Trước đó, ngày 19/3 tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã tiếp Giáo sư Thomas Vallely, Giám đốc Chương trình Việt Nam tại Đại học Harvard và các chuyên gia Đại học Fulbright Việt Nam.
Tại buổi tiếp, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cảm ơn cá nhân Ông Thomas Vallely, Trường Harvard Kennedy và Đại học Fulbright đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao tích cực thúc đẩy và chuẩn bị Chương trình Lãnh đạo Cao cấp Việt Nam (VELP) năm 2024, dự kiến được tổ chức trong tháng 4 tới.
Giáo sư Thomas Vallely cảm ơn Phó Thủ tướng đã dành thời gian tiếp; thông báo khái quát về dự kiến nội dung chương trình VELP và nhấn mạnh ông rất mong đợi vào chương trình thảo luận tại VELP 2024 với những nội dung năng động hơn, cập nhật hơn phù hợp với diễn biến hiện nay trên toàn cầu cũng như phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, nhất là các giải pháp để vừa bảo đảm giữ ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách tài khóa, tiền tệ vừa phát triển kinh tế bền vững trong bối cảnh toàn cầu có nhiều biến động trong hiện tại cũng như các định hướng cho tương lai trong 2 đến 3 thập kỷ tới.
Theo Giáo sư Thomas Vallely, trong khuôn khổ chương trình VELP 2024, các chuyên gia cũng chia sẻ, trao đổi về các chủ đề liên quan tới phát triển năng lượng tái tạo; bảo đảm an ninh mạng; điện toán đám mây… công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip và AI toàn cầu và triển vọng đối với Việt Nam khi tham gia vào các chuỗi giá trị này.
Giáo sư Thomas Vallely hy vọng chuyến công tác Hoa Kỳ sắp tới do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm trưởng đoàn sẽ đạt những kết quả tốt nhất.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cảm ơn Giáo sư Thomas Vallely đã chia sẻ về những nội dung thú vị trong chương trình VELP 2024,… Phó Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao phối hợp với các bộ ngành chuẩn bị kỹ nội dung để có thể trao đổi sâu hơn tại chương trình.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái kỳ vọng Chương trình VELP sắp tới sẽ gợi mở ra những ý tưởng mới cho các cơ quan của Việt Nam trong xây dựng và thực thi các chính sách phát triển, không chỉ đề xuất được các chính sách cụ thể, có tính khả thi và phù hợp với điều kiện Việt Nam, mà còn đưa ra được các trọng tâm ưu tiên, lộ trình và khả năng kết nối với các nguồn lực quốc tế./.
Trần Mạnh