Báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, hết 6 tháng năm 2022, tình hình sản xuất, kinh doanh của dự án gặp nhiều khó khăn, lỗ 115,58 tỷ đồng, đã dừng sản xuất từ ngày 14/5.
Hiện nay, Tổng Công ty Thép Việt Nam đề xuất 3 phương án tái cơ cấu dự án VTM: Một là, Tổng Công ty mua lại phần vốn góp của đối tác liên doanh Trung Quốc (Công ty trách nhiệm hữu hạn Khống chế cổ phần gang thép Côn Minh - KISC). Hai là Tổng Công ty chuyển nhượng phần vốn góp cho các bên liên doanh. Ba là Công ty VTM buộc phải dừng hoạt động hoặc phá sản.
Tuy nhiên, phía Tổng Công ty Thép Việt Nam đã nhiều lần họp với các đối tác trong liên doanh để thống nhất các nội dung liên quan đến việc xây dựng và hoàn thiện Đề án tái cơ cấu VTM nhưng đến nay vẫn chưa thông qua được, do quan điểm về việc xin khai thác quặng sắt khác nhau.
Về Đề án tái cơ cấu VTM, đại diện phía đối tác KISC - Trung Quốc đề nghị xây dựng đề án tái cơ cấu theo quy định giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp.
Về giấy phép khai thác mỏ quặng sắt Quý Xa, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành xem xét gia hạn hoặc cấp lại cho dự án. Trường hợp Việt Nam không đồng ý giao phía đối tác liên doanh toàn quyền vận hành dự án thì đối tác này cũng đồng ý chuyển nhượng phần vốn góp để tạo điều kiện cho VTM phát triển.
Phát biểu tại buổi làm việc sau khi đi kiểm tra hai dự án, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh cho rằng, đối với dự án khai thác, tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa, Nhà máy gang thép Lào Cai (dự án VTM), các bên liên doanh làm việc chưa chuyên nghiệp, mặc dù đã được hưởng nhiều chính sách ưu đãi nhưng sản xuất kinh doanh chưa hiệu quả dẫn tới thua lỗ.
Ông Nguyễn Hoàng Anh kiến nghị đến hết thời hạn khai thác mỏ (31/12/2022) sẽ thu hồi giấy phép nếu doanh nghiệp không có phương án tái cơ cấu hợp lý.
Sau khi nghe báo cáo của Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và ý kiến của đại diện một số bộ, ban, ngành, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị, đối với dự án Nhà máy gang thép Lào Cai (VTM), các bên liên doanh cần có sự thống nhất về phương án tái cơ cấu để các bộ, ngành, Chính phủ có căn cứ đưa ra quyết định.
Nếu thực hiện phương án tiếp tục duy trì hoạt động thì phải đảm bảo hoạt động có hiệu quả và thực hiện theo quy định pháp luật của Việt Nam về khai thác khoáng sản, quản lý đầu tư kinh doanh. Nếu các bên không thống nhất được thì phải chấp nhận xử lý theo quy định của pháp luật.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đề nghị tiếp tục thực hiện theo chỉ đạo tại cuộc họp về tái cơ cấu các dự án yếu kém của ngành công thương được tổ chức trước đó vào ngày 15/7/2022 và yêu cầu đến ngày 30/8 phải có phương án rõ ràng kể cả về giấy phép khai thác mỏ, các hoạt động liên doanh về phía Việt Nam để báo cáo với Thường trực Chính phủ có phương án về việc xử lý tái cơ cấu dự án VTM.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tập trung phối hợp với các bên sớm xây dựng đề án để trình Bộ Chính trị trong thời gian sớm nhất.
Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất phân bón DAP-2 Lào Cai, báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho thấy, 6 tháng đầu năm 2022, nhà máy đạt doanh thu 1.521 tỷ đồng, lợi nhuận 75 tỷ đồng, trả nợ các ngân hàng được 130 tỷ đồng.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem) Nguyễn Phú Cường cho biết Tập đoàn đã chọn phương án tái cơ cấu DAP-2 theo phương án 1 (tái cơ cấu tài chính).
Theo đó, phía các ngân hàng cần có sự hỗ trợ giảm lãi suất, kéo dài thời gian cho vay và hủy lãi phạt do chậm nộp tiền trả cho ngân hàng để doanh nghiệp từng bước hồi phục sản xuất kinh doanh và trả nợ cho ngân hàng.
Các ý kiến tại buổi làm việc từ các Bộ Tài chính, Bộ Tư Pháp, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước… cũng đồng tình với việc lựa chọn phương án tái cơ cấu tài chính của Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam nhưng cần phải hoàn thiện kỹ hơn phương án này để đủ cơ sở, trình cấp có thẩm quyền quyết định, trên cơ sở đảm bảo ngân sách không phát sinh, hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và các ngân hàng.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án DAP đối với ngành hóa chất và nông nghiệp nước nhà, đồng thời phân tích các nguyên nhân khiến dự án rơi vào tình trạng thua lỗ, cũng như các dự báo về những khởi sắc trong cơ hội sản xuất, kinh doanh của nhà máy trong thời gian tới.
Đánh giá cao các ý kiến phát biểu tại hội nghị, bày tỏ thống nhất tinh thần là thực hiện phương án tái cơ cấu nợ vay, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, giải pháp đưa ra phải thống nhất với các ngân hàng, đồng thời, đề nghị Vinachem nghiên cứu tiếp thu các ý kiến, bàn thảo, thống nhất các giải pháp với các ngân hàng để hoàn thiện đề án tái cơ cấu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đề nghị Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước nghiên cứu các ý kiến và thống nhất phương án cơ cấu lại các khoản nợ vay của ngân hàng để cải thiện tình hình tài chính của doanh nghiệp như đã cam kết với ngân hàng. Đối với ngân hàng thương mại, mặc dù không ký cam kết được nhưng đề nghị phải có kế hoạch trả nợ, điều đó sẽ tốt hơn việc xử lý tài sản đảm bảo.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý đối với dự án DAP-2 cần hết sức quan tâm vấn đề môi trường, trong lúc đang khó khăn thì việc xử lý chất thải rắn, chất lỏng và khí thì phải đặc biệt quan tâm không để xảy ra sự cố. Doanh nghiệp cần có phương án triệt để và khoa học, tôn trọng pháp luật, sản xuất ra là không được để ô nhiễm môi trường./.