In bài viết

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Cần thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về KCN, KCX và KKT

Sáng 17/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chủ trì Hội nghị tổng kết 20 năm xây dựng và phát triển các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) và Khu kinh tế (KKT)ở Việt Nam.

19/02/2012 20:16

Ghi nhận 7 thành tựu cơ bản mà các KCN, KCX và KKT đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế chung của đất nước, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Qua 20 năm xây dựng và phát triển, các KCN, KCX và KKT đã đóng góp 32% giá trị sản xuất công nghiệp cả nước, 25% kim ngạch xuất khẩu, nộp ngân sách tăng so với giai đoạn trước đây 5,96 tỷ USD. Đầu tư hạ tầng 9,5 tỷ USD và 80 tỷ USD là vốn đầu tư; trong đó 20 tỷ USD là vốn trong nước và giải quyết được việc làm cho 1,6 triệu lao động. Với kết quả đạt được, nền kinh tế đạt được mục tiêu chuyển dịch cơ cấu; trong đó công nghiệp chiếm tới 42%.

Tuy nhiên, sự phát triển của KCN, KCX và KKT thời gian qua vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng tích tụ đất đai, vốn cũng như chưa đáp ứng được các mục tiêu đề ra. Vì vậy, các định hướng và giải pháp trong thời gian tới cần tập trung vào 3 trọng tâm đột phá gồm: Đầu tư kết cấu hạ tầng, đào tạo lao động và hoàn thiện thể chế luật pháp để thực hiện mục tiêu Nghị quyết số 13-NQ/TW đã đề ra: Thu hút thêm 3 tỷ USD cho hạ tầng KCN, KKT, KCX; nâng tỷ lệ lấp đầy lên khoảng 70% và đạt tỷ lệ đóng góp giá trị sản xuất công nghiệp khoảng 50% vào năm 2015; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nhà ở và các hạ tầng xã hội thiết yếu cho người lao động và hoàn chỉnh các công trình kết cấu hạ tầng vào năm 2020.

Theo Phó Thủ tướng: Mặc dù Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối quản lý về đầu tư và công tác quản lý KCN, KCX, KKT cũng đã được phân cấp mạnh cho các địa phương nhưng để giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc phát sinh của nhà đầu tư cần có sự chung tay giúp sức của các Bộ ngành liên quan. Vì vậy, giải pháp cần thiết là hình thành một Ban Chỉ đạo Trung ương họp luân phiên 6 tháng/lần để xử lý cụ thể các vướng mắc, nhất là khi triển khai các dự án đầu tư quy mô lớn. Bộ cần xây dựng các giải pháp cụ thể, đồng bộ để triển khai xây dựng mô hình quản lý điều hành liên kết chặt chẽ giữa các bộ ngành, địa phương, đảm bảo hạ tầng đồng bộ, liên thông và kết nối giữa các khu CN, KCX và vùng kinh tế trọng điểm. Cùng đó, cải cách thủ tục hành chính cần phải thường xuyên, liên tục ở cả Trung ương, địa phương nhằm thu hút đầu tư tốt hơn. Các mô hình đào tạo lao động hiệu quả mà thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Bắc Ninh đã triển khai thành công cần được nhân rộng để đáp ứng nhu cầu lao động cho các KCN, KCX và KKT.

Các địa phương cần đưa ra mục tiêu ưu tiên và tập trung vốn cho các dự án có khả năng lấp đầy, kiên quyết không để xảy ra tình trạng bỏ trống đất đai. Tới đây, Chính phủ sẽ ra Nghị định về quản lý đất lúa nước với 3,8 triệu ha; trong đó có 3,2 triệu ha quản lý liên ngành. Do vậy, các KCN, KCX và KKT sẽ tiến tới các vị trí khó khăn hơn nên Nhà nước và doanh nghiệp sẽ phải cùng phối hợp để đầu tư cơ sở hạ tầng.

Hiện Việt Nam đã hội nhập sâu vào WTO và chuẩn bị ký hàng loạt Hiệp định tự do thương mại với các đối tác nên những ưu đãi theo mô hình cũ không còn nhiều. Vì vậy, cùng với việc nghiên cứu rà soát đề xuất sửa đổi các văn bản pháp luật như Nghị định 29 phù hợp với tình hình mới, nhất là về quy hoạch và chính sách ưu đãi, vấn đề quan trọng là các Bộ ngành và lãnh đạo địa phương phải đi sát, đi cùng nhà đầu tư, cùng chia sẻ khó khăn cũng như thành công.

Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết: Bộ sẽ rà soát, đánh giá toàn diện tình hình thực hiện quy hoạch các KCN, KCX để báo cáo Thủ tướng Chính phủ các biện pháp điều chỉnh kịp thời; các quy định chưa đầy đủ, thống nhất sẽ được Bộ điều chỉnh và xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định 29/2008/NĐ-CP trình Chính phủ ban hành trong năm 2012. Bên cạnh đó, Bộ sẽ nghiên cứu, xây dựng các KCN liên kết ngành, KCN chuyên biệt dành cho các đối tác đầu tư lớn của Việt Nam gắn với cơ chế, chính sách riêng để nâng cao giá trị kinh tế của các KCN. Tới đây, các ngành có công nghệ tiên tiến, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường sẽ được tập trung thu hút; phát triển lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, tăng cường tính liên kết ngành trong KCN, KCX để nâng cao tính cạnh tranh và đóng góp của KCN, KCX vào phát triển kinh tế vùng.

Nguyễn Kim Anh