Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Diễn đàn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Hội nghị được tổ chức lần này là cơ hội để tăng cường quan hệ đối tác chiến lược và thúc đẩy các cơ hội kinh doanh lớn giữa các nước ASEAN và Chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp Italy
Việt Nam-Italy chia sẻ nhiều nét tương đồng và tiềm năng hợp tác
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng hoan nghênh Hiệp hội Italy-ASEAN đã lựa chọn Hà Nội làm nơi tổ chức Đối thoại lần thứ 3, góp phần tăng cường kết nối, giao lưu giữa cộng đồng doanh nghiệp cũng như cùng trao đổi tiềm năng, cơ hội làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế Việt Nam và Italy cũng như với các nước ASEAN.
Nhấn mạnh Việt Nam và Italy có mối quan hệ truyền thống vô cùng tốt đẹp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, năm 2018 vừa qua, hai nước kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược.
"Nhìn lại chặng đường gần nửa thế kỷ, quan hệ hai nước thực sự đã có những bước phát triển tích cực", Phó Thủ tướng đánh giá, đồng thời cho biết: Hiện nay, Italy là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam trong EU và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Italy trong ASEAN với mức trao đổi thương mại hai chiều chạm mốc gần 5 tỷ USD (năm 2018) và 440 triệu USD vốn đầu tư tính trong 6 tháng đầu năm 2019.
Hiện nhiều doanh nghiệp và tập đoàn lớn của Italy đã có mặt, hoạt động kinh doanh có hiệu quả tại Việt Nam. "Đây là những tín hiệu khả quan, tuy nhiên, kết quả này chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu phát triển của hai nước" - Phó Thủ tướng đánh giá.
Để phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác đầu tư thương mại giữa hai bên, Phó Thủ tướng cho rằng, ngoài sự ủng hộ, quan tâm của Chính phủ hai nước, rất cần có sự nỗ lực và phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Thủ tướng Italy Giuseppe Conte - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Theo Phó Thủ tướng, trên thực tế, Việt Nam và Italy chia sẻ nhiều nét tương đồng, trong đó, cơ cấu kinh tế tại hai nước đều là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài ra là những điểm chung về văn hóa, con người và lao động.
“Đây là những lợi thế đặc biệt giúp doanh nghiệp hai nước có khả năng thích ứng với môi trường của nhau, tăng cường hợp tác sản xuất, chuyển giao công nghệ và xuất khẩu", Phó Thủ tướng đánh giá.
Thông tin về tình hình kinh tế-xã hội của Việt Nam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, sau hơn 30 năm thực hiện đổi mới, Việt Nam đã trở thành một nước thu nhập trung bình với nền kinh tế phát triển năng động đang hội nhập sâu vào kinh tế khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế thông qua việc thực hiện đầy đủ những cam kết toàn diện, tiêu chuẩn cao trong các FTA. Theo Phó Thủ tướng, điều này sẽ tạo cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam và các nước tiếp cận thị trường của nhau cũng như các thị trường tiềm năng rộng lớn ở ASEAN và châu Á-Thái Bình Dương..
"Tôi tin rằng tới đây, khi các hiệp định EVFTA và EVIPA được ký kết và có hiệu lực sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp Italy đầu tư kinh doanh tại Việt Nam", Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời đánh giá đây là hiệp định thương mại toàn diện về mở cửa thị trường đầu tiên của Liên minh châu Âu (EU) với một quốc gia đang phát triển tại châu Á và là văn bản pháp lý, là "đòn bẩy" kinh tế đối với cộng đồng doanh nghiệp hai bên.
Từ đó, Phó Thủ tướng đề nghị Chính phủ và Quốc hội và các doanh nghiệp Italy ủng hộ và thúc đẩy việc ký kết hiệp định quan trọng này.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Chính sách đầu tư quốc tế hướng về phương Đông
"Có thể thấy, hiện nay chính sách đầu tư của các quốc gia trên thế giới vẫn hướng về phương Đông", Phó Thủ tướng đánh giá và cho rằng, sau hơn 50 năm hình thành và phát triển, hình ảnh và vị thế của ASEAN ngày càng được khẳng định, là một trong những tổ chức đa phương thành công nhất.
ASEAN được ghi nhận là khu vực kinh tế năng động và có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trên thế giới, tạo ra thị trường rộng lớn với 630 triệu dân, tổng GDP hơn 3.000 tỷ USD, tăng trưởng trung bình 4,7%/năm, đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, quan hệ thân thiện giữa các nước, tạo ra môi trường chung cho người dân. Cùng với sự ra đời của Cộng đồng chung ASEAN và hàng loạt những hiệp định thương mại thế hệ mới giữa ASEAN với các nước, các khu vực, tiểu khu vực, tạo ra thị trường 3 tỷ dân với tổng GDP lên tới 20.000 tỷ USD.
Trong sự phát triển chung của ASEAN, Việt Nam được đánh giá là một trong những thành viên tích cực nhất, đóng góp chủ động vào thành công chung của khu vực. "Đây đang và sẽ là một cơ hội lớn cho các quốc gia đang có quan hệ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam, trong đó có Việt Nam", Phó Thủ tướng nói.
Năm 2020, Việt Nam cũng sẽ là nước chủ nhà đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN, đang ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021. "Chúng tôi cam kết rằng, trên cương vị này, Việt Nam sẽ hết sức ủng hộ và làm hết mình để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các nước ASEAN với Italy, xây dựng một cộng đồng Á-Âu phát triển mạnh mẽ và bền vững", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
"Thành công của các bạn cũng chính là thành công của chúng tôi", Phó Thủ tướng chia sẻ tại Diễn đàn, đồng thời mong muốn các nhà đầu tư, doanh nghiệp quan tâm hơn nữa đến Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cam kết hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi và đồng hành cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài trong các hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Xuân Tuyến-Nhật Bắc