Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định phải tìm mọi cách tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các nhà khoa học Ảnh: VGP/Đình Nam |
Đây là nhận xét của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khi dự cuộc đối thoại của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh với các nhà khoa học, sáng 11/4, nhằm nhận diện, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đăng ký, nghiên cứu, nghiệm thu các đề tài, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học.
Theo báo cáo của Bộ KH&CN, mặc dù đầu tư ngân sách Nhà nước cho lĩnh vực này đã được ưu tiên nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu phát triển, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo. Việc đầu tư cho các tổ chức KHCN còn dàn trải, chưa thực sự chú trọng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào một số ngành, lĩnh vực lợi thế của Việt Nam để hình thành một số tổ chức KHCN mạnh đạt trình độ khu vực và quốc tế.
Thời gian qua, Bộ KH&CN đã thực hiện sửa đổi, ban hành nhiều thông tư hướng dẫn nhằm mục tiêu “sử dụng hiệu quả nguồn lực còn hạn chế như hiện nay, tạo điều kiện cho các nhà khoa học đỡ vất vả”. Tuy nhiên, cơ chế tài chính và các quy trình, thủ tục thực hiện hồ sơ nghiên cứu là nhóm vấn đề được các nhà khoa học kiến nghị nhiều nhất với không ít bức xúc.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các nhà khoa học, nhất là những người trực tiếp triển khai các đề tài, chương trình, dự án, thẳng thắn trao đổi về các vướng mắc trong quá trình thực hiện, hướng giải quyết bằng cách sửa thông tư, nghị định hay luật, rất cụ thể.
Hai thông tư liên quan đến thực hiện các nhiệm vụ khoa học được “điểm danh” nhiều nhất trong cuộc đối thoại là Thông tư liên tịch 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN về định mức xây dựng phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước; Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BTC-BKHCN quy định về khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học-công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước.
Nhiều nhà khoa học bày tỏ đồng tình với nhận định của GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng Thông tư 55 có ý tưởng, cách tiếp cận rất tốt nhưng triển khai trong thực tế rất khó vì các cơ quan quản lý áp dụng cứng nhắc, máy móc.
“Ngay Viện chúng tôi vừa qua đã phải nhận lại 1 đề tài sau 2 năm giao cho một nhà khoa học nhưng không triển khai được vì vướng Thông tư 55”, GS.TS Nguyễn Quang Thuấn cho biết.
PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng việc áp dụng các quy định cứng nhắc, máy móc sẽ công chức hoá nhà khoa học, hành chính hoá tổ chức KHCN. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, GS.TS Nguyễn Đình Công cho biết thêm các nhà khoa học vẫn đang phải "vật lộn" với các quy trình, thủ tục thực hiện hồ sơ dẫn đến nguy cơ hành chính hoá nghiên cứu khoa học. Nhiều quy định chưa rõ ràng, thậm chí có những cách hiểu khác nhau trên cùng một văn bản.
Ông Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh thành và một số nhà khoa học bày tỏ bức xúc khi một số định mức kỹ thuật, ngày công lao động không được điều chỉnh từ nhiều năm nay. Đơn cử như ngày công lao động địa phương được thuê để thực hiện một dự án khảo cổ là 300.000 đồng/người/ngày nhưng định mức quy định chỉ là 100.000 đồng/ngày từ 10 năm nay; chi phí công lao động của nhà khoa học cũng trong tình trạng tương tự.
PGS.TS Trần Đình Thiên nhận xét: “Việc áp dụng định mức kinh tế kỹ thuật cứng nhắc là ứng xử với các nhà khoa học như những viên chức nhà nước suốt ngày ký hoá đơn, lập dự toán”.
Bộ trưởng Bộ KH&CN cam kết với các nhà khoa học
Theo đề nghị của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã trao đổi trực tiếp về từng vấn đề được các nhà khoa học nêu lên. Bộ trưởng khẳng định thời gian qua Bộ đã thực hiện đơn giản hoá, cắt giảm nhiều thủ tục trong quá trình phê duyệt đề tài nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, nhiều vướng mắc về cơ chế tài chính cần tiếp tục được giải quyết trong thời gian tới.
Cụ thể Bộ sẽ đẩy mạnh thực hiện tự chủ trong tổ chức KHCN để áp dụng thông thoáng việc tính chi phí nghiên cứu chủ yếu theo tiền công và chức danh nghiên cứu; sửa các yêu cầu, quy trình nghiệm thu đề tài, thủ tục thanh quyết toán bảo đảm phù hợp, đơn giản hóa thủ tục hành chính và đúng quy định của các luật liên quan; hướng dẫn áp dụng thống nhất…
Không chỉ vất vả với các thủ tục hồ sơ nghiên cứu, nhiều nhà khoa học phản ánh quy trình xét duyệt đề tài nghiên cứu quá dài và phức tạp nên có đề tài nghiên cứu khi được cấp kinh phí thực hiện thì nội dung nghiên cứu đã được một nhóm nghiên cứu nước ngoài công bố trước.
Kế hoạch triển khai nhiệm vụ nghiên cứu khoa học hằng năm rất cứng, khó thay đổi, bổ sung những đề tài đột xuất, phát sinh cấp thiết và thiếu kinh phí dự phòng để triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến tại cuộc đối thoại nêu sự cấp thiết của việc tăng cường kiểm soát chất lượng đầu ra là kết quả của các nghiên cứu khoa học. Như nhận định của GS.TS Trần Đình Thiên và GS.TS Đỗ Tiến Sâm là “chúng ta đang mới chỉ siết đầu vào nhưng khâu nghiệm thu kết quả lại chưa làm chặt. Nhiều hội đồng đánh giá còn xuê xoa. Vì vậy, đăng ký, thực hiện, nghiệm thu đề tài đúng quy trình nhưng chất lượng thấp, người sử dụng không hài lòng. Để khắc phục tình trạng này rất cần tăng cường công khai, minh bạch mọi bước trong quá trình triển khai nhiệm vụ khoa học”.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh bày tỏ sự đồng tình với các ý kiến này và cho biết nhiều công việc đang tiếp tục được triển khai, hướng tới công khai, minh bạch toàn bộ các bước nghiên cứu khoa học, xây dựng thành phần hội đồng nghiệm thu đề tài theo chuẩn quốc tế.
Trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý về đăng ký, lưu giữ kết quả thực hiện nhiệm vụ KHCN các cấp trên toàn quốc. Quy định bắt buộc sử dụng kết quả tra cứu thông tin về nhiệm vụ KHCN trong quá trình xét duyệt, tuyển chọn nhiệm vụ và cả khi nghiệm thu (mở rộng tra cứu với các công bố khoa học trong nước và quốc tế). Hoàn thiện hệ thống tổ chức, các cơ sở dữ liệu quốc gia hỗ trợ thực hiện chức năng thông tin KHCN trên toàn quốc, công bố công khai trực tuyến.
Ngoài ra một số nhà khoa học mong muốn rút ngắn thời gian đăng ký sở hữu trí tuệ, có cơ chế xử lý tài sản hình thành trong quá trình triển khai dự án dành cho nhà khoa học, đơn vị nghiên cứu; đãi ngộ các nhà khoa học và thu hút, đào tạo lực lượng kế cận…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị tổ chức thêm những cuộc đối thoại về những vướng mắc, bất cập cụ thể trong nghiên cứu khoa học. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Xoá khoảng cách “nói và làm” trong tháo gỡ các vướng mắc
Phát biểu tại buổi đối thoại, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những đóng góp tâm huyết của các nhà khoa học trong khuôn khổ cuộc đối thoại cũng như đối với chính sách KHCN nói chung.
Khẳng định phải tìm mọi cách tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các nhà khoa học, Phó Thủ tướng cho rằng thời gian qua, từ chủ trương, tầm chiến lược đến các bộ, ngành đều tích cực tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các nhà khoa học nhưng vẫn còn khoảng cách giữa mong muốn và khả năng thực hiện, giữa chủ trương chung và quy định cụ thể, giữa nói và làm.
Về vấn đề này Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo với tinh thần phải hành động rất thiết thực, hiệu quả. Muốn làm được như vậy, trước hết trong hệ thống phải siết chặt kỷ cương, tăng cường kiểm tra nhiệm vụ giao cho các bộ ngành thực hiện đến đâu. Đồng thời phải tổ chức nhiều cuộc đối thoại để giải quyết "những vấn đề mà thoạt nhìn qua tưởng chừng như không có vấn đề gì nhưng làm không được thì chắc chắn có vấn đề”.
Theo Phó Thủ tướng, cuộc đối thoại hôm nay là sự mở đầu cho nhiều cuộc đối thoại về từng vấn đề hết sức cụ thể trong nghiên cứu khoa học để nhà quản lý và nhà khoa học hiểu rõ hơn.
Cùng với những giải đáp của Bộ trưởng Bộ KHCN, Phó Thủ tướng đề nghị hai viện hàn lâm khoa học xem lại toàn bộ cơ chế hoạt động liên quan đến quyền tự chủ để làm nhiệm vụ khoa học cần bổ sung gì. Đây là nhiệm vụ cốt lõi, từ đó liên quan đến tự chủ về bộ máy tổ chức, biên chế, tài chính.
“Tự chủ nghiên cứu khoa học là đổi mới cách cấp ngân sách nhà nước cho các nhiệm vụ khoa học. Bộ KHCN phải có cơ chế mạnh hơn để các chủ nhiệm đề tài có quyền ký hợp đồng với những người chưa ở trong biên chế để thực hiện các nghiên cứu khoa học”, Phó Thủ tướng lưu ý.
“Việc đăng ký đề tài, kế hoạch nghiên cứu khoa học hàng năm phải có cơ chế, giải pháp về ngân sách để các cơ sở nghiên cứu khoa học có thể đăng ký bổ sung những đề tài cấp thiết theo tình hình mới. Các đồng chí phải xông vào, gỡ từ đâu, cụ thể ra sao chứ không thể chỉ nói mãi là không ổn”.
Điểm thứ hai, Phó Thủ tướng cho rằng vô cùng quan trọng, đó là mọi khâu liên quan đến nghiên cứu khao học công nghệ đều phải công khai minh bạch như đăng ký đề tài, kết quả, quá trình thẩm định, bỏ phiếu kết quả đề tài… “để ngay trong giới khoa học phản biện”.
Các đề tài cần được kết nối với cơ sở dữ liệu khoa học trong nước và thế giới để các nhà khoa học không mất thời gian, công sức giải quyết những vấn đề mà trong nước, kể cả quốc tế đã nghiên cứu rồi hoặc chỉ cần nghiên cứu tiếp, nghiên cứu sâu thêm, ở giác độ khác. "Nhiều đề tài ở cấp cơ sở chỉ cần công khai lên sẽ thấy ngay có những đề tài trùng nhau".
Đối với các bất cập, vướng mắc liên quan đến định mức kỹ thuật, đơn giá, ngày công khi thực hiện các đề tài khoa học, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ KHCN làm đầu mối, đại diện giới khoa học để “nói chuyện với các bộ chuyên ngành”, yêu cầu có văn bản điều chỉnh.
“Từng thông tư cần góp ý điểm nào, sửa ra sao các đồng chí phải đề xuất cụ thể. Còn những điểm, quy định đã đúng nhưng các cơ quan, nhà khoa học hiểu chưa đúng, chưa rõ thì bộ chuyên ngành như Bộ KHCN, Bộ Tài chính cần có công văn hướng dẫn thống nhất thực hiện”.
Về kiến nghị cơ chế sở hữu trí tuệ, xử lý tài sản hình thành trong quá trình hoạt động khoa học, Phó Thủ tướng khẳng định: Nhà nước không có nhu cầu thu hồi những tài sản này về ngân sách mà dành cho phát triển khoa học, vì vậy, Bộ KHCN và Bộ Tài chính cần nghiên cứu, hướng dẫn thống nhất.
Đình Nam