Báo cáo của tỉnh Cao Bằng cho biết do ảnh hưởng của bão số 3, các khu vực trong tỉnh mưa to đến rất to, xảy ra ngập lụt, sạt lở đất nghiêm trọng gây thiệt hại về người, nhà ở, công trình cơ sở hạ tầng và đời sống, sinh hoạt của người dân.
Cụ thể, về người, tại địa bàn huyện Nguyên Bình có 24 người chết, 12 người bị thương, 31 người mất tích. Tỉnh đang thống kê và tìm kiếm số người mất tích.
Về nhà ở, tổng cộng 1.065 nhà ở bị thiệt hại; trong đó có 22 nhà thiệt hại hoàn toàn.
Về giao thông có gần 200 điểm trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện, đường xã bị tắc do sạt lở, ngập lụt, tập trung vào các tuyến Quốc lộ 34 qua huyện Nguyên Bình; Bảo Lạc, Bảo Lâm bị sạt lở đất, Quốc lộ 4A đoạn qua huyện Bảo Lạc; đường tỉnh 212, 216, 202,…
10 trường học, 3 cơ sở y tế và nhiều công trình thủy lợi, viễn thông, điện lưới, trụ sở các cơ quan đơn vị bị thiệt hại do sạt lở, ngập úng.
Về nông nghiệp có hơn 1.500 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại.
Xảy ra ngập lụt các khu vực phường, xã của thành phố Cao Bằng, một số xã, thị trấn của các huyện: Bảo Lâm, Nguyên Bình, Quảng Hòa,… Riêng huyện Bảo Lạc bị cô lập hoàn toàn trên diện rộng tại khu vực trung tâm 16 xã và thị trấn Bảo Lạc.
Đặc biệt, rạng sáng 9/9, huyện Nguyên Bình xảy ra nhiều vụ sạt lở đất gây hậu quả nặng nề về người và tài sản.
Cụ thể, tại xóm Lũng Súng, xã Yên Lạc xảy ra sạt lở đất lúc 2h sáng khiến 6 nhà dân bị sụp đổ, vùi lấp làm 10 người bị thương, 8 người chết, 3 người mất tích.
Tại xóm Lũng Nọi, xã Vũ Nông, xảy ra sát lở đất lúc 4h sáng khiến 1 nhà dân bị sụp đổ, vùi lấp làm 1 người chết.
Tại xóm Lũng Lỳ, xã Ca Thành xảy ra vụ sạt lở đất lúc 5h sáng khiến 5 nhà dân bị sụp đổ, vùi lấp làm 2 người chết, 5 người mất tích, 5 người bị thương.
Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện các bộ, ngành trong đoàn công tác bày tỏ xúc động với những mất mát rất nặng nề về con người mà bà con Cao Bằng gặp phải do mưa lũ gây ra (trong đó có cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, thầy cô giáo, học sinh,…).
Các đại biểu đề nghị các cấp các ngành đồng loạt vào cuộc, huy động tối đa con người, phương tiện để hỗ trợ Cao Bằng khắc phục nhanh nhất hậu quả mưa lũ gây ra. Rà soát toàn bộ các hộ gia đình gặp khó khăn để có biện pháp hỗ trợ kịp thời, không để đồng bào bị đói, bị rét, không có nhà ở.
Chia sẻ với những khó khăn của Cao Bằng, đồng thời các đại biểu nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết trong lúc này phải đặt an toàn lên trên hết, không được chủ quan, bởi ngay trong quá trình đoàn di chuyển lên Cao Bằng cũng xảy ra 1 vụ sạt lở.
Nhận định tình hình mưa lũ còn rất phức tạp, đất đã no nước, nguy cơ sạt lở còn rất lớn, do đó không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, trước mắt cần khuyến cáo người dân và các phương tiện hạn chế di chuyển trên những tuyến đường có nguy cơ sạt lở cao; khẩn trương rà soát các vị trí đang sạt lở, các địa điểm có nguy cơ sạt lở cao để có biện pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả; tăng cường lực lượng canh chốt "điểm đen"; tuyệt đối không cho người, phương tiện di chuyển qua những khu vực không an toàn; khẩn trương tìm kiếm người mất tích;…
Về lâu dài cần có giải pháp công trình, phi công trình để hạn chế tối thiểu tình trạng "cứ mưa là sạt lở, chết người".
Nhấn mạnh đề xuất cần chi viện nhiều hơn nữa cho Cao Bằng, đại diện các bộ, ngành cũng trao đổi với tỉnh Cao Bằng về việc khôi phục hệ thống điện; bảo đảm thực phẩm hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là các địa bàn đang bị cô lập; bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ; bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho người dân; khắc phục mưa lũ tại các cơ sở giáo dục để học sinh sớm được đến trường…
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng đánh giá cao Tỉnh ủy, chính quyền tỉnh Cao Bằng đã rất tích cực, chủ động, quyết liệt trong khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ, sạt lở đất, nhất là việc lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp vào huyện Nguyên Bình chỉ đạo công tác tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục hậu quả.
Theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, trong cơn bão số 3, Cao Bằng là địa phương thiệt hại nặng nhất về người (do mưa lũ sau bão). Đây là câu hỏi đặt ra cần suy nghĩ nghiêm túc để có giải pháp hiệu quả trong tương lai, bảo vệ an toàn cho bà con sinh sống ở miền núi trước thiên tai, phát triển bền vững và lâu dài.
Thiệt hại về người rất là đau lòng, 3 huyện đang bị chia cắt, hàng trăm điểm bị sạt lở, nhiều trường học, trạm y tế bị ảnh hưởng,… cần phải sớm khắc phục.
Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Cao Bằng tập trung cứu chữa người bị thương; tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn, không để thiệt hại thêm về người; tập trung tìm kiếm người mất tích; lo mai táng cho những nạn nhân thiệt mạng. Phó Thủ tướng nhấn mạnh tỉnh Cao Bằng cần tập trung cao nhất việc cứu trợ cho dân theo tinh thần 5 không: "Không để dân đói- Không để dân khát- Không để các cháu học sinh không được học hành-Không để người dân không được chữa bệnh- Không để bà con không có nhà ở".
Phó Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh Cao Bằng tập trung xử lý các điểm sạt lở, đảm bảo thông đường; khôi phục hệ thống điện, viễn thông; tăng cường bảo đảm an ninh trật tự; xây lại ngay 22 nhà cho dân bị sập, sửa chữa nhà bị hư hỏng; xây dựng lại các tuyến đường; khảo sát hệ thống cầu cứng, cầu treo để có giải pháp xử lý phù hợp;.…
Sau cơn bão này, tỉnh Cao Bằng cần nghiên cứu 1 chương trình tổng thể để có giải pháp phòng, chống sạt lở hiệu quả để bảo đảm cuộc sống an toàn cho người dân.
Nhấn mạnh nguy cơ mưa lũ còn rất phức tạp, do đó cần chủ động sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tiếp tục hỗ trợ tỉnh, nỗ lực, giúp dân ở mức độ cao nhất đặc biệt là trong việc tìm kiếm cứu nạn; vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm vào những khu vực đang bị chia cắt. Bộ Y tế hỗ trợ tỉnh các biện pháp bảo vệ môi trường, không để xảy ra dịch bệnh sau mưa lũ. Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét hỗ trợ sách giáo khoa, đồ dùng dạy học, học tập. Bộ Công Thương chỉ đạo khôi phục hệ thống điện. Bộ GTVT khôi phục các đường quốc lộ, sửa chữa các điểm sạt lở, hư hỏng. Bộ NN&PTNT hỗ trợ tỉnh khôi phục sản xuất…
Về kiến nghị của tỉnh (cấp 75 tỷ đồng và 50 tấn gạo), Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Cao Bằng làm tờ trình, kèm theo báo cáo thiệt hại gửi về Chính phủ để xem xét xử lý ngay./.
Trần Mạnh