Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng chia sẻ sau 15 năm gia nhập WTO, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững; trở thành một trong 20 nước có nền thương mại hàng hóa lớn nhất thế giới vào năm 2021.
Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam coi trọng vai trò trung tâm của WTO trong thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương mở, minh bạch, dựa trên luật lệ, loại bỏ các hàng rào thuế quan, chống chủ nghĩa bảo hộ thương mại, mong muốn WTO tiếp tục phát huy vai trò điều phối nhằm thúc đẩy thương mại toàn cầu theo hướng bao trùm, cân bằng, góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Phó Thủ tướng đề nghị quá trình cải cách WTO cần bảo đảm cân bằng quyền lợi và nghĩa vụ, phù hợp với trình độ phát triển và năng lực thực thi của các thành viên, đặc biệt là các thành viên đang phát triển.
Chúc mừng các thành tựu phát triển kinh tế vượt bậc của Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc WTO Trương Hướng Thần đánh giá cao sự tham gia tích cực và đóng góp của Việt Nam vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Trong bối cảnh tình hình chính trị và kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, ông Trương Hướng Thần mong muốn Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực vào quá trình thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 12 vào tháng 6 tới nhằm đạt các kết quả cụ thể, nhất là trong lĩnh vực trợ cấp thủy sản và nông nghiệp, qua đó góp phần thúc đẩy thương mại toàn cầu.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết Việt Nam đã đóng góp tích cực trong các thảo luận về an ninh lương thực tại Hội nghị WEF Davos 2022, khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục là thành viên có trách nhiệm trong vấn đề an ninh lương thực, đóng góp vào kết quả chung của Hội nghị Bộ trưởng WTO sắp tới.
Cũng trong chiều 25/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã đến thăm và nói chuyện với cán bộ, nhân viên Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva cùng đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ.
Tại cuộc gặp mặt, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Lê Thị Tuyết Mai đã báo cáo với Phó Thủ tướng cùng Đoàn công tác tình hình hoạt động của Phái đoàn. Theo đó, Phái đoàn thực hiện nhiệm vụ làm việc với Liên Hợp Quốc, WTO, cùng gần 40 tổ chức quốc tế, cơ quan liên chính phủ có trụ sở tại Geneva.
Công tác tại một địa bàn có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao đa phương ở trung tâm châu Âu, các cán bộ, nhân viên Phái đoàn luôn quán triệt, nắm chắc đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước; phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Thủ tướng đánh giá cao những nỗ lực và kết quả trong công tác của Phái đoàn và Đại sứ quán trong thời gian qua, góp phần thực hiện thành công đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Thông báo với các cán bộ, nhân viên Phái đoàn về tình hình trong nước cũng như kế hoạch thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, nhờ thực hiện thành công Chiến dịch thần tốc bao phủ vaccine phòng COVID-19, Việt Nam đã cơ bản khống chế được dịch bệnh, đưa các hoạt động kinh tế xã hội trở lại bình thường, đưa nền kinh tế trở lại với quỹ đạo tăng trưởng. Trong kết quả chung đó, có sự đóng góp của các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài.
Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại Thụy Sĩ phát huy tinh thần đoàn kết, trí tuệ, thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao để huy động hiệu quả các nguồn lực từ nước ngoài, đóng góp vào việc thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.
Trong thời gian tham gia đoàn công tác tại Thụy Sĩ, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu đã có cuộc trao đổi với Hội Trí thức chuyên gia người Việt Nam tại Thụy Sĩ (AVIES).
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu đánh giá cao tinh thần nhiệt huyết, tình cảm hướng về quê hương của các chuyên gia, trí thức kiều bào tại Thụy Sĩ mà AVIES là nòng cốt.
Các đóng góp thiết thực của Hội và cộng đồng người Việt tại Thụy Sĩ (ủng hộ 44.740 CHF, tương đương 1,1 tỷ đồng trong đại dịch COVID-19 và 9.500 CHF, tương đương 230 triệu đồng để đóng xuồng chủ quyền cho Trường Sa) hay các dự án VietSearch và V-space đã góp phần vào nỗ lực chung trong phát triển kinh tế - xã hội của nước nhà.
Thứ trưởng khẳng định thế hệ trí thức trẻ kiều bào dù sinh ra và lớn lên ở đâu cũng là một bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt. Trên tinh thần đó, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm, coi trọng và tạo điều kiện cho các chuyên gia, trí thức kiều bào đầu tư kinh doanh, hoạt động khoa học công nghệ, khởi nghiệp và đóng góp cho sự phát triển đất nước.
Hội Trí thức chuyên gia người Việt Nam tại Thụy Sĩ bày tỏ những tình cảm gắn bó sâu sắc với quê hương, đất nước, cho biết đang đẩy mạnh triển khai hai dự án quan trọng VietSearch và V-space nhằm tăng cường gắn kết cộng đồng người Việt trên toàn thế giới.
Các chuyên gia cũng bày tỏ mong muốn được tiếp tục đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội đất nước thông qua tư vấn chính sách, kết nối hợp tác kinh tế, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ các sinh viên Việt Nam trong tiếp cận thông tin về các công nghệ mới, phát triển khởi nghiệp.
Các chuyên gia mong muốn Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục là cầu nối gắn kết hoạt động của Hội với các cơ quan, trường đại học và cộng đồng doanh nghiệp trẻ trong nước./.
Trần Mạnh