Sáng 7/3, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương, cho ý kiến về phương án xử lý đối với Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS).
Theo Báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), DQS hiện tại là đơn vị duy nhất trong Tập đoàn có chức năng đóng mới, sửa chữa tàu, phương tiện thủy, có nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển. Trong xu thế chuyển dịch năng lượng, DQS có khả năng tham gia vào chuỗi giá trị của PVN trong chiến lược phát triển thành tập đoàn công nghiệp năng lượng. Việc thay thế các đội tàu có tuổi vận hành cao hiện nay là cơ hội lớn cho DQS gia tăng sản lượng sửa chữa, đóng mới tàu, phương tiện thủy.
Theo PVN, việc tái cơ cấu DQS nhằm làm lành mạnh tình hình tài chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và năng lực sản xuất, góp phần khôi phục ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam, góp phần đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam, tham gia vào quá trình thực hiện chiến lược chuyển dịch năng lượng của Chính phủ.
Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng cho biết, trên cơ sở các giả định về thị trường, sử dụng 100% năng lực của DQS và các đề xuất xử lý tồn tại, vướng mắc hiện nay của DQS được chấp thuận, thực hiện, PVN dự kiến 2 kịch bản về kết quả sản xuất kinh doanh giai đoạn 2023-2035 của Công ty này.
Theo đó, kịch bản thứ nhất, tái cơ cấu và chỉ đầu tư thêm cầu tàu và các hạng mục phụ trợ, doanh thu bình quân giai đoạn 2023-2025 khoảng 1.313 tỷ đồng/năm, lợi nhuận bình quân khoảng 64 tỷ đồng/năm. Kịch bản thứ hai, tái cơ cấu và đầu tư thêm cầu tàu và các hạng mục phụ trợ, hạng mục phá dỡ tàu biển, doanh thu bình quân khoảng 1.499 tỷ đồng/năm, lợi nhuận bình quân khoảng 65 tỷ đồng/năm.
Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã có nhiều chỉ đạo. Ủy ban đã tổ chức họp và có nhiều văn bản yêu cầu PVN giải trình, tiếp thu ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo và cơ quan, đơn vị liên quan để xây dựng, hoàn thiện đề xuất về chủ trương, phương án xử lý đối với DQS.
Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Thị Thu Vân, Đề án tái cơ cấu DQS đã được đưa vào chương trình công tác năm 2024 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trình Bộ Chính trị vào quý II/2024.
Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, quá trình xây dựng phương án xử lý DQS đã kéo dài 10 năm, qua 3 nhiệm kỳ Ban Chỉ đạo, PVN nhiều lần điều chỉnh phương án đề xuất.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Thị Thu Vân cho rằng, phương án đề xuất của PVN là tái cơ cấu doanh nghiệp và để thực hiện được thì cần có cơ chế đặc thù. Tuy nhiên, đến nay cả Ủy ban và PVN đều chưa nêu được cơ sở pháp lý rõ ràng, chưa xác định được thẩm quyền, cơ chế chính sách cần báo cáo đề xuất Thủ tướng, Phó Thủ tướng – Trưởng ban Chỉ đạo tháo gỡ.
Do đó, Ủy ban và PVN cần chủ động, quyết liệt hơn, triển khai nghiêm túc, khẩn trương các chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ. Việc xây dựng phương án tái cơ cấu DQS thuộc thẩm quyền, trách nhiệm trực tiếp của PVN và có trách nhiệm của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp – cơ quan đại diện chủ sở hữu theo quy định của pháp luật.
Đại diện PVN chia sẻ, ngay sau khi tiếp nhận tài sản của Vinashin về PVN, DQS đã phá sản vì các khoản nợ đến hạn doanh nghiệp này đều không trả nợ được. Các tài sản nhận chuyển từ Vinashin về không đúng ngành nghề, không nằm trong chiến lược phát triển của PVN, nhiều tài sản không hình thành tài sản có thể tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh.
Với trách nhiệm của mình, trong những năm qua, PVN đã sử dụng các nguồn lực, giải pháp để quản trị để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của DQS. Nếu tính hạch toán trên các tài sản tham gia vào sản xuất kinh doanh thì từ khi đưa về PVN, DQS đều hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả.
Trên cơ sở đánh giá, so sánh các phương án khác nhau (gồm cả phá sản, tái cơ cấu phục hồi sản xuất kinh doanh, chuyển nhượng đấu giá theo quy định pháp luật), kết quả hoạt động những năm qua và nghiên cứu đánh giá thị trường, đề án đã nêu rõ, phương án tái cơ cấu là khả thi và ít thiệt hại nhất cho nhà nước và các doanh nghiệp có liên quan.
Phát biểu tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành, đơn vị liên quan cho rằng, đến nay các phương án đề xuất của PVN vẫn nhiều nội dung chưa đạt yêu cầu, chưa làm rõ được tính khả thi, tối ưu nhất, xử lý dứt điểm của phương án tiếp tục tái cơ cấu DQS. Chưa thống nhất được với các bên liên quan về phương án đề xuất, thời điểm chốt số liệu và các số liệu báo cáo, các cơ chế đặc thù, phương án xử lý các khoản nợ, đặc biệt là với các bên cho vay và các nhà thầu liên quan.
Đại diện Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp cho rằng hồ sơ của PVN chưa chốt được số liệu và làm rõ tính khả thi, tối ưu nhất của phương án được đề xuất. Đồng thời phải có sự so sánh với các phương án khác để làm rõ tính tối ưu, hiệu quả và khả thi nhất của phương án được lưa chọn để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Do đó, đề nghị cần làm rõ tính khả thi, tối ưu của phương án, công khai minh bạch các thông tin, số liệu; phải có sự thống nhất của các chủ thể liên quan; đồng thời phải làm rõ cơ sở pháp lý của cơ chế đặc thù và hệ quả pháp lý nếu áp dụng cơ chế đặc thù.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng, Kiểm toán Nhà nước cũng nêu rõ: Nhìn từ tầm quốc gia, DQS có vị thế rất tốt cho phát triển ngành tàu biển, cảng nước sâu. Thực tế cho thấy hướng phát triển DQS là có nên các ý kiến thành viên Ban Chỉ đạo đã đồng ý tái cơ cấu. Tuy nhiên, PVN cần đánh giá chi tiết, cụ thể hơn để xác định tiềm năng phát triển của DQS để trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Đồng thời, đề nghị làm rõ hiện trạng tài chính của DQS và tính toán hiệu quả hoạt động của DQS sau khi tái cơ cấu.
Đại diện Ban Kinh tế Trung ương, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tư pháp bày tỏ thống nhất cao cần có phương án cuối cùng để trình Bộ Chính trị, bởi càng kéo dài chi phí xử lý càng lớn. Trong đó, cần phân định, tách bạch rõ ràng giữa việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của doanh nghiệp nhà nước tham gia xử lý doanh nghiệp yếu kém với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, hoạt động theo cơ chế thị trường để đề xuất cơ chế đặc thù xử lý.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái bày tỏ không hài lòng khi Ban Chỉ đạo đã có nhiều cuộc họp xử lý đối với dự án DQS, nhưng các phương án Ủy ban trình vẫn chưa cụ thể, hợp lý.
Cho rằng "đề xuất ý tưởng tái cơ cấu thì tốt, nhưng nội dung thuyết minh và các giải pháp kèm theo vẫn chưa khả thi, cụ thể, chặt chẽ, thuyết phục", Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: "Phải chọn giải pháp cuối cùng để xử lý dứt điểm, không thể kéo dài mãi, ảnh hưởng tới các cơ quan liên quan".
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ, phương án hiện nay mang tính chất hành chính, không rõ ràng. Gốc của vấn đề là tiếp cận không tổng thể, đánh giá chưa đầy đủ. Do vậy, phải có tiếp cận các giải pháp tổng thể mới xử lý được. Mặt khác, hiện không có sự thống nhất giữa các chủ thể có liên quan, thì chưa thể tìm ra phương án hợp lý.
Muốn giữ lại, tái cơ cấu DQS, phải có giải pháp rõ ràng, đánh giá kết quả đạt được. Phương án xử lý phải tuân theo quy định pháp luật. Với cơ chế đặc thù, cần có ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền.
Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, thời gian qua PVN đã rất tích cực nhưng tìm giải pháp phù hợp để xử lý dự án DQS là việc khó. Bởi tồn tại đã trải qua nhiều năm, quá trình định giá tài sản chưa làm hết, quyết toán tài sản chưa xong, thâm hụt về nguồn vốn, lỗ lũy kế lớn, tài sản không phản ánh đúng giá trị, nên việc cơ cấu lại rất khó khăn.
Nhấn mạnh, "trường hợp đặc biệt phải có giải pháp đặc biệt, không có giải pháp đặc biệt thì khó vực dậy được", Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp thu, nghiên cứu đầy đủ ý kiến các đại biểu thành viên Ban Chỉ đạo, hoàn thiện đề án, báo cáo Thường trực Chính phủ chậm nhất vào ngày 25/3. Theo đó, đánh giá lại và đề xuất phương án tối ưu nhất. Phương án phải khả thi, hiệu quả, hạn chế tối đa thất thoát, lãng phí, trình tự thủ tục phải rõ. Các đơn vị liên quan phải kiên trì, lắng nghe, cầu thị trên tinh thần vì việc chung, thống nhất, đoàn kết xử lý khó khăn này.
Trần Mạnh