “phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, đảm bảo vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh, phấn đấu đến năm 2020 kinh tế biển đóng góp 55% GDP của cả nước”.

Nghị quyết 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ VII, Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Ban Chấp hành Trung ương tiếp tục xác định kinh tế nông nghiệp, nông thôn là trọng tâm, trong đó nhấn mạnh lĩnh vực thủy sản.

Đặc biệt Kết luận số 97-KL/TW ngày 15/5/2014 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW nêu trên tiếp tục khẳng định phát triển thủy sản là “nuôi trồng và khai thác thủy sản trên các vùng biển xa, gắn với bảo vệ an ninh quốc phòng; phát triển nhanh lực lượng khai thác xa bờ theo hướng đầu tư trang thiết bị phương tiện, công nghệ hiện đại, phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá, khu neo đậu tránh trú bão theo quy hoạch…”.

Để thực hiện chủ trương này, ngày 7/7/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản. Nội dung Nghị định đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của ngư dân. Nghị định tập trung vào việc khuyến khích đánh bắt xa bờ, hỗ trợ, tạo điều kiện cho bà con ngư dân đóng tàu vỏ thép, vật liệu mới, công suất lớn, qua đó đẩy mạnh tổ chức lại sản xuất, ứng dụng mô hình sản xuất hiện đại, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho bà con, góp phần trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ biển đảo.

Sau khi Nghị định 67/2014/NĐ-CP được ban hành, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các địa phương và các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã quyết liệt, khẩn trương triển khai thực hiện.

Đến nay, Chính phủ đã ban hành 2 nghị định, 1 quyết định, 1 nghị quyết để sửa đổi, bổ sung Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Các Bộ NN&PTNT, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều thông tư, quyết định, các văn bản hướng dẫn để triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP.

Các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo, tổ giúp việc; tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định, nội dung của Nghị định đến với ngư dân; tổ chức kiểm tra, đánh giá và ban hành quyết định công nhận các cơ sở đóng mới, nâng cấp sửa chữa tàu cá đủ điều kiện và báo cáo Bộ NN&PTNT tổng hợp thông báo trên toàn quốc cho ngư dân biết và lựa chọn cơ sở đóng tàu...

Hỗ trợ ngư dân đóng mới hàng nghìn tàu

Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là sự hưởng ứng, tham gia tích cực của người dân, việc triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP trong 3 năm qua đã thu được nhiều kết quả rất quan trọng.

Về chính sách đầu tư, theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tuy chưa đáp ứng yêu cầu nhưng Ngân sách Nhà nước (NSNN) bước đầu đã duy trì ưu tiên bố trí vốn đầu tư các chương trình hỗ trợ có mục tiêu thuộc lĩnh vực thuỷ sản gồm khu neo đậu tránh trú bão cho tàu; đầu tư phát triển hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản; chương trình phát triển giống thủy sản.

Năm 2015, NSNN đã bố trí 1.501 tỷ đồng, tăng 30,5% so với năm 2014 (1.150 tỷ). Trong đó, nguồn vốn đầu tư qua Bộ NN&PTNT quản lý là 160 tỷ (năm 2014 là 90 tỷ) tăng 78%; nguồn vốn chương trình hỗ trợ có mục tiêu thuộc lĩnh vực thủy sản gồm đầu tư các dự án khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá là 480 tỷ đồng (năm 2014: 383 tỷ đồng), tăng 25%; dự án đầu tư phát triển hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản bố trí 640,5 tỷ đồng (năm 2014 là 590 tỷ đồng), tăng 8%. Đầu tư cho chương trình giống thủy sản là 220,2 tỷ đồng (năm 2014 là 115,2 tỷ đồng), tăng 91%. 

Tuy NSNN đã ưu tiên bố trí để triển khai thực hiện các mục tiêu của Nghị định 67, nhưng nguồn lực lớn hơn để hỗ trợ ngư dân chính là vốn tín dụng, với sự tham gia rất tích cực của hệ thống ngân hàng.

Tính đến ngày 30/6/2017, các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 993 tàu (593 tàu vỏ gỗ, 333 tàu vỏ thép và 67 tàu vỏ vật liệu mới), chiếm 92% tổng số hồ sơ đề nghị vay vốn của chủ tàu. Tổng số tiền cam kết cho vay là 9.814 tỷ đồng; giải ngân cho vay theo tiến độ đóng mới, nâng cấp tàu đạt 8.928 tỷ đồng, dư nợ đạt 8.762 tỷ đồng, tăng 14% so với 31/12/2016.

Với nguồn vốn này, tính đến 31/7/2017 đã có 761 tàu cá đóng mới đi vào hoạt động, trong đó có 301 tàu vỏ thép, 53 tàu composite, 407 tàu vỏ gỗ đóng mới và 105 tàu cá nâng cấp đi vào hoạt động sản xuất.

Theo báo cáo của các địa phương có 27/28 tỉnh, thành phố ven biển đã phê duyệt danh sách các chủ tàu đủ điều kiện vay vốn để đóng mới, nâng cấp cho 1.948/2.284 tàu, trong đó đóng mới 1.510, đạt 66,11 % (tàu vỏ thép và vật liệu mới là 768 tàu, chiếm 51%; tàu vỏ gỗ là 742 tàu, chiếm 49%). Số tàu cá phân theo nhóm nghề: tàu làm nghề câu 85 chiếc, nghề lưới rê 420 chiếc; nghề lưới vây 427 chiếc; nghề lưới chụp 341 chiếc và tàu dịch vụ hậu cần là 237 chiếc; số tàu nâng cấp 438 tàu.

Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại đã thực hiện giải ngân hồ sơ vay vốn lưu động cho 267 lượt khách hàng.

Một chính sách hỗ trợ rất quan trọng nữa để ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển là bảo hiểm cho thân tàu, ngư lưới cụ.

Năm 2015, tổng giá trị bảo hiểm là 25.169 tỷ đồng; tổng số tàu tham gia bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ là 10.602 tàu cá; tổng số lượng thuyền viên được bảo hiểm là 102.784 thuyền viên; tổng số phí bảo hiểm là 261,9 tỷ đồng.

Con số này tiếp tục tăng lên trong năm 2016. Tổng giá trị bảo hiểm là 39.722 tỷ đồng; tổng số tàu tham gia bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ là 12.579 tàu cá; tổng số lượng thuyền viên được hưởng bảo hiểm là 128.291 thuyền viên; tổng số phí bảo hiểm là 400 tỷ đồng.

Cùng với các chính sách hỗ trợ tín dụng, thực hiện Nghị định 67, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều chính sách khác như chính sách hỗ trợ đào tạo hướng dẫn thuyền viên; chính sách hỗ trợ vận chuyển hàng hóa...

Các địa phương đã xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí và tổ chức đào tạo, hướng dẫn thuyền viên tàu cá vận hành tàu vỏ thép, tàu vỏ vật liệu mới. Đến nay đã hướng dẫn kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới cho 2.347 thuyền viên với kinh phí là 9.409 triệu đồng.

Các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên –Huế, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu đã thẩm định, phê duyệt hỗ trợ 3.740 chuyến biển với số tiền là 155,540 tỷ đồng cho các tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên; tính đến năm 2016 số tổ, đội tàu cá là 4.526 (trong đó, số tàu dịch vụ hậu cần tham gia tổ, đội là 258 tàu).

Xuân Tuyến